Các quốc gia phát triển gặp khó khăn trong việc thu thuế của các công ty, tập đoàn đa quốc gia vốn có doanh thu hàng tỷ USD, chỉ nộp mức thuế không tương xứng nhờ biện pháp trốn, né, gian lận thuế.
>>Cần ban hành Nghị quyết chống trốn thuế, chống chuyển giá
Cùng với sự mở rộng thương mại, đầu tư toàn cầu và sự phát triển của công nghệ thông tin, các hoạt động đầu tư kinh doanh ngày càng trở nên phức tạp, khó quản lý; và trong một số trường hợp đã vượt ra khỏi phạm vi các quy định quản lý hiện hành. Các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thuế của các công ty, tập đoàn đa quốc gia - vốn có doanh thu hàng tỷ USD trên toàn cầu nhưng thường chỉ nộp một mức thuế không tương xứng nhờ các biện pháp trốn, né, gian lận thuế tinh vi. Điều này là động lực chính khiến các quốc gia tìm kiếm sự đồng thuận trên phạm vi toàn cầu về cách thức áp thuế, chống gian lận thuế đối với các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, một số nước, đặc biệt là các nước mới nổi và đang phát triển tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, chủ yếu dựa trên các ưu đãi về thuế. Kết quả là, mức thuế suất doanh nghiệp danh nghĩa tại các nước trên thế giới liên tục giảm từ mức trung bình 40,11% năm 1980 xuống còn trung bình 23,54% hiện nay (theo khảo sát của Tax foundation năm 2021, của Việt Nam hiện nay đối với các doanh nghiệp là 20%).
Cùng với việc hệ thống thuế không đồng bộ, đầy đủ, chính sách ưu đãi thuế tại các quốc gia đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, với nhiều ưu thế về vốn và kinh nghiệm, tận dụng các kẽ hở quản lý để tránh các nghĩa vụ thuế thông qua những hành vi gây xói mòn cơ sở tính thuế hoặc chuyển dịch lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp nhằm lẩn tránh việc đóng thuế (theo OECD, các tập đoàn đa quốc gia lẩn tránh khoảng 100-240 tỷ USD tiền thuế hàng năm của các quốc gia đang phát triển).
Trong bối cảnh đó, vào tháng 6/2013, OECD đã khởi xướng và được nguyên thủ các quốc gia G20 thông qua Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (Base erosion and profit shifting - BEPS) với hai nội dung chính: (i) phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận; (ii) đảm bảo rằng tất cả các doanh nghiệp hoạt động quốc tế phải trả mức thuế tối thiểu. Đến năm 2016, với sự đề xuất của OECD/nhóm G20 (gồm 20 nền kinh tế lớn), Hiệp định về khung Chính sách Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận đã được ký kết, với sự tham gia của 89 quốc gia.
Vào tháng 11/2016, Công ước đa phương về thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI), được xây dựng dựa trên BEPS (Chương trình hành động số 6 về ứng phó gian lận thuế), đã được chính thức ký kết giữa hơn 100 quốc gia, bao trùm hơn 1.800 hiệp định thuế song phương. Công ước thuế đa phương ra đời nhằm mục đích sửa đổi các hiệp định song phương hiện hành một cách đồng bộ và hiệu quả để thực hiện các biện pháp liên quan đến hiệp định được phát triển trong quá trình thực hiện Dự án BEPS mà không phải đàm phán lại từng hiệp định riêng rẽ.
Ngày 9/2/2022, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 99 tham gia MLI. Đến nay, đã có 141 quốc gia đã trở thành thành viên chính thức của MLI.
