Khả năng Bitcoin sẽ tiếp tục trượt dốc khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục chính sách “diều hâu”, tạo ra nhiều bất ổn trên thị trường và dẫn đến việc các nhà đầu tư phải bán tháo tài sản của mình.
>>Tiền điện tử trị giá hàng tỷ đô "không cánh mà bay"
Bitcoin (BTC) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng vào ngày 19/9 khi chạm mốc 18.390 USD/BTC, với tâm lý giảm giá vẫn ngự trị trên thị trường tiền điện tử. Đồng tiền có vốn hoá lớn nhất đã có sự hồi phục nhẹ vào ngày 20/9 khi giao dịch quanh mốc 18.500 USD.
Nhiều người tin rằng, sự sụt giảm diễn ra trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Hoa Kỳ (FOMC) sắp tới, với chính sách lãi suất dự kiến sẽ tăng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhiều altcoin cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trước sự suy thoái của thị trường. Ethereum (ETH), tiền điện tử lớn thứ hai tính theo vốn hóa đã giảm thêm 10% và giao dịch ở mức 1.302 USD/ETH. Mức cao nhất trong 24 giờ là 1.457 USD và mức thấp nhất là 1.287 USD. Giá Ethereum vốn được kỳ vọng sẽ bứt phá sau khi quá trình nâng cấp mạng hoàn tất, nhưng lại dẫn đến rất nhiều thông tin tiêu cực và bán tháo sau đó. Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu điều này tiếp tục, có khả năng ETH sẽ quay trở lại mức 1.000 USD trong thời gian tới.
Các altcoin lớn khác như ADA, Solana, Dogecoin hay DOT đều giảm hơn 7% trong 24 giờ qua. Thị trường tiền điện tử nói chung đang phải đối mặt với một tình huống rất quan trọng, bao gồm việc không chắc chắn về chính sách khách quan và áp lực bán tháo đè nặng. Vẫn phải chờ đợi các động thái tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào trên thị trường trong vài ngày tới.
Sự suy thoái của thị trường tiền điện tử toàn cầu là hệ quả của các yếu tố kinh tế vĩ mô. Theo các chuyên gia, việc sáp nhập Ethereum xảy ra vào đúng thời điểm tồi tệ, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có một lập trường cực kỳ “diều hâu” trong bối cảnh lạm phát ngày càng gia tăng. Điều này đã tạo ra nhiều bất ổn trên thị trường và dẫn đến việc các nhà đầu tư phải bán tháo tài sản của mình.
Các điều kiện thị trường hiện tại không thuận lợi cho tiền điện tử với các biến động mạnh và mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh. Riêng giá trị của đồng USD đã tăng phi mã trong thời gian qua, chỉ số DXY – so sánh USD với rổ các đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,4% lên 109,98, không xa mức cao nhất 20 năm là 110,79 vào ngày 7/9. Đồng Euro giảm 0,3% so với USD xuống 0,9984 USD, bảng Anh giảm 0,4% xuống 1,1386 USD, không xa mức thấp nhất trong vòng 37 năm chạm tới ngày 16/9. So với yên Nhật, USD tăng khoảng 0,4% lên 143,50 JPY, dao động dưới mức kháng cự mạnh là 145 JPY, sau khi một số nhà các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản có thái độ khá rõ ràng về việc can thiệp vào đồng nội tệ.
Chưa kể, thị trường chứng khoán thế giới vẫn tiếp tục những ngày biến động khá mạnh, chủ yếu theo xu hướng giảm. JP Morgan tin rằng, mức đáy đối với tài sản rủi ro và thị trường chứng khoán đang ở rất gần trong khi hai thị trường này có sự tương quan chặt chẽ. Tuy nhiên, Giám đốc toàn cầu tại JP Morgan Marko Kolanovic bày tỏ, ông đang rất lạc quan. Kolanovic chỉ ra kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn mong đợi, điều đó đủ để ủng hộ cho thị trường phía trước, thậm chí giúp ích cho thị trường trong dài hạn.
Marko cũng tin FED sẽ tiếp tục với lập trường “diều hâu” và có thể sẽ quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm % tại cuộc họp FOMC. Đồng thời kỳ vọng lạm phát dài hạn được duy trì tốt sẽ ngăn thị trường trượt thêm.
>>Việt Nam đứng đầu bảng chỉ số chấp nhận tiền điện tử
Theo trang Bitcoinist đưa tin, một báo cáo mới đây cho thấy, lượt tải xuống các ứng dụng tiền điện tử trên toàn thị trường châu Âu đã giảm mạnh. Với dữ liệu trên 10 ứng dụng vốn thu hút hàng triệu lượt tải xuống và so sánh dữ liệu từ nửa đầu năm 2022 với cùng kỳ năm 2021, con số đã giảm gần 50%.
Dữ liệu được đối chiếu từ Cửa hàng Google Play trên các ứng dụng tiền điện tử như BRD, Bitpanda, Bitstamp, Nexo, Kriptomat, Luno, Change, Coinmetro, Wirex và Blockchain.com. Các ứng dụng này phổ biến trong giới đầu tư châu Âu, khiến chúng trở thành một lựa chọn tốt cho các cuộc khảo sát.
Trong đó, một số ứng dụng tiền điện tử đã ghi nhận sự sụt giảm nhiều hơn so với những ứng dụng khác. Mức sụt giảm lớn nhất là BRD, một ứng dụng đã chứng kiến lượt tải xuống giảm 97% trong khoảng thời gian từ nửa đầu năm 2021 đến nửa đầu năm 2022.
Tiếp theo là ứng dụng Bitpanda đã giảm 65% trong cùng khoảng thời gian. Hay Blockchain.com là một nền tảng trao đổi tiền điện tử cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong xu hướng thị trường “gấu” gần đây. Công ty đã phải sa thải một phần nhân sự của mình và số lượt tải xuống cho thấy nền tảng này đang gặp khó khăn như thế nào khi giảm 51% trong nửa đầu năm 2022...
Các ứng dụng tiền điện tử khác đã bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm bao gồm Luno giảm 17%, Kriptomat và Nexo cùng giảm 10%. Lượt tải xuống trên Wirex đã giảm 5%, mức thấp nhất trong số các ứng dụng bị sụt giảm. Chỉ có 3 trong tổng số 10 ứng dụng được khảo sát xuất hiện với mức tăng, đó là Change, Bitstamp và Coinmetro. Dường như số ít các ứng dụng này vẫn được phía nhà đầu tư tiền điện tử ủng hộ ngay cả khi thị trường lao dốc.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 11/09/2022
04:50, 08/09/2022
04:50, 21/08/2022
04:40, 10/08/2022