Trung Quốc từng bước và không ngừng tăng cường kiểm soát cũng như mở rộng yêu sách chủ quyền trên các đảo, vùng nước ở Biển Đông.
>>Chính sách biển của Trung Quốc và những thách thức đối với Việt Nam (Bài 1)
Từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến nay, Trung Quốc từng bước từ chỗ chưa kiểm soát thực thể nào, đến kiểm soát các đảo phía Đông của Hoàng Sa năm 1956, đến toàn bộ quần đảo này năm 1974, một phần quần đảo Trường Sa năm 1988 và đến nay tuy không mở rộng các điểm chiếm đóng, nhưng việc Trung Quốc mở rộng, bồi đắp các đảo, bãi đã đã kiểm soát với quy mô lớn đã thay cán cân kiểm soát các đảo trên thực tế ở Biển Đông.
Về yêu sách, từ chỗ chỉ yêu sách các đảo, nay đã công khai yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền ở cả vùng nước nằm trong đường chín đoạn. Vấn đề hiện nay, Trung Quốc có tiếp tục mở rộng kiểm soát nữa hay không.
Nhìn lại lịch sử chính sách về Biển Đông của nước này có thể khẳng định, Trung Quốc sẽ không dừng lại ở những gì đã làm, mà sẽ tìm cách kiểm soát toàn bộ các đảo và vùng nước trên Biển Đông theo đường chín đoạn, chỉ có điều mức độ và biện pháp có thay đổi tùy từng bối cảnh trong nước và quốc tế cụ thể từng thời kỳ.
Do đó, về mặt nhận thức, từ lãnh đạo cấp cao, các cơ quan hoạch định chính sách, đến các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, cùng toàn bộ chúng ta phải nhận thức đầy đủ, không mơ hồ, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là độc chiếm toàn bộ Biển Đông, kiểm soát tất cả các đảo và vùng nước ở đây.
Vấn đề là khi nào Trung Quốc triển khai sẽ triển khai các hoạt động tiếp theo, điều đó tùy thuộc vào tình hình quốc tế và trong nước Trung Quốc. Nhận thức được âm mưu, ý đồ của Trung Quốc, chúng ta không có cách nào khác là làm tốt công tác chuẩn bị. Hoàn thiện các chính sách, cũng như pháp luật để củng cố lực lượng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Trung Quốc điều chỉnh chính sách và có những hoạt động lớn khi tình hình trong nước và quốc tế thay đổi có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, từ trước đến nay, dù Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh chính sách nhưng một điều không thay đổi là so sánh lực lượng giữa các bên tranh cấp còn lại với Trung Quốc chưa bao giờ không thay đổi, Trung Quốc tiến hành xâm hại chủ quyền các bên tranh chấp còn lại kể cả khi quan hệ giữa hai nước rất tốt.
Điển hình, Trung Quốc tiến hành kiểm soát bãi Vành Khăn năm 1995, khi quan hệ Trung Quốc - ASEAN và quan hệ Trung Quốc - Philippines đang ở thời kỳ rất tốt.
Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế nước ta, quan hệ Trung Quốc -Việt Nam không phải là xấu, hai bên đã thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Điều đó cho thấy, yếu tố để Trung Quốc cân nhắc khi điều chỉnh chính sách và có những hoạt động lớn ở Biển Đông phụ thuộc phần lớn vào quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lớn có ảnh hưởng ở Biển Đông và nước lớn ảnh hưởng nhất hiện nay là Mỹ.
Do đó, các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách, thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền biển đảo khi phân tích, dự báo chính sách, hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông phải theo dõi chặt chẽ động thái trong quan hệ Trung - Mỹ, cảnh giác sự thỏa hiệp giữa hai nước lớn này.
Phải theo dõi, nắm tình hình từ các điểm nóng quốc tế, cho đến những khó khăn nước Mỹ gặp phải cản trở nước này can thiệp vào vấn đề Biển Đông khi Trung Quốc có động thái mới. Chúng ta cũng cần nhận thức rõ, khi quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc tốt, không đồng nghĩa thời kỳ đó Trung Quốc không có hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
>>Cuộc chiến trong lòng Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc
>>Đường lưỡi bò mãi chỉ là tham vọng của Trung Quốc
>>Cần thêm những rào cản ở Biển Đông cho Trung Quốc
Để thực thi chính sách về Biển Đông hiện nay, Trung Quốc sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp như chấp pháp, ngoại giao, quân sự, kinh tế, giàn khoan, nghiên cứu khoa biển, tuyên truyền, cấm đánh bắt cá và sử dụng ngư dân v.v…, trong đó chú trọng đến biện pháp chấp pháp trên biển, các biện pháp khác chỉ bổ trợ, biện pháp quân sự chỉ để dự bị.
Do đó, để phòng ngừa ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, chúng ta phải xây dựng được lực lượng chấp pháp đủ mạnh, đầy đủ phương tiện để bảo vệ chủ quyền.