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là nội dung thứ 2 trong 2 trụ cột chính của BEPS:
Thứ nhất, cho phép các quốc gia đánh thuế lợi nhuận từ hàng hóa và dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hơn 20 tỷ EUR/năm (khoảng 20,7 tỷ USD/năm) và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế/Tổng doanh thu từ 10% trở lên (mức giới hạn doanh thu có thể giảm xuống còn 10 tỷ EUR/năm sau 7 năm kể từ khi BEPS có hiệu lực chính thức). Đổi lại, các quốc gia áp thuế dịch vụ kỹ thuật số (chẳng hạn như Pháp và Anh đối với một số tập đoàn như Facebook, Apple, Google…) phải loại bỏ chúng cũng như bất kỳ biện pháp tương tự nào. Theo ước tính, có khoảng 100 tập đoàn, công ty lớn trên thế giới chịu sự điều chỉnh của trụ cột này.
Thứ hai, quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất; với ước tính thu được khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu hằng năm. Thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia mới nổi và đang phát triển chịu sức ép lớn trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các ưu đãi về thuế do đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất của các quốc gia này để thu hút FDI của các công ty, tập đoàn đa quốc gia.
Với quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, một tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ bị đánh thuế 15% đối với các khoản lợi nhuận tạo ra tại các quốc gia (có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, từ chối khấu trừ thuế, hoặc thuế khấu trừ tại nguồn) với mức thuế suất hiệu dụng (Effective Tax Rate - ETR) tối thiểu.
Trong kỳ tính thuế, nếu ETR của một công ty con thấp hơn thuế suất tối thiểu được thỏa thuận trên toàn cầu, thì công ty mẹ phải trả “thuế bổ sung” trên phần thu nhập tương ứng trong thu nhập của công ty con bị đánh thuế thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, cho quốc gia nơi đặt trụ sở (thường được gọi là quốc gia mẹ hoặc quốc gia cư trú). Trong một số trường hợp nhất định, khoản thuế bổ sung sẽ chuyển sang một hoặc nhiều thành viên khác của tập đoàn, công ty đa quốc gia. Do đó, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tạo ra một hệ thống thuế có sự phối hợp của nhiều quốc gia nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi nước/khu vực mà công ty, tập đoàn đó có hoạt động.
Đối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia có doanh thu hàng năm thấp hơn mức 750 triệu EUR, các nước vẫn có thể lựa chọn áp dụng thuế tối thiểu nếu trụ sở chính của công ty, tập đoàn đặt tại quốc gia đó. Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không áp dụng cho các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, các tổ chức phi lợi nhuận, hoặc thu nhập từ vận chuyển quốc tế...v.v. Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2023.
>>“Thuế tỷ phú” không dễ thu
Thực trạng triển khai
Mặc dù MLI đã được 141 quốc gia ký kết, song để hiệp định này có hiệu lực thì cần có sự phê duyệt và triển khai tại mỗi quốc gia. Hiện tại, theo Báo cáo tiến độ mới nhất về triển khai BEPS của OECD công bố tháng 9/2021, đối với Chương trình hành động số 6 về đối phó gian lận thuế có liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu, mới có 650 hiệp định thuế được ký kết và còn hơn 1.100 hiệp định thuế nữa cần được các quốc gia phê duyệt.
OECD cũng chưa có báo cáo chính thức về tiến độ triển khai tại từng quốc gia; song qua truyền thông quốc tế việc phê duyệt tại bản thân các nước Châu Âu cũng đang gặp một số khó khăn do bất đồng quan điểm (vào tháng 4/2022, Ba Lan đã phủ quyết thỏa thuận do Pháp đề xuất về cách thức áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu tại EU). Trong trường hợp một quốc gia chưa thể phê duyệt và triển khai đúng thời hạn thì quốc gia đó có thể bảo lưu một số nội dung tạm hoãn, song phải thông báo các nội dung chưa áp dụng cũng như lộ trình dự kiến trong thời gian tới.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù đã ký kết, tham gia thỏa thuận chung, song do có sự khác biệt về lợi ích, mục tiêu của từng quốc gia nên thực tế triển khai còn gặp khó khăn và cần thêm thời gian để thống nhất, đồng thuận; cũng như được phê duyệt tại từng nước.
