Chống tham nhũng: Ranh giới giữa “tiền bạc” và “danh dự”

SÔNG HÀN 24/08/2021 05:00

Trong bối cảnh đất nước đang chống Covid-19, ắt hẳn những ai có lương tâm, trách nhiệm sẽ càng “thấm” quan điểm “tiền bạc và danh dự” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng nói: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Ảnh: TTXVN

Lâu nay chúng ta hay nói, hay bàn đến vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng ở nhiều góc cạnh khác nhau. Đây là một cuộc chiến trường kỳ đòi hỏi sự bền bỉ, quyết tâm chính trị cao của người với cương vị duy trì sự nghiệp “đốt lò”. Cũng như sự đồng lòng đồng sức của cả hệ thống chính trị, toàn dân, chứ không phải là cuộc chiến của riêng một mình ai.

Dĩ nhiên, tham nhũng có thể tồn tại và cắm rễ sâu vào mọi ngõ ngách của hệ thống công quyền, quản trị của chúng ta là có nhiều yếu tố: Sự vận hành của “Lập pháp – Tư pháp – Hành pháp” vẫn còn những kẻ hở để có thể tham nhũng; Yếu tố văn hóa; Sự tha hóa đạo đức, tư tưởng của cán bộ đảng viên…v..v.

Nguyên nhân thì có cả 1001 nguyên nhân, nhưng theo quan điểm cá nhân người viết, có một nguyên nhân mà chúng ta ít đề cập tới, cứ tưởng nhỏ mà không nhỏ và nó chỉ gói gọn trong 2 từ “danh dự”. Chính vì một bộ phận cán bộ, đảng viên, các “công bộc của dân” đã không còn liêm sỉ, sẵn sàng đánh đổi danh dự của bản thân, danh dự của người cán bộ cách mạng để đổi lấy cái gọi là vật chất tầm thường.

Có lẽ vì thế mà người viết rất ấn tượng với một phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 vào sáng 11/8/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng nói: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Nhìn lại những năm qua, Việt Nam chúng ta đã có những thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế. Nó minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng, năng lực quản lý quản trị của Nhà nước, sự vận hành hợp lý của Chính phủ và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đồng thời là nỗ lực của toàn dân.

Song, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến sự nghiệp “đốt lò”, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người nhóm “lò”, tìm “củi”. Chính công cuộc phòng chống tham nhũng hiệu quả là động lực niềm tin cho các nhà đầu tư, là xóa bỏ những rào cản phát triển và là sự minh bạch, lấp dần đi những vùng tối, xám.

Trong hoàn cảnh đặc biệt lúc này, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát, khi cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch Covid-19… thì “lò” chống tham nhũng vẫn không ngừng cháy. Việc xử lý những vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực y tế (vụ CDC Hà Nội hoặc nâng giá thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai) không chỉ tránh thất thoát tài sản mà còn mang lại niềm tin cho nhân dân, đặc biệt là niềm tin của những người đang trên tuyến đầu chống dịch.

Nhìn rộng hơn khi xem lại một con số thống kê của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, VKSND đã phối hợp với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, kết quả tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.

Quả thật, một con số không thấm tháp gì so với những đại án tham nhũng mà chúng ta từng biết, nhưng cũng với con số đó, nó lại là cả một gia tài trong mơ với người nghèo, với những cán bộ công chức liêm chính. Cũng với con số đó, nó cũng làm được bao nhiêu công trình mang tính dân sinh cho dân như: điện, đường, trường học…v..v.

Dừng ở đây, chúng ta mới thấy cái sự “tham-sân-si” trong con người nó lớn nhường nào. Khi không kiểm soát được, con người ta sẽ tha hóa. Và người viết càng thích quan điểm về “tiền bạc và danh dự” mà Tổng Bí thư đã nói ở trên.

Dù rằng, ai cũng biết, đã sinh ra trong cõi người ai chẳng phải có một mục đích sống. Có người lấy tiền, nhà lầu, xe hơi, vàng bạc đầy nhà làm thước đo thành công. Có người phấn đấu cả đời, kèn cựa người này, chơi xấu người kia để ngồi lên chiếc ghế danh vọng làm “ông này bà nọ”. Nhưng cũng có người cả đời chỉ muốn sống bình yêu bên người mình yêu thương và họ được tận hưởng cuộc sống an nhàn từ rất sớm. Quan điểm của họ là: Chết không mang tiền theo được, vì vậy làm bao nhiêu cứ tiêu bấy nhiêu, tiền sẽ tự về.

Thực tế cho thấy, dù nhà cao đến đâu, đất đai rộng đến đâu, giàu có đến bao nhiêu thì khi sống chúng ta cũng chỉ cần một chỗ để ngủ và chết đi thì cần một chỗ đặt quan tài. Chúng ta có đủ tiền mua những bữa sơn hào hải vị sang trọng thì mỗi bữa cũng chỉ ăn được từng ấy. Còn khi chết đi, người sống có thiết đãi bao nhiêu của ngon vật là thì cũng ta cũng đâu có cách gì “ăn” nổi.

Nói cách khác, con người sống ở thế gian này, nhiều lắm cũng chỉ là mấy mươi năm, đau khổ, truy cầu rốt cuộc có thể lưu lại điều gì? Danh lợi cũng là thoảng qua như mây khói, sinh không mang theo đến, chết không mang theo đi. Sao không tùy duyên đối diện để sống cho thanh thản lương tâm. Tiếc rằng, trong cuộc sống xô bồ, chủ nghĩa thực dụng lên ngôi thì có nhiêu người có tư tưởng như Tổng Bí thư nói đâu.

Có thể nói, con đường đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển còn dài và còn nhiều gian nan. Dừng lại là tụt hậu. Dừng lại là thất bại. Dừng lại là công sức đổ sông, đổ biển.

Theo đó, phải chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Vâng! Quyết tâm chống “giặc nội xâm” của người đứng đầu và Ban chỉ đạo thì đã rõ. Với một tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn làm liên tục, bền bỉ, không ngừng không nghỉ, không có “chợ chiều”. Và sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu trong cuộc chiến “không tiếng súng” này, mỗi cán bộ, đảng viên đặt vấn đề danh dự cao hơn tiền bạc.

Hãy nhớ, danh dự không đơn thuần là của bản thân cá nhân người cán bộ, công viên chức nào, mà nó còn là danh dự của người trong hàng ngũ của Đảng, của người cán bộ cách mạng, nên nó thật sự thiêng liêng, cao quý.     

Có thể bạn quan tâm

  • Chống tham nhũng (Bài 1): Giữ "lò" luôn "nóng"!

    05:30, 22/08/2021

  • Chống tham nhũng giữa đại dịch

    06:00, 08/08/2021

  • Đại hội XIII: Tiếp tục “đốt lò” chống tham nhũng

    06:00, 27/01/2021

  • Đại hội XIII của Đảng: Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng!

    07:59, 24/01/2021

  • Tài sản trăm tỉ và chuyện phòng chống tham nhũng

    06:00, 15/01/2021

  • Hà Nội phát triển mạnh mẽ do phòng chống tham nhũng quyết liệt

    18:18, 23/12/2020

  • Chống tham nhũng: “Cuộc chiến” còn dài…

    05:00, 06/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chống tham nhũng: Ranh giới giữa “tiền bạc” và “danh dự”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO