Chống tham nhũng: Giữ "lò" luôn "nóng"!

SÔNG HÀN 22/08/2021 05:30

Để giữ cho “lò” luôn luôn “nóng”, ngoài người “đốt lò” với mũi tiên phong Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì “lò” tại các Bộ, các địa phương cũng phải được bắt đầu và “nhóm” đều.

T

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến khái niệm "đốt lò" từ ngày 31/7/2017.

Lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến khái niệm “đốt lò” là ngày 31 tháng 7 năm 2017, tại Hà Nội, khi chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Tại đây, Tổng Bí thư đã ví von: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy; Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công.”

Việc ví von chiến dịch phòng chống tham nhũng với “cái lò” và “củi” đã được lan truyền mạnh trên truyền thông và mạng xã hội giống như một lời tuyên bố cho một chiến dịch chống tham nhũng do người đứng đầu Đảng phát động đã bắt đầu.

Khi phát súng lệnh được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắn ra, chiến dịch “đốt lò” được thực thi một cách nghiêm túc, quyết liệt. Kết quả, hàng chục nghìn cán bộ công chức, đảng viên bị kỷ luật, hàng loạt các vụ án lớn được phanh phui và đưa ra xét xử.

Đặc biệt, nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật. Trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm, cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chẳng hạn, dư luận không thể quên vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin: Tổng thiệt hại 910,2 tỷ VND; 8 bị cáo bị tuyên các mức án từ 3 năm đến 20 năm tù giam; 2 bị cáo Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm bị tuyên án tử hình.

Vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Riêng bị cáo Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị có liên quan tới 4 vụ án đều diễn ra tại PVN và các công ty con, các dự án thuộc PVN gây thất thoát gần 2.000 tỷ VND.

Vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc... ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương và xét xử nhiều quan chức cấp cao bộ công an như Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh.

Hoặc vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, TP Hồ Chí Minh (DAB), trong đó có Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”).

Điều tra các sai phạm và đưa nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone liên quan đến 2 Bộ trưởng Bộ thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.

Khởi tố điều tra vụ án xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên và kỷ luật cảnh cáo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Rồi vụ khởi tố, kỷ luật và khai trừ Đảng đối với Đô đóc Nguyễn Văn Hiến - cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, đã vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến 10 khu đất quốc phòng..v..v.

Có thể nói, những vụ án với nhiều cái tên “nổi đình nổi đám”, trong đó có một số người với tư cách là ủy viên Bộ Chính trị từng để lại được nhiều thiện cảm trong lòng dân là sự đáng tiếc. Nhưng nó cũng cho thấy, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm, công - tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó.

Tuy nhiên, một vấn đề khá nan giải ở đây đó là: Tham nhũng có ở mọi chỗ, mọi nơi, mọi cấp độ, mọi lĩnh vực... trong khi chống tham nhũng lại chỉ ở Trung ương, do Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính làm thì không xuể, không triệt để được. Chống chỗ này, phình ra chỗ khác, thậm chí tham nhũng đang biến tướng và rút vào bí mật. Và để chống được rất cần sự vào cuộc của quần chúng nhân dân - những người hàng ngày giáp mặt với quan tham thì lại bị đứng ngoài cuộc.

Đã bị ví là “giặc nội xâm”, có nghĩa là nạn tham nhũng, đối tượng tham nhũng đã phát triển đến mức rất nghiêm trọng. Những vụ án nói trên mà Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đưa ra xét xử vừa qua bị xử lý mới chỉ là “một bộ phận nhỏ”. Thế nên nếu không quyết liệt hơn nữa, e rằng công cuộc phòng chống tham nhũng khó có thể thành công.

Để giữ cho “lò” luôn luôn “nóng”, ngoài người “đốt lò” với mũi tiên phong Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì “lò” tại các Bộ, các địa phương cũng phải được bắt đầu và “nhóm” đều. Trên tinh thần lấy dân làm gốc, làm trong sạch Đảng… với quyết tâm cao, biện pháp quyết liệt. Tất cả cùng vào cuộc để giữ lửa cho “lò” luôn nóng và nóng đều. Đó phải trở thành mệnh lệnh của trái tim, trở thành tiếng gọi của non sông đất nước. 

Như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nếu ai thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm”. Đây không chỉ là lời nhắc nhở, cảnh báo về những lực cản trong nội bộ - những người “không muốn làm” mà còn thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị không chỉ của Tổng Bí thư - “người nhóm lò”, mà là của toàn Đảng, toàn dân quyết “giữ lửa cho lò luôn luôn nóng”.

Có thể bạn quan tâm

  • Chống tham nhũng giữa đại dịch

    06:00, 08/08/2021

  • Tham nhũng và lãng phí: “Lô cốt” cần công phá mạnh mẽ!

    05:00, 29/07/2021

  • Khó thu hồi tài sản tham nhũng: Tại sao khó?

    04:40, 15/07/2021

  • Thêm nhiều biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng

    11:10, 22/06/2021

  • 10 năm không có trường hợp tham nhũng: Kỳ lạ!

    21:00, 16/04/2021

  • Tăng lương để… “không cần tham nhũng”?

    09:50, 03/04/2021

  • Tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội; tránh tham nhũng chính sách

    13:00, 26/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chống tham nhũng: Giữ "lò" luôn "nóng"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO