Hiện nay, việc định hướng phát triển các mô hình đô thị đang trở thành vấn đề cần thiết trong quá trình quy hoạch đô thị và phát triển thị trường bất động sản.
Tại Hội thảo Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở do Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) tổ chức hôm nay tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia nhấn mạnh định hướng đó không chỉ bao gồm quy mô đầu tư các đô thị, mà còn là chiến lược trong quy hoạch phát triển đô thị của các chính quyền địa phương.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã được xác định vai trò của Thành phố đa cực, đa trung, hướng đến xây dựng các đô thị vệ tinh xoay quanh các đô thị trung tâm, trong đó nổi lên là các tung tâm đô thị theo quy hoạch của Thành phố Thủ Đức như: Trung tâm tài chính khu đô thị Thủ Thiêm; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; Trung tâm đại học và khoa học – công nghệ trình độ cao…
Trong khi đó, xét về mặt quy hoạch đô thị thành công và thu hút được dân cư đến sinh sống, làm ăn, an cư, TP Hồ Chí Minh cũng đã có những điển hình sáng giá như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hay ở quy mô nhỏ hơn là Vạn Phúc…
Đánh giá việc lập Thành phố Thủ Đức là một hướng tiếp cận đúng đắn, các chuyên gia cho rằng TP HCM còn nhiều vấn đề cần quan tâm để thực thi chiến lược quy hoạch phát triển đô thị, chọn mô hình đô thị đi cùng quy hoạch nhà ở phù hợp với triển vọng phát triển ở tương lai.
Theo đó, đòn bẩy then chốt được xác định là giao thông hạ tầng. Tất cả các khu đô thị có sức sống cần có sự hợp tác đầy đủ giữa các cơ quan, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư tham gia sẽ hướng tới tương lai phát triển bền vững và đương nhiên không thể thiếu kết nối thực thể của hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, câu chuyện quỹ đất, đứng ở góc độ nhà đầu tư, để có sự phát triển hài hòa trong quy hoạch đô thị, theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, là yếu tố cần tính. “"Làm quy hoạch có tốt hay bất cứ hoạt động nào có mạnh đi chăng nữa thì làm dự án phải có quỹ đất sạch. Chứ nếu cứ để nhà đầu tư thoả thuận với dân mua đất thì rất khó. Đó là vấn đề cốt lõi mà nhà nước phải tính trước", ông Quang nói. Theo đó, chủ đầu tư này cho rằng không dễ gì đem một mô hình nào đó trên thế giới gắn cho TP HCM, bởi nền kinh tế Việt Nam khác, chính trị - xã hội khác, phong tục tập quán cũng khác. Quan trọng hơn, chúng ta phải quy hoạch và từng bước nghiên cứu để phù hợp.
Cùng “xâu chuỗi” cả 2 yếu tố then chốt trên, Tiến sỹ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng để xây dựng các khu đô thị, TPHCM không chỉ giải quyết bài toán về quỹ đất mà còn là câu chuyện quy hoạch, giao thông đi kèm. Mặc dù nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn, nhưng họ có quyền lựa chọn phương án tốt nhất để quyết định mua hay không mua nhà, chung cư tại các khu đô thị. Vì vậy, sự tiện ích và chất lượng – đây là 2 yếu tố mà các chủ đầu tư khi xây dựng khu đô thị phải chú trọng, ông Khương chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất - Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho niện nay có sự xung đột giữa Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quản lý tài sản công, khiến cho luật ra sau phủ định luật ra trước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất xây dựng trung tâm phát triển quỹ đất, ưu tiên hàng đầu tạo quỹ đất sạch. Hiện, Bộ cũng đã phân cấp phân quyền, địa phương thực hiện. Việc chỉnh trang đô thị cần thực hiện theo phương pháp dồn điền đổi thửa. Đây là giải pháp mấu chốt biến những khu đô thị của Việt Nam hướng đến thành những khu đô thị kiểu mẫu như Singapore, và tiến đến phát triển các khu đô thị thông minh sáng tạo,
Những vướng mắc luật chồng luật, phủ định nhau và đang cản trở doanh nghiệp phát triển, cũng đã được nhiều doanh nghiệp phản ánh tại hội thảo trước đó nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản do DĐDN tổ chức. Tuy nhiên, ghi nhận vẫn còn nhiều trường hợp “trở đi mắc núi trở lại mắc sông” và các doanh nghiệp vẫn cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị trong năm 2021.
Theo đại diện các sở ngành TP HCM cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung phát triển các sản phẩm bình dân, phù hợp với thị trường để giải quyết lệch pha cung cầu trong phát triển nhà ở.
Định hướng phát triển nhà ở đến năm 2030 của TP Hồ Chí Minh là phát triển đa dạng các loại nhà ở về giá cả, vị trí, diện tích…, đáp ứng dân số tăng nhanh; phát triển nhà ở dựa trên cơ sở chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện hữu; thay thế chung cư cũ; di dời nhà ở trên và ven kênh rạch; đồng thời phát triển nhà ở đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Đối với khu vực TP Thủ Đức, thành phố sẽ từng bước chuyển đổi mô hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại; khuyến khích phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê. Đồng thời sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý, cơ chế chính sách, tăng thu hút đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Lo ngại địa ốc TP HCM tiếp tục “đứng hình”
11:00, 29/12/2019
TP HCM: Thu ngân sách vượt kế hoạch Trung ương giao!
04:20, 02/01/2021
TP HCM kiến nghị hướng xử lý đất của doanh nghiệp cổ phần hoá
11:39, 28/12/2020
TP HCM: Cần làm rõ tính pháp lý trong mô hình quản lý các tuyến phố đi bộ
15:03, 25/12/2020