Chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt còn khiến doanh nghiệp quan ngại

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN 11/07/2024 15:15

Trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, các đề xuất liên quan đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã và đang khiến cộng đồng doanh nghiệp không khỏi quan ngại…

>> Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô pick-up, lợi bất cập hại

Nhằm lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới góp phần hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đáp ứng nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế, góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, sáng 11/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo: “Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”.

ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế, một số quy định được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Những sửa đổi này sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng.

Theo ông Tuấn, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có lẽ là một trong những Dự thảo ít chữ nhất nhưng lại ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, ngành hàng. Việc soạn thảo, hoàn thiện dự luật thuế ngày càng khó khăn và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi Bộ Tài chính dự kiến đưa thêm mặt hàng chịu thuế vào Dự thảo, hay tăng thuế suất. Ban soạn thảo hiện chịu sức ép lớn, quá trình thảo luận dài, do đó, cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để chọn phương thức tối ưu nhất.

Lần này, Chính phủ và Bộ Tài chính nỗ lực trình dự thảo tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 tới đây vào tháng 10/2024. Sau khi thảo luận qua hai kỳ họp, dự kiến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.

Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu đến từ các Ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành, các Hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia, các doanh nghiệp

Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu đến từ các Ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành, các Hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia, các doanh nghiệp

“Tác động của luật thuế sẽ không còn xa, chính vì vậy, doanh nghiệp, hiệp hội rất quan tâm khi sửa đổi luật thuế này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, hiện VCCI chưa đưa ra ý kiến góp ý chính thức mà chờ tham vấn ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội để có ý kiến xác đáng hơn và tin rằng chính doanh nghiệp sẽ cung cấp đầy đủ, chính xác nhất thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại, để đóng góp tích cực cho dự thảo thời gian tới. Từ đó, cơ quan Nhà nước sẽ cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu nhất…

Chia sẻ tại Hội thảo, không ít ý kiến tỏ ra quan ngại về các đề xuất của cơ quan soạn thảo đưa ra liên quan đến chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phát biểu tại Hội thảo

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA phát biểu tại Hội thảo

Góp ý tại Hội thảo, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đề xuất Bộ Tài chính chưa nên bổ sung đồ uống có đường, mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam vào Dự thảo lần này.

Theo bà Vân Anh, nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calo duy nhất và cao nhất. Đây cũng không phải là nguyên nhân duy nhất và chủ yếu dẫn đến thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường và hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khoẻ ở đây là không rõ ràng, trong khi điều này sẽ gây ra các đác động lớn đến sự phục hồi của ngành nước giải khát, ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế.

bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) thông tin góp ý tại Hội thảo

Bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch AmCham Hanoi thông tin góp ý tại Hội thảo

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) bày tỏ, các doanh nghiệp nhất trí với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ người dân khi ban hành chính sách thuế, song chính sách cần sửa đổi phù hợp.

“Công cụ thuế có thực sự góp phần bảo vệ sức khoẻ, ngăn chặn bệnh không lây nhiễm như thừa cân béo phì, tiểu đường hay không? Bởi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường không đồng nghĩa giảm bệnh không lây nhiễm, vì bệnh có nhiều nguyên nhân…”, bà Hà bày tỏ.

Dẫn chứng thực tế, bà Hà nêu ví dụ, Chính phủ Đan Mạch bỏ thuế đồ uống có đường, sau đó theo dõi mức độ thừa cân béo phì thì tỷ lệ này không tăng. Bởi khi áp thuế, người Đan Mạch sang thị trường khác ở châu Âu để mua nước giải khát với giá thấp hơn, dẫn đến giảm 5.000 việc làm tại Đan Mạch.

Hay như Nauy, việc áp thuế này được thực hiện từ năm 1981 nhưng công cụ thuế không đem lại hiệu quả như mong muốn. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đến năm 2019 đã gia tăng gấp đôi, lên tới 15,5% với nam giới và 12,7% với nữ giới…

Không chỉ các doanh nghiệp, tại Hội thảo, việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của cơ quan soạn thảo cũng để lại không ít băn khăn cho các chuyên gia.

ông Nguyễn Văn Phụng - Ủy viên BCH Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam thông tin tại Hội thảo

Ông Nguyễn Văn Phụng - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam thông tin tại Hội thảo

Nhìn nhận về chính sách, ông Nguyễn Văn Phụng - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội làm nguy cơ giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nguy cơ tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nước giải khát và tác động đáng kể đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Do đó, vị chuyên gia này đề xuất, cần cân nhắc những tác động lan tỏa đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành nước giải khát (bán lẻ, bao bì, mía đường, …). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chịu tác động đáng kể hơn các doanh nghiệp lớn do khả năng tài chính hạn chế. 

PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học Viện Tài chính thông tin tại Hội thảo

PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học Viện Tài chính thông tin tại Hội thảo

Còn theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học Viện Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt tác động lớn tới nền kinh tế - xã hội, thu ngân sách Nhà nước, thu nhập người lao động.

Vì vậy, góp ý hoàn thiện chính sách, PGS.TS Vũ Sỹ Cường đề xuất: mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, sản phẩm thuốc lá mới; bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế; quy định về biểu thuế, mức thuế tiêu thụ đặc biệt (bổ sung), trong đó, có việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu, bia; mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt; quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các luật chuyên ngành có liên quan.

Trước những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, tại Hội thảo, đại diện cơ quan soạn thảo cũng đưa ra những lập luận, phản biện xoay quanh đề xuất về sự cần thiết áp dụng thuế thu nhập đặc biệt như đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô pick-up, lợi bất cập hại

    Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô pick-up, lợi bất cập hại

    06:24, 11/07/2024

  • Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, cho dòng “xe lai” thân thiện môi trường

    Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, cho dòng “xe lai” thân thiện môi trường

    04:31, 09/07/2024

  • Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp nói gì?

    Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Doanh nghiệp nói gì?

    11:15, 03/07/2024

  • Áp thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào với bia rượu để đạt hiệu quả?

    Áp thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào với bia rượu để đạt hiệu quả?

    04:30, 19/06/2024

  • Tăng 10 % thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có hợp lý?

    Tăng 10 % thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có hợp lý?

    03:00, 17/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt còn khiến doanh nghiệp quan ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO