Để cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước “làn sóng phá sản”, các chuyên gia cho rằng, các chính sách hỗ trợ cần có sự phân loại khác nhau về mức độ ảnh hưởng thay vì quy định chung cho tất cả…
Trước tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), bên cạnh các giải pháp chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, để giúp SMEs vượt qua “làn sóng phá sản” đang hiện hữu vẫn cần những tác động mạnh từ chính sách.
Những con số chưa từng có…
Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019.
Các trung tâm kinh tế lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng trong năm 2020 đều có trên 1.000 doanh nghiệp giải thể, nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh với 5.920 doanh nghiệp (tăng 15% so với năm 2019).
Không chỉ có vậy, 63/63 tỉnh, thành phố có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong năm 2020 đều tăng so với năm 2019, cụ thể như: TP. Hồ Chí Minh tăng 76,9%, TP. Hà Nội tăng 60,6%, TP. Đà Nẵng tăng 70,1%, TP. Hải Phòng tăng 64,8% và đặc biệt tỉnh Khánh Hòa tăng 137,1%...
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa - Tô Hoài Nam đề xuất, cần kéo dài thời gian thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP thêm 6 tháng để phát huy hết ý nghĩa hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp. Ðồng thời cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa được lựa chọn hình thức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 đến 3% doanh thu của năm đối với doanh nghiệp có doanh thu 3 tỷ đồng/năm và được miễn, giảm, bãi bỏ một số thủ tục mở sổ sách, kế toán. Ðó mới là giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá và lâu dài.
Đáng nói, chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm 2021 cả nước có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020) – một con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây.
Tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn còn lan rộng và trầm trọng hơn với việc giãn cách xã hội kéo dài ở một số địa phương hiện nay, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh khiến doanh thu bị giảm mạnh trong khi nhiều chi phí vẫn phải gánh chịu dẫn đến không ít doanh nghiệp ngày càng sát với ngưỡng bị mất khả năng thanh toán.
Giải pháp cho… SMEs
Theo các chuyên gia, trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, đặc biệt là lần bùng phát dịch thứ tư, khiến cho nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, thế nhưng, về mức độ ảnh hưởng, thiệt hại không phải doanh nghiệp nào cũng giống doanh nghiệp nào, nên chính sách hỗ trợ cũng cần có sự phân loại cho phù hợp, thay vì áp dụng chung cho tất cả.
Thông tin với báo chí, TS. Võ Đình Trí - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để áp dụng chính sách hỗ trợ phù hợp, có thể chia doanh nghiệp thành ba nhóm: bị kiệt quệ tài chính nhưng còn khả năng phục hồi; bị mất khả năng thanh toán nhưng còn khả năng phục hồi; và bị mất khả năng thanh toán đồng thời không có khả năng phục hồi.
“Với những doanh nghiệp bị kiệt quệ tài chính thì cần hỗ trợ thanh khoản nhanh và kịp thời; với những doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán nhưng còn khả năng phục hồi thì cần có chương trình tái cấu trúc, tiếp theo sau việc hỗ trợ thanh khoản trước đó; còn đối với trường hợp không có khả năng phục hồi thì cần thực hiện phá sản và thanh lý”, TS. Võ Đình Trí chia sẻ.
Theo TS. Võ Đình Trí, với Việt Nam, mặc dù không có quy định cụ thể về bảo hộ phá sản nhưng Luật Phá sản cũng có một phần quy định về “phục hồi hoạt động kinh doanh” ở chương VII. Tuy nhiên, thực tế hầu như không doanh nghiệp nào áp dụng được vì khó có sự đồng thuận ở hội nghị chủ nợ, và các quy định chưa có hiệu lực bảo vệ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể thực hiện tái cấu trúc và phục hồi.
“Xác suất rất cao là trong tình hình giãn cách xã hội kéo dài, và có thể kéo dài thêm thì sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, hay mất khả năng thanh toán. Nếu các khoản hỗ trợ thanh khoản không được hiệu quả như đã từng trong năm 2020 thì chỉ còn trông chờ vào việc tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn không thì chỉ còn cách tạm dừng hoạt động hay giải thể”, TS. Võ Đình Trí cho hay.
Còn theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên chính sách hỗ trợ cần mạnh hơn nữa. Ông đề xuất nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất cho khu vực này từ ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng; lãi suất cho vay khoảng 3%-4%/năm; thời hạn hỗ trợ lãi suất là 1 năm; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất giảm lãi suất và mở rộng đối tượng gói hỗ trợ tín dụng
16:38, 08/08/2021
Gói từ 50.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
05:30, 23/07/2021
Giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa trụ vững trong đại dịch COVID-19
05:00, 13/07/2021
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ
15:48, 20/05/2021
BIDV thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
17:20, 13/04/2021