Những chuẩn mực kinh doanh toàn cầu đang thay đổi khiến những doanh nghiệp phải bước lên tầm mới hoặc phải tự loại mình ra khỏi sân chơi.
>>>Động lực phát triển của giới doanh nhân đến từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước
Phát biểu tại cuộc gặp “Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam” từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Chủ tịch Công ty Secoin cho biết, Secoin là doanh nghiệp được thành lập cách đây 35 năm, là nhà sản xuất gạch ngói không nung hàng đầu Việt Nam với hệ thống 9 nhà máy tại khắp 3 miền của đất nước.
Sản phẩm Secoin được cung cấp tới các dự án trọng diểm trên cả nước và được xuất khẩu tới 60 quốc gia trên khắp 6 châu lục. Secoin được Chính phủ công nhận là Thương hiệu Quốc gia của Việt Nam trong suốt 8 năm qua.
“Trong suốt 35 năm qua, tình hình phát triển của công ty chúng tôi trải qua nhiều thăng trầm cùng sự đi lên của đất nước. Tuy vậy, 3 năm trở lại đây, tình hình sản xuất kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều bất lợi do khó khăn kinh tế chung của thế giới”, ông Đinh Hồng Kỳ chia sẻ.
Cụ thể, sản lượng xuất khẩu giảm sút, tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng tại các dự án trong nước do bất động sản “đóng băng” và thiết chặt tín dụng dẫn đến ngành xây dựng và vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để vượt qua bối cảnh khó khăn, Chủ tịch Secoin cho biết, doanh nghiệp phải cơ cấu lại qui mô sản xuất và tập trung quản trị nội bộ theo hướng phát triển bền vững, tập trung cho việc phát triển sản phẩm mới theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, một số kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp đã được Chủ tịch Secoin Đinh Hồng Kỳ chia sẻ. Cụ thể, doanh nghiệp đã liên tục chuyển đổi và cải tiến để đáp ứng được yêu cầu từ chuỗi cung ứng xanh toàn cầu tại châu Âu và áp dụng 3 chương trình.
Cụ thể, chương trình positive Products (sản phẩm tích cực) hướng tiếp cận đa tiêu chí (5 tiêu chí) gồm (1) Sản phẩm an toàn; (2) Nguyên vật liệu tái tạo; (3) Quyền con người; (4) Sản phẩm lâu bền; (5) Thiết kế hiệu suất môi trường. Chương trình đo lường Carbon Footprint (CO2) hướng tiếp cận tập trung vào tiêu chí phát thải carbon. Chương trình solar Impulse phát huy đổi mới, sáng tạo để tìm kiếm giải pháp bảo vệ môi trường.
Ông Đinh Hồng Kỳ nhận định: “Những chuẩn mực kinh doanh toàn cầu đang thay đổi khiến những doanh nghiệp như Secoin hoặc phải bước lên tầm mới hoặc phải tự loại mình ra khỏi sân chơi”.
Secoin đã thực hiện các chương trình như: Đánh giá ICS – hệ thống tiêu chuẩn của Pháp; triển khai ESG (môi trường – xã hội – quản trị), LCA (đánh giá vòng đời sản phẩm), EPD (tuyên bố sản phẩm môi trường) theo các tiêu chuẩn mới nhất của châu Âu; vượt qua các rào cản CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) của châu Âu và hàng rào hải quan xanh của Mỹ; sử dụng năng lượng tái tạo (hệ năng lượng mặt trời) tại các nhà máy và văn phòng Secoin.
Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng của doanh nghiệp cũng đóng góp một vai trò rất quan trọng cho sứ mệnh Phát triển bền vững. “Bài học từ các các thành phố phát triển trên thế giới tiến tới net zero, làm sao tránh tình trạng cho xây dựng các công trình lên rồi bắt cải tạo. Cần có qui định từ bây giờ để chỉ những công trình xanh mới được đưa vào vận hành. Do vậy, chúng tôi đang tích cực xây dựng các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng công trình xanh, trung hòa carbon, sử dụng vật liệu bền vững có khả năng tái tạo phù hợp kinh tế tuần hoàn”, ông Đinh Hồng kỳ chia sẻ.
Lãnh đạo Secoin khẳng định, doanh nghiệp luôn đồng hành cùng các cấp quản lý để tham gia những chương trình hoạt động của Chính phủ kết hợp với doanh nghiệp về phát triển kinh tế xanh, bền vững.
“Chúng tôi hy vọng sự khó khăn của bất động sản và vật liệu xây dựng tại Việt Nam đang ở đáy và sang năm tới thị trường phục hồi cùng sự cố gắng của doanh nghiệp và chung tay góp sức của Chính phủ để ngành bước ra khỏi giai đoạn khó khăn và hướng tới phát triển bền vững”, ông Đinh Hồng Kỳ nhấn mạnh.
Trước đó, Báo cáo về hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, 9 tháng đầu năm, mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng theo phản ánh, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ từ nay đến cuối năm mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024.
Cụ thể, sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm. Áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Đặc biệt nhấn mạnh tới xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước tạo áp lực lớn về chi phí tuân thủ, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ các thị trường xuất khẩu lớn nh: Mỹ, EU tiếp tục gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm đầu vào của các doanh nghiệp nội khối và các nước láng giềng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; chỉ đạo các Thành viên Chính phủ làm việc thường xuyên với các địa phương, thành lập các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Có thể bạn quan tâm
16:30, 11/10/2023
15:33, 11/10/2023
13:45, 11/10/2023
10:54, 11/10/2023
10:30, 11/10/2023
08:54, 11/10/2023
08:40, 11/10/2023