Thứ nhất, việc áp dụng thuế toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến các tập đoàn, công ty đa quốc gia phân bổ lại hoạt động, đầu tư giữa các quốc gia, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển (do không còn hấp dẫn do ưu đãi về thuế).
Thứ hai, các quốc gia phát triển có thể là bên hưởng lợi nhiều hơn từ thuế tối thiểu toàn cầu. Việc xác lập được cơ chế thu và kiểm soát thuế toàn cầu như MLI được các chuyên gia nhận định là sự thắng lợi của các quốc gia phát triển khi xác lập được cơ chế thuế toàn cầu của mình, chấm dứt sự cạnh tranh về ưu đãi thuế của các quốc gia đang phát triển cũng như gia tăng nguồn thu từ thuế của các tập đoàn, công ty đa quốc gia. Theo đánh giá, trong 150 tỷ USD tăng thu từ thuế phân bổ lại cho các quốc gia mỗi năm mà OECD dự tính, phần lớn sẽ thuộc về các quốc gia phát triển, các quốc gia đang phát triển chỉ được hưởng phần nhỏ hơn rất nhiều.
Thứ ba, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu (FDI) có những xáo trộn trong ngắn hạn. Theo OECD, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm chi phí đầu tư toàn cầu tăng lên và do đó có thể làm giảm 0,1 điểm % GDP toàn cầu trong ngắn hạn. Dự kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài một phần có thể quay lại các quốc gia phát triển khi động cơ lẩn tránh thuế giảm xuống và các tập đoàn sẽ quan tâm hơn tới môi trường kinh doanh, triển vọng kinh tế khi lựa chọn quyết định đầu tư trong khi sẽ hạn chế vốn tới các quốc gia đang phát triển khi các ưu đãi thuế không còn quá hấp dẫn. Tuy vậy, tổng vốn đầu tư toàn cầu có thể không giảm xuống do nhìn chung các tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ tái phân bổ hoạt động đầu tư của mình dựa trên ETR tại mỗi quốc gia (tăng hoạt động ở nơi ETR thấp và giảm ở quốc gia có ETR cao).
Với việc Việt Nam đã tham gia ký kết MLI (2/2022), do đó, Việt Nam cần rà soát, điều chỉnh và ban hành các quy định về thuế của mình phù hợp với những nội dung đã cam kết tại MLI, để Hiệp định có hiệu lực dự kiến từ năm 2023. Khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có một số tác động nhất định (cả tích cực và tiêu cực) tới Việt Nam, cụ thể:
Thứ nhất, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng. Việc tích cực tham gia, thực hiện các công cụ, khuôn khổ pháp lý của OECD sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư quốc tế. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam nói riêng và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực...v.v.
Thứ hai, thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Báo cáo tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của hơn 25.100 doanh nghiệp FDI đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam của Bộ Tài chính ghi nhận hơn 14.100 doanh nghiệp FDI khai báo lỗ, chiếm 56% tổng số doanh nghiệp. Tổng số lỗ của các doanh nghiệp lên tới 151.000 tỉ đồng.
Theo đó, qua rà soát sơ bộ, có khá nhiều doanh nghiệp FDI có doanh thu trên 800 triệu USD, nhưng số doanh nghiệp có lãi không nhiều. Vậy khi đó, khả năng thu thuế tối thiểu 15% này là hạn chế.
Bên cạnh đó, thuế tối thiểu toàn cầu cũng khiến các doanh nghiệp phân bổ hoạt động của mình giữa các quốc gia trong đó nhằm đạt tối ưu về thuế (gia tăng phân bổ hoạt động tại các quốc gia nhằm hạn chế doanh thu thấp hơn 750 triệu EUR để không là đối tượng chịu thuế). OECD ước tính, hơn 150 tỷ USD lợi nhuận dự kiến sẽ được phân bổ lại cho các quốc gia mỗi năm và Việt nam có thể hưởng lợi 1 phần từ sự phân bổ này. Tuy vậy, quy mô lợi nhuận phân bổ có thể thấp hơn ước tính hoặc không đáng kể vì để thực hiện được cần có một hệ thống quản lý thuế hiệu quả và các nỗ lực phối hợp giữa các quốc gia.
Thứ ba, sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi. Châu Á hiện nay là khu vực có mức thuế suất thấp nhất so với các khu vực trên thế giới và dự kiến có thể chịu tác động nhiều nhất khi các doanh nghiệp đa quốc gia phân bổ lại hoạt động, đầu tư của mình nhằm tối ưu về thuế.
Hiện nay, theo các chuyên gia, mặc dù thuế TNDN hiện ở mức 20%, song Việt Nam đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế dựa trên địa bàn, lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và quy mô dự án với: (i) mức thuế suất ưu đãi (thay đổi giữa các lĩnh vực, hạng mục) và (ii) thời gian ưu đãi (thời gian miễn thuế và thời gian được giảm thuế suất) khiến thuế suất thực tế có thể thấp đến 5%. Các ưu đãi bao gồm: ưu đãi thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); cho phép chuyển lỗ (trong vòng 5 năm); miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh. Ở các khu kinh tế đặc biệt, cơ chế ưu đãi có thể còn nhiều hơn, dài hạn hơn.
Các ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất... đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất sản xuất, xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của các nhà đầu tư, đồng thời thu hút mạnh mẽ vốn FDI vào Việt Nam. Do đó, khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi khung thuế ưu đãi thay đổi. Các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ phải chịu một số hình thức “thuế bổ sung” tại quốc gia nơi đặt trụ sở chính nếu được hưởng mức thuế suất tại Việt Nam thấp hơn 15%.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thỏa thuận này đến Việt Nam còn phụ thuộc vào phạm vi và đối tượng mà Thỏa thuận thuế toàn cầu điều chỉnh. Đối với những đối tượng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh, nội luật vẫn sẽ được áp dụng.
Thứ tư, các nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu được thống nhất về mặt nguyên tắc song một số nội dung vẫn được bảo lưu và chưa được quy định, hướng dẫn chi tiết có thể khiến hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng. Theo Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI) mà Việt Nam đã ký kết, Việt nam có quyền không áp dụng toàn bộ một số nội dung (xem thêm Phụ lục 1) về Áp dụng phương pháp xóa bỏ thuế hai lần, áp dụng các thỏa thuận thuế để hạn chế quyền đánh thuế của tổ chức/cá nhân cư trú bên mình.... Các nội dung trên cần có những văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể, để thống nhất trong thực hiện, đồng thời tránh những xáo trộn trong hoạt động của các doanh nghiệp FDI hiện nay.
Một là, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cần nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án phù hợp: (i) Việt Nam có nên áp mức thuế này hay không? (ii) Có lộ trình, mức thuế nào khác không? (iii) Tổ chức thực hiện thế nào đảm bảo khả thi, hiệu quả và không xảy ra tranh chấp.
Hai là, cơ quan thuế cũng cần rà soát các chính sách phát luật về thuế để trình sửa đổi các quy định, quy trình kê khai thuế phù hợp với tiêu chuẩn hành động của BEPS để ban hành sớm nhất, trước khi BEPS có hiệu lực; đồng thời có kế hoạch truyền thông về các chính sách này; tập huấn cho cán bộ và các DN nắm bắt, thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý. Bên cạnh đó, cần xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện theo thỏa thuận quốc tế với những nội dung nếu Việt Nam cam kết như quy định về tránh hình thành cơ sở thường trú, định nghĩa về đối tượng có quan hệ liên kết, quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến thỏa thuận; cần nghiên cứu bổ sung cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp; nâng cao năng lực chống chuyển giá, trốn thuế, tránh thuế....v.v.
Ba là, Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh; thay vì hướng tới ưu đãi về thuế. Theo đó, Việt Nam cần phát huy các thế mạnh môi trường chính trị ổn định, vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển hoàn thiện, nguồn nhân lực với chi phí ở mức trung bình thấp. Cụ thể:
Chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả, trong đó chú trọng liều lượng và thời điểm cung tiền trong nền kinh tế nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả các mặt hàng Nhà nước quản lý, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết cho từng mặt hàng và đánh giá tác động chung đến chỉ số giá trong từng thời điểm để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu 4%.
Đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế về đầu tư - kinh doanh, theo hướng không ban hành thêm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, làm tăng hoặc phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh tạo rào cản gia nhập thị trường; Đẩy nhanh tiến độ rà soát, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết và không còn phù hợp, hướng tới việc cắt giảm thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các bộ, ngành chậm trễ hoặc chống chế trong công tác xây dựng phương án và thực hiện cắt giảm; Định kỳ rà soát, điều chỉnh kịp thời các điều kiện đầu tư - kinh doanh, coi đó là hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương các cấp; Cải thiện mạnh mẽ khâu phối kết hợp và thực thi của các bộ, ban ngành và địa phương; Tiến tới chấm điểm bộ, ngành về mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tiêu chí này (gồm cả khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp).
Thúc đẩy tăng NSLĐ, đóng góp của TFP, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành và nền kinh tế: Tiếp tục xác định và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong 4 đột phá chiến lược của quốc gia; Đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp và nông nghiệp, góp phần tăng năng suất nội ngành và phân bổ lại nguồn lực từ khu vực NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao hơn, từ đó tăng NSLĐ tổng thể nền kinh tế; Đổi mới mạnh mẽ giáo dục-đào tạo, gồm cả đào tạo nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề phù hợp với yêu cầu tăng NSLĐ trong bối cảnh CMCN 4.0.
Chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế bền vững: Tận dụng các cơ hội hội nhập để học hỏi và áp dụng công nghệ mới, chuyển giao công nghệ và thu hút FDI, ODA một cách chủ động, sàng lọc vì mục tiêu chung thay vì cục bộ, địa phương, ưu tiên giải pháp gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; Tăng cường liên kết, học tập kinh nghiệm của các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia trong chuẩn bị nhân sự và phương tiện để hấp thụ công nghệ, đặc biệt là các ngành nông nghiệp xanh, du lịch, CNTT, công nghiệp chế biến - chế tạo và phụ trợ; Đa dạng hóa thị trường, đối tác, có tính chiến lược, chọn lọc rõ ràng nhằm tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro tập trung; Chú trọng khai thác, sử dụng hiệu quả hơn vốn tri thức, đổi mới, sáng tạo, nhất là từ đội ngũ tri thức kiều bào (gồm cả việc tăng hiệu quả kết nối lực lượng trong và ngoài nước); Cần thực thi hiệu quả những định hướng, mục tiêu, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 50 ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; và Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Có thể bạn quan tâm
Loay hoay đánh thuế những “gã khổng lồ” công nghệ
03:00, 11/06/2022
“Siết” đầu cơ bất động sản bằng chính sách thuế
20:30, 09/06/2022
Có hay không việc thất thu thuế với xe biếu tặng?
10:18, 08/06/2022
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Không phát hiện thất thu thuế với xe biếu tặng
10:00, 08/06/2022
“Xổ số” hóa đơn điện tử - Ý tưởng thú vị của Tổng cục Thuế
04:00, 06/06/2022
Hải quan giúp doanh nghiệp chế xuất hưởng chính sách khu phi thuế quan
22:27, 02/06/2022
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Cân nhắc giảm thuế để hạ giá xăng dầu
13:01, 02/06/2022
Cần ban hành Nghị quyết chống trốn thuế, chống chuyển giá
11:00, 02/06/2022