Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cần đánh giá lại hiệu quả thực hiện các chính sách an sinh gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Bởi, nhân dân hiện chưa nhận thức đúng về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, năng suất lao động. Việc rà soát của các Bộ, ngành, địa phương cũng còn nhiều chồng chéo, nhiều chỉ tiêu chưa được lượng hóa.
Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo năm 2017.
Chính sách chồng chéo và hạn chế thực thi
Theo đó, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần đánh giá lại một cách tổng quát hiệu quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc huy động và sử dụng các nguồn lực.
Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP, nhiều chỉ tiêu đã về đích trước thời hạn. Nói như Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan, về cơ bản ngân sách Trung ương đã cân đối, bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách xã hội. Nhiều địa phương đã bố trí ngân sách cho hoạt động này. Vốn tín dụng ưu đãi đã trở thành nguồn lực quan trọng hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế, thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Cả nước có trên 8,8 triệu người có công, trong đó khoảng 1,643 triệu người hưởng trợ cấp hằng tháng. Gần 117.000 hộ người có công được hỗ trợ nhà ở, vượt 43.700 hộ so với kế hoạch ban đầu.
Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp thành thị đều thấp hơn mục tiêu Nghị quyết 70. Quỹ quốc gia giải quyết việc làm thực hiện cho vay bình quân từ 2.000-2.500 tỷ đồng/năm, tỷ lệ sử dụng vốn trên 98%, hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 400.000 lao động.
Bên cạnh đó, số đối tượng tham gia BHXH đã tăng khoảng 3,2 triệu lượt người, đạt 13,8 triệu người, chiếm 25,76% lực lượng lao động.
Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh và tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn của Bộ Y tế tương ứng đạt 88,2% và 49,8%. Phổ cập giáo dục đã hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non đến trung học cơ sở.
Để đạt được kết quả này, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc xã hội hóa nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội đã được các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp tích cực tham gia. Tuy nhiên, nỗ lực của bản thân người thụ hưởng chính sách còn những hạn chế nhất định. Một số vấn đề về chính sách xã hội chưa được quan tâm tuyên truyền đúng mức nên một bộ phận Nhân dân còn chưa thống nhất nhận thức về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, năng suất lao động.
Bên cạnh đó, việc rà soát chính sách xã hội đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực nhưng vẫn còn nhiều chính sách chồng chéo, nhiều chỉ tiêu chưa được lượng hóa, gây khó khăn cho việc thực hiện, đánh giá kết quả.
Trước đó, tại cuộc họp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết và triển khai nhiệm vụ trong năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Ban chỉ đạo cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương còn chậm. Nguồn lực thực hiện còn hạn hẹp, nguồn vốn một số chương trình không được bố trí đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch.
Đặc biệt, chế tài xử phạt các hành vi sai phạm còn nhẹ và chưa có tính răn đe. Cơ chế giám sát, đánh giá còn lỏng lẻo, yếu kém...
“Cú hích” cho cải cách
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ chì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tập trung rà soát, thống kê các chính sách chồng chéo, trùng lắp để đề xuất lồng ghép chính sách theo lĩnh vực bảo đảm dễ theo dõi, dễ thực hiện và không dàn trải về kinh phí.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII theo phân công của Chính phủ, trong đó lưu ý cách xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo thông lệ quốc tế, bao gồm cả đối tượng hưởng chính sách trợ cấp xã hội và đối tượng tham gia bảo hiểm thương mại.
Đồng thời, nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội từ 10 năm trở lên của doanh nghiệp giải thể, phá sản, đẩy mạnh đổi mới về giáo dục nghề nghiệp, nhất là dạy nghề nông thôn bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất về thẻ an sinh xã hội bảo đảm an toàn, an ninh, tiết kiệm, coi đây là sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, trình Thủ tướng ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ khi được thông qua, nhất là đôn đốc, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy định về khám sức khỏe định kỳ đối với các đối tượng luật định (trẻ em, học sinh, người cao tuổi, người lao động có hợp đồng lao động)...
Đặc biệt, Phó Thủ tướng từng khẳng định: "Năm 2018 cần phải làm một bước, tạo "cú hích" về hạ tầng ở các khu công nghiệp, không chỉ cải thiện đời sống vật chất, tinh thần mà còn tạo điều kiện để người lao động an cư, lạc nghiệp, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp".