Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó lòng kết thúc, chính quyền ông J. Biden còn “chơi lớn” hơn trước đây!
Hôm 8/10 Mỹ - Trung đã tổ chức đàm phán nhằm mục đích tháo dần cuộc chiến tranh thương mại đang có hiệu lực 7,5% thuế đối với 120 tỷ hàng hóa và 25% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Bắc Kinh cam kết thúc đẩy mua nông sản, mặt hàng sản xuất, năng lượng và dịch vụ của Mỹ lên khoảng 200 tỷ USD trong vòng hai năm. Đồng thời cam kết tăng cường bảo vệ bản quyền, nhãn hiệu và các hình thức sở hữu trí tuệ khác.
Phía Trung Quốc mong muốn Mỹ gỡ bỏ thêm hàng rào thuế quan, bắt đầu làm rõ chính sách công nghiệp, mô hình phát triển mới,… liệu Nhà trắng có thể xiêu lòng trước đề nghị này?
Ông Joe Biden bác bỏ hầu hết chính sách của người tiền nhiệm D. Trump, song không đả động gì đến vấn đề thương mại đã “cài đặt” với Trung Quốc trước đó.
Dữ kiện này cho thấy Washington đang dùng chiến tranh thương mại như rào cản với Trung Quốc trong khi chính quyền Joe Biden cần thêm thời gian để thiết lập chính sách đối nội và đối ngoại mới.
Trước sau gì người Mỹ vẫn xem Trung Quốc là mối nguy, nhưng lần này Washington không “đơn thương độc mã”, huy động tổng lực từ đồng minh bằng cách nối lại các mối quan hệ cũ, đồng thời lập ra nhiều Liên minh an ninh, quốc phòng, thương mại và đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương.
Xem ra ông Biden bắt đầu có những bước đi vững chắc, bài bản hơn trong đối phó với Trung Quốc. Dĩ nhiên Nhà trắng rất khó gật đầu dỡ bỏ chiến tranh thương mại như đề nghị của Bắc Kinh.
Về phía mình, Trung Quốc kiên trì theo đuổi xung đột thương mại, họ không chủ động tấn công đối thủ nhưng sẵn sàng đáp trả, nói cách khác chiến lược “phòng thủ phản công” và sắm vai “người bị hại”.
Trong cuộc chiến này Bắc Kinh nhiều lần thay đổi thái độ, còn nhớ đàm phán Alaska, Ngoại trưởng Vương Nghị và Uỷ viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì đã lớn tiếng chỉ trích Mỹ và tỏ rõ quan điểm “Trung Quốc là một cường quốc” ngang hàng.
Thời điểm cuộc đàm phán tại Alaska diễn ra không lâu (3/2021) sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, đây được xem là động thái “thử lửa” chính quyền mới, Washington không hề nhượng bộ, hai nước tiếp tục nhà ai nấy về mà không đạt bất cứ kết quả nào.
Trước đó, vào khoảng thời gian cuối nhiệm kỳ D. Trump, Trung Quốc nhiều lần dịu giọng, đề nghị đàm phán, đưa ra các điều kiện để chấm dứt chiến tranh thương mại. Có thể thấy, quan điểm của Bắc Kinh “tiền hậu bất nhất” mặc dù luôn tỏ ra cương quyết.
Hồi giữa tháng 9/2021 đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã thảo luận về khả năng mở cuộc điều tra Trung Quốc trợ cấp cho các công ty trong nước theo Điều 301, Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974.
Nhà trắng huy động thêm đồng minh từ châu Á, WTO, Liên minh châu Âu nhằm gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề trợ cấp công nghiệp, thương mại.
Về phần mình, gần đây Bắc Kinh rất mạnh tay với các công ty mà họ từng bao bọc. Những gì diễn ra cho thấy đây là “động thái chính trị” nhiều hơn so với việc phải làm hài lòng Mỹ.
Như vậy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó lòng kết thúc, chính quyền ông J. Biden còn “chơi lớn” hơn trước đây!
Có thể bạn quan tâm
Nguồn cội chiến tranh thương mại
04:00, 19/01/2020
Khởi động thuế quan mới trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
00:16, 02/09/2019
Chiến tranh thương mại dưới góc nhìn “nghệ thuật đàm phán”
11:05, 30/08/2019
ASEAN giữa "tâm bão" chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
06:55, 29/08/2019
Chiến tranh thương mại làm "nghẽn" dòng đầu tư quốc tế
05:30, 27/08/2019
Đâu là nước cờ hiểm của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại?
07:00, 23/08/2019