Trước sự quay lưng của khách hàng đối với xe buýt công cộng, các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp phải nỗ lực tìm giải pháp, chấp nhận “rời cuộc chơi” hoặc “bơi ngược dòng” để bứt phá.
>>> Vực dậy vận tải xe buýt
Tưởng rẻ lại… hóa “đắt”
Trong khi ùn tắc giao thông đang là vấn đề nóng của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thì vận tải bằng xe buýt ở 2 thành phố này lại ì ạch, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của phần lớn cư dân đô thị. Dù được trợ giá, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu lỗ, còn phần lớn người dân lại chưa mặn mà với xe buýt. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế quản lý phương tiện công cộng nói chung cũng như cơ chế trợ giá xe buýt hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Các chính sách phát triển vận tải xe buýt từ mệnh lệnh hành chính không phù hợp với bối cảnh.
Cách đây hơn 10 năm, cảnh người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập thấp, dân văn phòng đứng chờ dài… cả tiếng đồng hồ mới “bắt” được tuyến xe buýt để về nhà là việc quá đỗi quen thuộc. Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, tình trạng xe buýt… dài cổ “hóng” khách vô tình cũng trở nên thân thuộc với người dân Hà Nội.
Thời huy hoàng ấy của xe buýt nay đã không còn. Doanh nghiệp “đổ lỗi” cho COVID, khách hàng trách doanh nghiệp vì thái độ phục vụ không tốt, “chiếc áo cơ chế” trợ giá của Nhà nước nay cũng không còn phù hợp. Việc hãng vận tải Bắc Hà đề nghị xin bỏ khai thác 5 tuyến xe buýt do “hết tiền” vào cuối tháng 7 vừa qua là minh chứng cho điều đó. Tất cả đang xoay vòng trong vòng xoay của nền kinh tế thị trường, mà ở đó, chất lượng phục vụ mới quyết định tất cả.
Như ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam từng nêu ý kiến, giờ đây, không chỉ người dân mà cả những doanh nghiệp vận tải đã nhận ra giá vé rẻ không còn là lợi thế. 7 nghìn đồng là đắt, nhưng 15 nghìn đồng lại rẻ - nghịch lý này thoạt nghe có vẻ vô lý, nhưng nó lại hoàn toàn hợp lý trong hoàn cảnh này. Với việc khách hàng bỏ ra 7 nghìn đồng để đi một chuyến xe “nhả” khói mù mịt, lái xe, phụ xe nhìn như “côn đồ”, thậm chí xung đột với cả “thượng đế” trên xe thì quả là 7 nghìn đồng… đắt thật! Trong khi giá vé 15 nghìn đồng nhưng xe chạy văn minh, đúng giờ, chất lượng phục vụ tốt lại chưa hẳn là đắt.
“Rời cuộc chơi” hay “bơi ngược dòng”?
Không thể phủ nhận vai trò chủ lực của xe buýt trong dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn các thành phố lớn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp hoạt động xe buýt phải nỗ lực tìm giải pháp, chấp nhận “rời cuộc chơi” hoặc “bơi ngược dòng” để bứt phá.
Cuối tháng 6/2022, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã phát động phong trào công chức, viên chức đi làm bằng xe buýt. Động thái này được cho là góp phần kích cầu cho loại hình vận tải công cộng. Tuy nhiên, với nhiều người, kiểu làm phong trào có tính hình thức này không mang tính bền vững bởi chất lượng và cung cách quản lý của các hãng vận tải mới quyết định tính cạnh tranh của xe buýt.
Ông Đào Viết Ánh, TGĐ công ty vận tải Phương Trang cho biết, thực tế hiện nay, có rất nhiều tuyến xe buýt của các tỉnh có chất lượng phương tiện xuống cấp, bị phản ánh về thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh nói chung của xe buýt. Nguyên nhân bởi chính bản thân doanh nghiệp kinh doanh vận tải vì mục tiêu lợi nhuận mà bỏ quên trách nhiệm với xã hội, từ đó thiếu sự đầu tư, đổi mới dẫn tới xe buýt càng ngày càng đi xuống. Thêm vào đó, các giải pháp nâng cao chất lượng tại một số tỉnh thành chưa được đồng bộ, hiệu quả, chưa đi vào thực tiễn đời sống.
