Các thương hiệu vẫn luôn tìm cách “đính kèm” sản phẩm của mình với ngôi sao mọi lúc mọi nơi, nhất là một cách “tình cờ” như các lễ trao giải Oscar hay Grammy.
>>Cá nhân hóa trong marketing
Quảng cáo ngay trên thảm đỏ
Đối với lễ trao giải lớn như Oscar hay Grammy, mỗi năm thường có khoảng 65 đến 75 thương hiệu xuất hiện quảng cáo, nhưng họ không thể làm quá lộ liễu. Các thương hiệu sẽ thường tài trợ cho người nổi tiếng những sản phẩm của mình để nó xuất hiện thật tự nhiên, từ những món trang phục đắt tiền, siêu xe, trang sức v.v..
Tuy vậy những món không thể mặc lên người thì khó xuất hiện hơn, chính vì vậy mà một người tên Lash Fary đã giải quyết bài toán này thông qua những gói quà.
Lash Fary là nhà sáng lập của công ty chuyên chuẩn bị và tuyển chọn túi quà tặng Distinctive Assets. Kể từ năm 1999, công ty ông là bên cung cấp những túi quà tặng cho những giải thưởng Hollywood.
Bằng cách cho những sản phẩm vào túi quà có tên Everyone Wins, Lash Fary bắt đầu sự nghiệp làm túi quà tặng của mình, đầu tiên với giải Grammys, cách đây khoảng 23 năm.
Ban đầu, các thương hiệu chưa hiểu hoàn toàn mô hình kinh doanh này. Còn hiện tại, các thương hiệu tự tìm đến Distinctive Assets để kiếm một chỗ trong túi quà. Các thương hiệu trong lĩnh vực như chăm sóc da và trà thường là những bên liên hệ đầu tiên.
Và đương nhiên, giá để các thương hiệu có chỗ trong túi quà của Fary không hề rẻ, các thương hiệu phải trả 4.000 USD để trở thành một phần của túi quà, hy vọng số tiền này sẽ phát huy hiệu quả bằng một cách nào đó. Hay nói theo cách Lash Fary, điều này giống như mua vé xổ số!
Ngoài khoản phí 4.000 USD, các thương hiệu có thể lựa chọn nâng cấp mức độ tài trợ của mình. Đơn của như túi quà Everyone Wins cho mùa Oscars năm nay có giá trị lên đến hơn 100.000 USD.
Mỗi phần quà năm nay sẽ bao gồm một chuyến du lịch cho tám người đến Hải Đăng Faro Punta Imperatore ở Ý với giải khoảng 9.000 USD, và một chuyến khác đến khu đất The Lifestyle ở Canada (40.000 USD), và nhiều thứ khác đi kèm cho chuyến du lịch như bộ chăm sóc da Miage, retinol ecoMD, dép xỏ ngón Havaianas bộ hành lý v.v..
Dĩ nhiên, không có gì đảm bảo các ngôi sao sẽ sử dụng sản phẩm hoặc các chuyến du lịch xuất hiện trong túi quà của Fary.
Tuy nhiên, nếu họ “tình cờ” chụp hình với túi quà tặng, thực tế là khá nhiều vì đây là lễ trao giải Oscar, và đăng lên một mạng xã hội nào đó, thương hiệu sẽ vô tình được quảng bá “miễn phí”.
Với một món hời như vậy, các thương hiệu sẽ vẫn tiếp túc chen nhau để có thể chiếm một suất trong túi quà.
Hay như Fary nói rằng: “Ai cũng muốn trúng xổ số. Nhưng nếu không mua xổ số thì chẳng bao giờ trúng được. Việc xuất hiện trên túi quà tặng này cũng giống như mua vé số vậy”.
>>Trải nghiệm số - xu hướng bao trùm hoạt động marketing doanh nghiệp
Nhiều ý kiến trái chiều
Thực tế, Distinctive Assets không hề liên kết với đơn vị tổ chức của Oscar hay Grammy. Tuy nhiên họ đã làm túi quà Everyone Wins trong 21 năm. Theo Fary, việc hoạt động độc lập so với Viện Hàn Lâm giúp họ linh hoạt hơn trong việc phân phát các món quà và quyết định ai là người được nhận quà.
Trong những năm gần đây họ thường tặng cho người dẫn chương trình, những diễn viên được đề cử nam/nữ diễn viên chính, diễn viên phụ xuất sắc nhất, cùng với đề cử đạo diễn xuất sắc nhất.
Về phía thương hiệu, Fary nói rằng rất nhiều bên hy vọng có thể phát triển độ nhận diện thương hiệu trong giới ngôi sao và biến mình thành một thứ gì đó mà các ngôi sao có thể nhớ đến khi cần.
Chẳng hạn nữ diễn viên Viola Davis từng chọn resort Koloa Landing ở Kauai năm 2018 vì thấy voucher của resort trong túi Everybody Wins. Và khi đến lưu trú ở đây, cô chia sẻ hình ảnh về resort trên tài khoản Twitter của mình.
Thậm chí nếu các ngôi sao không trực tiếp đăng tải những hình ảnh về thương hiệu, thì thương hiệu vẫn có cơ hội “đính kèm” với ngôi sao trong các hình ảnh từ cánh săn ảnh và báo chí. Chẳng hạn chiếc áo thun mà Amy Adams đã mặc, hoặc áo khoác mà Camila Cabello mặc trong phỏng vấn với Vogue ở giải Grammy.
Mô hình kinh doanh này của Distinctive Assets nghe có vẻ khá hấp dẫn với những thương hiệu. Thế nhưng không có thứ gì không tồn tại những điểm yếu, những mặt trái.
Điểm thứ nhất là giá trị của những chiếc túi. Việc tặng một túi quà có giá trị đến trăm nghìn đô khiến nhiều người phản đối, đặc biệt trong thời điểm lạm phát tăng cao và bất bình đẳng thu nhập lớn như hiện nay.
Điểm thứ hai là những thứ trong túi quà. Distinctive Assets từng nhận rất nhiều chỉ trích khi cho vào túi quà chuyến du lịch đến Israel, hoặc NFT của nam diễn viên quá cố Chadwick Boseman, hay thậm chí cả đồ chơi tình dục.
Bất chấp những dòng chỉ trích xung quanh việc tặng những món quà lên tới hàng trăm nghìn đô cho những người nổi tiếng, Fary nhấn mạnh rằng thực tế đây không phải quà do anh mua và những món đồ trong túi đó vẫn sẽ được sử dụng cho một số mục đích kinh doanh khác nếu không nằm trong túi quà của anh.
Lash Fary nói: "Nó đơn giản là chiêu trò marketing mà thôi".
Có thể bạn quan tâm