Ngoài yếu tố mùa cao điểm ngành du lịch cuối năm, loạt chính sách hỗ trợ thị thực, xuất nhập cảnh liên tiếp được Chính phủ thông qua đã hỗ trợ rất lớn đến xu hướng phục hồi của ngành du lịch.
>>>Định hình tương lai bền vững của ngành du lịch và khách sạn
Theo tổng cục thống kê, trong tháng 9, Việt Nam đón 1.054 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp ngành du lịch đón tiếp trên 1 triệu lượt khách/tháng. Lũy kế 9tháng đầu năm, cả nước đón 8,9 triệu lượt khách, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2023.
Về quốc gia, phần lớn khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm là từ các nước châu Á, chiếm 77%. Trong đó, Hàn Quốc hiện là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 2,58 triệu lượt, chiếm 29% tổng lượng khách. Tiếp sau là Trung Quốc, Mỹ lần lượt đạt 1,12 triệu, 548,8 nghìn lượt.
Nổi bật, Hà Nội thu hút 18,9 triệu lượt khách du lịch trong 9 tháng đầu năm, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 3,2 triệu lượt, gấp 4 lần so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa 15,7 triệu lượt, 20,2% so với cùng kỳ. Thời điểm cuối năm, dự kiến Hà Nội tiếp tục ghi nhận lượt du khách lớn với chuỗi sự kiện, lễ hội gắn với sản phẩm du lịch truyền thống, văn hóa, ẩm thực, thể thao,…
Trước những tín hiệu lạc quan của ngành Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định nâng mục tiêu cho toàn ngành du lịch cả nước lên 12,5 - 13 triệu lượt khách. Ngoài yếu tố mùa cao điểm ngành du lịch cuối năm, loạt chính sách hỗ trợ thị thực, xuất nhập cảnh liên tiếp được Chính phủ thông qua đã hỗ trợ rất lớn đến xu hướng phục hồi của ngành du lịch.
Theo đó, Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/08 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước (phần lớn một số quốc gia châu Âu). Quốc hội đã bổ sung Luật xuất cảnh, nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho biết, trong quý II/2023, sản lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 76% mức trước dịch với sự đóng góp tăng trưởng nhiều nhất đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc (đạt mức 80 - 100% so với năm 2019), trong khi vẫn thiếu lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc (chỉ đạt 35% mức trước dịch vì Trung Quốc mới cho phép du lịch theo nhóm đến Việt Nam từ tháng 3/2023).
VNDirect kỳ vọng, lượng khách từ Trung Quốc có thể phục hồi đạt mức 50% trước dịch vào cuối năm 2023, nhờ vào triển vọng phục hồi từ các quốc gia khác dựa trên các yếu tố sau:
Thứ nhất, chính sách thị thực du lịch hấp dẫn hơn đã có hiệu lực từ ngày 15/8, hỗ trợ lượng khách quốc tế phục hồi. Việt Nam cho phép cấp thị thực điện tử cho khách du lịch nhập cảnh nhiều lần so với trước đây chỉ một lần nhập cảnh và có thời hạn thị thực là 90 ngày so với 30 ngày trước đây.
Ngoài ra, công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực sẽ được cấp tạm trú 45 ngày thay vì 15 ngày và cũng có thể được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định. Chính sách thị thực mới được coi là cú hích mạnh mẽ cho ngành du lịch Việt Nam, hứa hẹn sẽ thu hút lượng khách quốc tế tăng vọt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cho ACV.
Thứ hai, các hãng hàng không tiếp tục mở rộng các đường bay quốc tế. HVN tiếp tục tăng tần suất bay trên các đường bay đến châu Âu, Australia, Trung Quốc, qua đó, khôi phục gần 90% tần suất các đường bay quốc tế so với trước dịch. Cụ thể, từ ngày 23/9, hãng tăng tần suất chuyến bay giữa Hà Nội - Bắc Kinh (Trung Quốc) từ 3 lên 4 lần/tuần. Từ ngày 29/10 sẽ tăng tần suất đồng loạt trên nhiều đường bay đến Australia và châu Âu. Trong khi VJC cũng triển khai 11 đường bay mới tới Australia, Ấn Độ, Indonesia trong quý II/2023.
“Chúng tôi cũng lưu ý rằng, Việt Nam là điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều thứ 7 trên thế giới trong nửa đầu năm và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 20, theo Google Destination Insights”, VNDirect cho biết.
Đối với thị trường nội địa, VNDirect cho rằng, trong quý II/2023, khách nội địa giảm 10,5% so với cùng kỳ do mức nền cao của quý II/2022, đây là giai đoạn Việt Nam mới dỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 nên hoạt động du lịch bùng nổ sau một thời gian bị dồn nén. Mặc dù lượng khách nội địa trong quý II/2023 giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn đạt mức 110% so với trước dịch.
Do mức nền cao của năm 2022, VNDirect kỳ vọng số khách nội địa năm 2023 – 2024 tăng trưởng nhẹ với tỷ lệ hàng năm ở mức 7%, lần lượt đạt 93 triệu/99,6 triệu khách. Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn một chút so với giai đoạn 2017-2019 là 9,4% - đây có thể coi là mức tăng trưởng tự nhiên của vận tải hàng không nội địa, đến từ tăng trưởng thu nhập và điều kiện nhân khẩu học của Việt Nam.
Công ty Chứng khoán này cũng lưu ý nhiều sân bay lớn trong nước đang quá tải do nhiều dự án hạ tầng hàng không trọng điểm chưa được phát triển. Các sân bay của Việt Nam có thể hoạt động ở mức 117%/124% công suất thiết kế giai đoạn 2023 - 2024 trước khi giảm xuống trong 2025 khi nhiều dự án cơ sở hạ tầng hàng không trọng điểm đi vào vận hành như dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hay dự án mở rộng nhà ga T2 Nội Bài.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch
01:03, 06/10/2023
Định hình tương lai bền vững của ngành du lịch và khách sạn
14:11, 05/10/2023
Gia Lai: Phát huy lợi thế để vực dậy ngành du lịch
00:10, 05/10/2023
Ngành du lịch Việt Nam chuyển mình sau COVID-19
15:09, 20/09/2023
Nhiều triển vọng cho ngành du lịch TP.HCM
00:57, 06/09/2023
Quảng Nam cơ cấu ngành du lịch theo hướng bền vững
01:00, 05/09/2023