Chiến lược đầu tư phù hợp cho ngành dược

[ Hạnh Lê thực hiện ] 15/09/2023 02:00

Bất chấp những khó khăn của kinh tế, thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt.

>>Lợi thế của Việt Nam khi thu hút đầu tư mới vào ngành dược

TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) 

TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) 

Tuy vậy, nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước của ngành dược vẫn còn bỏ ngỏ.

Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, ngành dược cần chiến lược phù hợp với những đặc thù riêng, trong đó có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp dẫn đầu - những “sếu đầu đàn” trong nước và cơ chế tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo ra bệ phóng, lan toả tri thức công nghệ cho ngành.

- Thưa ông, đâu là những lợi thế tiềm năng của ngành dược Việt Nam trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư?

Lợi thế lớn nhất cho sự phát triển ngành dược Việt Nam chính là quy mô thị trường lớn với khoảng 100 triệu dân. Sau đại dịch COVID-19, người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe, trong đó tầng lớp trung lưu chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ y tế trong khi Chính phủ rất nỗ lực phát triển dịch vụ chăm sóc y tế để người dân tiếp cận một cách dễ dàng, thuận tiện hơn. Theo tính toán, hiện quy mô thị trường dược phẩm nước ta đạt 7 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng 11%/năm, ngành dược phẩm dự báo có thể đạt đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Quy mô thị trường tăng trưởng nhanh như vậy đã tạo ra sức hút, khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Thứ hai, các doanh nghiệp dược phẩm trong nước đã không ngừng lớn mạnh. Trong giai đoạn 2001 - 2011, thị phần thuốc trong nước chỉ dừng lại ở con số 17% nhưng đến nay đã tăng lên 46%. Tốc độ tăng trưởng nhanh cho thấy doanh nghiệp trong nước có năng lực nắm bắt và khai thác thị trường ở những phân khúc chưa bị hàng rào về độc quyền, sở hữu trí tuệ và sản phẩm cao cấp khác.

Thứ ba, Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú, thuận tiện cho các doanh nghiệp khai thác. Cuối cùng, là một thị trường mở, Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá cao, có nhiều khả năng để trở thành trung tâm (hub) sản xuất hàng hoá phục vụ xuất khẩu. Trong đó, bài học thành công của ngành công nghiệp điện tử được xem như điển hình cho việc Việt Nam có thể tự tin tận dụng tốt lợi thế, phát triển và mở rộng quy mô ngành dược - một trong những ngành sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

>>"Đòn bẩy" M&A ngành dược đưa thuốc Việt ra thế giới

p/Hiện quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam ước đạt 7 tỷ USD. Nguồn biểu đồ: Tổng hợp từ BCTC

Hiện quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam ước đạt 7 tỷ USD. Nguồn biểu đồ: Tổng hợp từ BCTC

- Thời gian qua, nhiều tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới đã rót vốn đầu tư, hợp tác với một số thương hiệu trong nước. Tuy nhiên, so với quy mô tiềm năng, vốn ngoại chưa được như kỳ vọng, thưa ông?

Đặc trưng lớn nhất của ngành dược phẩm là có tính độc quyền tự nhiên do hàm lượng tri thức rất cao và chi phí đầu tư rất lớn, nhất là kinh phí đầu tư cho R&D. Bởi vậy, ngành dược phẩm tại nước đang phát triển như Việt Nam thật khó để gia nhập và phát triển.

Ngay tại nước đã phát triển không dễ để tạo ra sản phẩm dược phẩm mang tính toàn cầu. Chẳng hạn như Hàn Quốc, Trung Quốc, dù kinh tế phát triển nhưng để có sản phẩm dược phẩm cạnh tranh cũng khá khó khăn. Trong cả một vạn nghiên cứu sản phẩm dược phẩm, đôi khi chỉ có một nghiên cứu thành công và tỷ lệ thương mại hoá sản phẩm còn ít hơn. Chưa kể, trong hợp tác đầu tư, doanh nghiệp trong nước chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao về quản trị, năng lực tiếp nhận công nghệ cao.

- Theo ông, những chính sách nào cần thực hiện để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư?

Doanh nghiệp Việt tuy đã phát triển nhưng mới ở giai đoạn đầu, về lâu dài, doanh nghiệp trong nước cần đầu tư lớn hơn cho R&D và công nghệ. Do đó, để phát triển ngành dược, cần hướng đến thực hiện chiến lược phù hợp với đặc thù riêng của ngành. Một mặt có chính sách tăng cường năng lực để tạo dựng doanh nghiệp dẫn đầu, những “sếu đầu đàn” trong ngành, nếu chỉ có đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay thì chúng ta cũng chỉ thực hiện những phần việc giá trị gia tăng thấp.

Mặt khác, cũng như ngành điện tử, phát triển ngành dược không thể không tính đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo ra bệ phóng, lan toả tri thức và công nghệ.

Ngoài ra, bản chất của ngành dược là tác động đến sức khoẻ của người dân nên việc tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng là vấn đề rất quan trọng. Cần hướng đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hoá quy trình sản xuất, kể cả sản xuất dược phẩm truyền thống trong nước.

Đầu tư cho ngành dược cần kinh phí lớn nhưng rủi ro cao nên đầu tư cơ bản cho nghiên cứu cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tất cả các nước cũng đều như vậy, bởi để có loại thuốc mới, thực tế doanh nghiệp có thể phải đầu tư 10 - 15 năm với kinh phí lên đến hàng tỷ USD. Chưa kể đến rủi ro, thất bại trong nghiên và trên thị trường. Do vậy, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro.

Vai trò của Nhà nước được thể hiện trong việc sử dụng công cụ rất lớn. Đó là Quỹ Bảo hiểm y tế. Bản chất của ngành thu mua dược ở các nước, người mua lớn nhất là Quỹ Bảo hiểm y tế. Công cụ này cần được sử dụng để khuyến khích phát triển ngành dược bởi bảo hiểm y tế có thể được xem như dẫn dắt thị trường, tạo lập thị trường và định hướng thị trường. Nếu chúng ta tổ chức hệ thống thu mua một cách tập trung, hiệu quả và như công cụ điều hành của Nhà nước thì sẽ trở thành công cụ hỗ trợ tốt cho sự phát triển của ngành dược.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Lợi thế của Việt Nam khi thu hút đầu tư mới vào ngành dược

    Lợi thế của Việt Nam khi thu hút đầu tư mới vào ngành dược

    03:01, 14/08/2023

  • Doanh nghiệp nào đứng top đầu ngành dược về giá cổ phiếu bán ra?

    Doanh nghiệp nào đứng top đầu ngành dược về giá cổ phiếu bán ra?

    14:00, 11/08/2023

  • Thách thức và cơ hội của DN Việt khi đầu tư vào ngành Dược

    Thách thức và cơ hội của DN Việt khi đầu tư vào ngành Dược

    11:05, 21/07/2023

  • Ngành dược

    Ngành dược "lên đời", vì sao cổ phiếu DNM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc?

    04:45, 06/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến lược đầu tư phù hợp cho ngành dược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO