Chăm doanh nghiệp là giữ bệ đỡ nền kinh tế, không suy thoái kinh tế là ngăn được các cuộc khủng hoảng thứ cấp. Đây là tư duy biện chứng.
Đầu tháng 8, lúc dịch bệnh ở TPHCM đang cao điểm, có nghĩa là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam gánh chịu sức ép lớn nhất. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ và các doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và Bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đây là một hội nghị rất lớn và có tính bước ngoặt. Trong bối cảnh eo hẹp thời gian Chính phủ hoàn toàn có thể yêu cầu các địa phương, Bộ ngành tổng hợp báo cáo “tình trạng doanh nghiệp” bằng văn bản.
Nhưng Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị. Trên tinh thần thực chất, khách quan để đưa ra cách “ứng xử” cho giai đoạn tới.
Về mặt phương pháp, Chính phủ đã tiếp cận với thực tiễn gần nhất có thể, về mặt nội dung “lắng nghe doanh nghiệp” chính là đo đếm hơi thở nền kinh tế - nhiệm vụ quan trọng không kém giảm thiểu mức độ thiệt hại sức khỏe và tính mạng nhân dân trong đại dịch.
Sau hội nghị này nhiều Quyết nghị “nóng hổi” đã được ban hành: Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động,…
Hơn một tháng sau, Chính phủ đã cùng VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, địa phương tiếp tục ngồi lại vào ngày 26/9. Lần này Thủ tướng đã đưa ra ý tưởng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, xây dựng dự án luật và bổ sung sửa đổi luật phù hợp với tình hình mới.
Cộng đồng doanh nghiệp chính thức nhận được hiệu triệu “đoàn kết chung tay”. “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”; “3 không” là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Từ thực tiễn vô cùng rộng lớn và phức tạp, người đứng đầu Chính phủ đã rút gọn hành động bằng các khẩu hiệu dễ nhớ. Để làm được điều này Chính phủ và bộ máy tham mưu phải rất thấu hiểu doanh nghiệp và những khó khăn trong cộng đồng.
Bật thời sự lên là thấy Chính phủ họp, người xem cảm nhận được mức độ “căng như dây đàn”, không ít lần Thủ tướng truy hỏi vấn đề đến tận cùng từ người đứng đầu tỉnh, huyện đến phường, xã. Phải có thái độ hết sức cầu thị và nhu cầu cần biết tường tận mới có thể tạo ra nhiều tình huống khiến người xem thấy thỏa mãn.
Việc Thủ tướng trực tiếp đảm nhận điều hành Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia đã cho thấy trách nhiệm rất lớn và nặng nề của Chính phủ. Có thể nói mấy tháng vừa qua Chính phủ đã chuyển sang “hành động trực tiếp” chứ không chỉ là “điều hành vĩ mô” như thường thấy.
Thông qua hoạt động tiếp xúc gân gũi nhất có thể, các chỉ đạo của Chính phủ vì vậy càng lúc càng sát hơn. Các hội nghị trên tuy cùng một đối tượng nhưng nội dung không lặp lại nhau, càng về sau cấp độ càng nâng dần lên, theo logic “lắng nghe, tiếp thu, sẻ chia, nghiên cứu và đưa ra hành động”.
Khối lượng công việc đối nội khổng lồ, Chính phủ vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại với chuyến công du của Thủ tướng đến các nước ASEAN hồi đầu tháng 4, tham dự hàng loạt hội nghị quốc tế quan trọng, tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ, “ngoại giao vaccine” trên mọi mặt trận.
Tuy nhiên, việc Chính phủ đặc biệt quan tâm đến “sức khỏe” doanh nghiệp còn thể hiện phong cách điều hành rất biện chứng. Vì sao nói vậy? Bởi doanh nghiệp là “xương sống” của nền kinh tế, chăm doanh nghiệp chính là cũng cố bệ đỡ của nền kinh tế.
Sức ép từ dịch bệnh để lại rất nhiều mâu thuẫn trong hầu hết lĩnh vực. Dĩ nhiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là giải quyết mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu trong xã hội; giải pháp về vốn, lưu thông, chuỗi cung ứng, vaccine là nói đến các nguyên nhân chủ yếu, bao trùm.
Với phương pháp biện chứng, khi giải quyết được mâu thuẫn cơ bản - mặc nhiên mâu thuẫn không cơ bản được giải quyết. Khi giải quyết được nguyên nhân chủ yếu -mặc nhiên nguyên nhân thứ yếu được giải quyết.
Các nguyên nhân, mâu thuẫn luôn vận động, có thể đổi vai cho nhau. Vì vậy cần tác động đúng lúc, đúng thời điểm, đúng cường độ. Điều này giải thích vì sao trong thời gian ngắn Chính phủ liên tục gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân.
Về nguyên tắc, mọi khó khăn sẽ được giải quyết nếu như khâu kinh tế đảm bảo, ngăn chặn suy thoái kinh tế giúp phòng ngừa những cuộc khủng hoảng thứ cấp do dịch bệnh như di dân, dịch chuyển lao động, đói nghèo… góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.
Ngày hôm nay (12/10) Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp gỡ bàn thảo phương sách vượt qua đại dịch. Với quyết tâm sẵn có, đôi bên đã hiểu nhau, tâm thái sẵn sàng chia sẻ, không ngại khó khăn, kết quả rất đáng để chờ đợi.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Triển khai nhanh các gói hỗ trợ
03:15, 08/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Miễn giảm hơn nữa thuế giá trị gia tăng
03:05, 08/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Mở rộng đối tượng được phép hoạt động trở lại
03:00, 08/10/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải sản xuất vaccine COVID-19 với tinh thần "3 không và 5 thật"
17:11, 07/06/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không giao doanh nghiệp làm quy hoạch
23:09, 18/05/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết liệt hiện thực "mục tiêu kép"
18:06, 05/05/2021