Xe buýt là một trong những phương thức vận tải công cộng hiệu quả, góp phần giải quyết ách tắc giao thông tại các đô thị lớn, giảm chi phí đi lại cho người dân. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với các địa phương, doanh nghiệp cần sớm đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt. Đề xuất các giải pháp, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất là cần tìm mọi cơ chế, chính sách để phát triển tốt nguồn cung. Cung chất lượng tốt thì khắc nhu cầu tăng. Cung, cầu rất lớn nhưng hiện nay vẫn cứ tung sản phẩm kém cỏi, thì người dân sẽ từ chối. Nhưng khi doanh nghiệp đưa ra một sản phẩm tốt hơn thì người dân sẽ hưởng ứng.
Ông Thanh khẳng định, đối với xe buýt công cộng tại các đô thị lớn, nhất định phải có trợ giá của nhà nước, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Nhưng vấn đề phải đổi mới cơ chế trợ giá, xóa bỏ được cơ chế xin – cho, vì cứ xin - cho là có chuyện.
>>Đổi mới cơ chế trợ giá xe buýt
>>"Loay hoay" giải pháp "đóng - mở” trong quản lý xe buýt
Điều này phải hết sức công khai minh bạch. Doanh nghiệp nào đáp ứng được các yêu cầu đó thì thực hiện và phải có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với doanh nghiệp đã nhận mà không thực hiện được, thậm chí cho phá sản những doanh nghiệp yếu kém.
Thêm vào đó, muốn tạo điều kiện cho phương tiện vận tải công cộng phát triển thì khi quy hoạch đô thị phải quan tâm đến giao thông và phải tuân thủ nghiêm theo quy hoạch. “Quy hoạch các dự án đô thị lúc đầu chỉ cho phép xây dựng các tòa nhà vài tầng, nhưng sau được điều chỉnh làm mấy chục tầng thì hạ tầng giao thông nào chịu nổi”, ông Thanh nhấn mạnh.
Bàn về giải pháp “lội ngược dòng” trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Trung, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp này sẽ triển khai công tác chuẩn bị để sẵn sàng phát triển xe buýt khi được thành phố giao, nhất là có giải pháp hiệu quả về tuyển dụng, đào tạo để đảm bảo nguồn lao động đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh và phát triển các tuyến buýt mới.
Đi đôi với phát triển xe buýt là các giải pháp hiệu quả nâng cao hơn nữa về chất lượng dịch vụ và bảo đảm chất lượng phương tiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm chất lượng phục vụ, kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng về ý thức trách nhiệm, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chăm sóc khách hàng cho đội ngũ lao động, trực tiếp là lái xe, nhân viên phục vụ và nhân viên nghiệp vụ trên tuyến.
Không có mẫu số chung cho tất cả các tỉnh thành trong phát triển vận tải xe buýt. Rõ ràng, loại hình vận tải này đang cần được nghiên cứu một cách tổng thể nhu cầu đi lại của từng địa phương gắn với quy hoạch kinh tế, xã hội và xây dựng của từng thành phố. Chắc chắn, tương lai xe buýt không thể tách rời quy luật cung cầu. Thay đổi văn hóa và chất lượng phục vụ cũng là để thay đổi thói quen đi lại của người dân sang phương tiện công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, xây dựng những đô thị văn minh, hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xem xét kiến nghị về quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
20:00, 11/08/2022
Đổi mới trợ giá xe buýt để xóa bỏ cơ chế xin - cho
04:00, 04/08/2022
Quy hoạch “đẩy” vận tải xe buýt vào “ngõ cụt”?
03:00, 03/08/2022
Được trợ giá, xe buýt vẫn “chết yểu”: “Chiếc áo” cơ chế đã quá chật?
04:10, 21/07/2022
Tương lai nào cho xe buýt?
05:00, 01/08/2022
Vì sao xe buýt khiến "thượng đế" phải bỏ đi?
17:29, 25/07/2022