Điểm đáng chú ý, các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc hiện nay đều đặt dưới sự quản lý của cơ quan dân sự như Hải cảnh, ngư binh thuộc Bộ Tài nguyên và Đất đai, Kiểm Ngư thuộc Bộ Nông lâm Ngư nghiệp, hiện nay Trung Quốc đang tập trung xây dựng Luật Biển.
Cảnh sát biển của Việt Nam nằm trong Bộ Quốc phòng, cho nên khi đấu tranh với các lực lượng của Trung Quốc, chúng ta có lợi về mặt dư luận vì không phải là lực lượng chiến đấu hải quân mà chỉ là lực lượng chấp pháp, chúng ta không tạo cớ để Trung Quốc khiêu khích.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tiếp tục đầu tư cho lực lượng Cảnh sát Biển phát triển toàn diện về mọi mặt, có những gam tàu hiện đại đủ sức hoạt động dài ngày trên biển.
Trung Quốc không ngần ngại sử dụng biện pháp kinh tế đối với các nước khi cần thiết và đã sử dụng với nhiều nước, gần đây là Hàn Quốc liên quan đến việc Hàn Quốc và Mỹ triển khai xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, trước đó là Nhật Bản, Philipines và cả Việt Nam.
Trong sự kiện giàn khoan 981 năm 2014, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo du lịch và duy trì cảnh báo này kéo dài một năm sau, ảnh hưởng rất lớn đến lượng khách du lịch nước ta. Bởi vì, cảnh báo du lịch, nên các công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm cho công ty du lịch, cho nên không cần cấm các công ty du lịch Trung Quốc cũng không dám tổ chức tuor đi Việt Nam.
Do đó, trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, kế hoạch phát triển các ngành, cũng cần phải tính đến yếu tố ảnh hưởng từ các vụ va chạm trên biển.
Mặt khác, Trung Quốc tăng cường kiểm soát và thực thi pháp luật trên vùng biển trong đường chín đoạn, nên các hoạt động khảo sát, thăm dò dầu khí của ta trên thềm lục địa nhưng nằm trong đường chín đoạn sẽ bị Trung Quốc cản phá mạnh và là cái cớ để tiến thêm các bước xâm phạm chủ quyền nước ta nghiêm trọng hơn.
Hiện nay, giá dầu thô đang giảm, các hoạt động mở rộng tìm kiếm, thăm dò đang dừng lại, nhưng khi giá dầu tăng trở lại, các hoạt động được tăng cường, tình hình sẽ căng thẳng. Nên trước khi có các phương án khảo sát, thăm dò, cần có phương án cụ thể, đồng thời cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành hữu quan.
Qua nhiều lần tuyên bố, yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông đã cụ thể hơn, nhưng vẫn còn tồn tại mơ hồ, trái với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982.
Chính mơ hồ cho nên đã tạo nên tranh chấp chủ quyền biển đảo phức tạp. Trong văn kiện mới nhất, Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông ngày 12/7/2016, Trung Quốc tuyên bố, chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển tại Biển Đông bao gồm: Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa Việt Nam gọi là Hoàng Sa, Trung Sa và Nam Sa Việt Nam gọi là Trường Sa.
Một số đảo ở Biển Đông có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải. Một số đảo ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc có quyền lợi mang tính lịch sử ở Biển Đông.
Tuyên bố cũng cho biết, yêu sách trên của Trung Quốc phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Trong sự kiện HD 981, Trung Quốc tuyên bố giàn khoan này chỉ cách đảo Tri Tôn và đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý, trong khi cách bờ biển Việt Nam từ 133-156 hải lý (15). Điều đó cho thấy, Trung Quốc yêu sách quần đảo Hoàng Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trong bối cảnh hiện nay, các nước đang nghi ngờ Trung Quốc trong việc phòng chống dịch Covid, Trung Quốc lại thực hiện chính sách cứng rắn và quyết đoán hơn trên Biển Đông, cho giàn khoan và các nhóm tàu Cảnh sát biển, tàu kéo, ngư binh xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia xung quanh Biển Đông trong đó có Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc đang diễn ra trên Biển Đông đã vi phạm hệ thống luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, luật biển quốc tế, quy định của UNCLOS và các thỏa thuận khu vực như DOC.
Trong 4 yêu sách, 3 yêu sách đầu là tương đối rõ, chỉ có áp dụng không đúng luật, còn sự mơ hồ nằm ở yêu sách thứ 4. Đây chính là yêu sách của Trung Quốc đối với đường chín đoạn. Hiện nay ở Trung Quốc có 4 quan điểm về đường chín đoạn:
Thứ nhất, đây là đường biên giới trên biển, coi vùng nước trong đường chín đoạnlà vùng nội thủy.
Thứ hai, đây là đường quy thuộc các đảo, tức chỉ yêu sách các đảo trong đường chín đoạn. Đây là quan điểm của chính quyền Tưởng Giới Thạch vì trên bản đồ ghi: Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải.
Thứ ba, đây là đường quyền lợi mang tính lịch sử, tức đường quy định vùng biển Trung Quốc có quyền lợi tính lịch sử, còn quyền lợi này bao gồm những gì hiện chưa rõ, có thể là chủ quyền, quyền chủ quyền hay quyền tài phán v.v… Quan điểm của chính phủ Trung Quốc hiện nay là theo chủ trương này.
Thứ tư, đây lừa đường quy định vùng nước lịch sử, coi vùng nước trong đường chín đoạnnhư một vịnh lịch sử, hưởng quy chế vịnh mang tính lịch sử như quy định trong Công ước của Liên hợp quốc quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982, về cơ bản như nội thủy. Đây là quan điểm của Chính quyền Đài Loan.
Các động thái chính trị, ngoại giao và quân sự ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Tuy nhiên, sự hội tụ của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài Trung Quốc kể từ giữa năm 2016 đến nay đã buộc các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh phải chấp nhận những điều chỉnh có tính chiến thuật để hạn chế tác động của Phán quyết, tránh sự chú ý của công luận quốc tế, đồng thời ngăn chặn các tập hợp lực lượng bất lợi cho Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho lực lượng hải quân, ngấm ngầm nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các tiền đồn ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và chủ động nhập nhèm trong yêu sách chủ quyền.
Mặc dù có tác dụng làm giảm khu vực tranh chấp, qua đó thu hẹp không gian cho các hoạt động chấp pháp và dân sự của Trung Quốc, nhưng phán quyết không có tác động đến các hoạt động quân sự, không ảnh hưởng đến sự mở rộng, tăng cường kiểm soát về quân sự, an ninh, chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Quan trọng hơn, việc thiếu vắng cơ chế thực thi phán quyết cùng với sự thay đổi chính sách của Philippines giúp Trung Quốc giành lại thế chủ động trên bàn cờ ngoại giao và chiến lược ở Biển Đông.
Theo đó, tình hình Biển Đông tuy bình lặng trên mặt nhưng hết sức nguy hiểm bởi sóng ngầm vẫn cuộn chảy mạnh mẽ. Biển Đông chỉ có thể ổn định nếu Phán quyết và các quy định của UNCLOS được tất cả các bên tôn trọng và thực thi.
Cục diện thế giới đang thay đổi tác động đến chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, do vậy Việt Nam cần đồng bộ các giải pháp cả về đối ngoại, an ninh quốc phòng, ngoại giao, kinh tế.
Thứ nhất, tăng cường năng lực kiểm soát các vùng biển chủ quyền thông qua xây dựng phát triển lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và nâng cao sức mạnh lực lượng Hải quân, Biên phòng, Dân quân biển, Kiểm ngư, Không quân và các quân khu ven biển.
Thứ hai, không thể đứng một mình. Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả chiến lược cân bằng chủ động thông qua tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với các cường quốc khu vực, nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh trên biển; tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.
Thứ ba, tích cực thúc đẩy sự đoàn kết nội bộ trong khối ASEAN. Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên của ASEAN, chúng ta đã đưa ra và triển khai các sáng kiến củng cố cộng đồng ASEAN, nhất là tăng cường sự đoàn kết, thông nhất trong ASEAN. Do vậy, trong thời gian tới chúng ta cần phát huy tối đa vai trò của ASEAN trong thảo luận và đàm phán giải quyết các vấn đề Biển Đông.
Thứ tư, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước, nhất là tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, nhất là khoa học về biển, nguồn nhân lực chất lượng cao về biển. Đây chính là nền tảng để Việt Nam phát huy sức mạnh nội lực kết hợp với sức mạnh từ bên ngoài, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình khu vực và thế giới.
Thứ năm, bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, phối hợp chặt chẽ các hoạt động đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực. Nắm chắc mọi di biến động của đối phương, đánh giá, dự báo đúng tình hình trên biển để có đối sách phù hợp không để bị động, bất ngờ, không mắc mưu khiêu khích. Khuyến khích ngư dân ra khơi, kiên trì bám biển để khai thác ngư trường truyền thống.
Có thể thấy, chủ trương, chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông vẫn còn nhiều điểm trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 và chưa rõ ràng, do đó Việt Nam cần chuẩn bị biện pháp pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc ở tòa án quốc tế.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra, Trung Quốc đã và đang thực hiện các hành động hung hăng hơn ở Biển Đông, cụ thể thành lập quận Tây Sa, Nam Sa, phản đối công hàm của các nước ASEAN tại Liên hợp quốc, triển khai tàu Hải dương địa chất (HD-8) và một số tàu Cảnh sát biển, tàu cá hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia, đe dọa một số nước xung quanh Biển Đông trong đó có Việt Nam, đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa, bồi đắp các đảo ở đây có được thừa nhận về chủ quyền không, tất nhiên là không được vì quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam.
Quy chế pháp lý của các đảo ở Trường Sa là như thế nào, và chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Trung Quốc yêu sách quyền lợi mang tính lịch sử trong đường chín đoạn và yêu sách tứ sa là không phù hợp.