Với việc nới lỏng tiền tệ gần đây của nhiều ngân hàng trung ương, chu kỳ lãi suất cao sắp sửa kết thúc, tạo đà cho giai đoạn phục hồi mới bắt đầu.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vừa giảm lãi suất từ 5,25% xuống 5%, đánh dấu đợt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Trong khi đó, FED cũng dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 9 tới.
Tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết: “Nếu chúng ta thấy lạm phát giảm xuống mức phù hợp với kỳ vọng, tăng trưởng vẫn ở mức khá cao và thị trường lao động vẫn phù hợp với điều kiện hiện tại, thì tôi nghĩ việc cắt giảm lãi suất có thể được thực hiện vào cuộc họp tháng 9 tới”.
Tuy nhiên, thị trường lao động Mỹ lại kém khả quan hơn nhiều so với dự báo của FED. Ngày 2/8 vừa qua, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7. Theo đó, việc làm phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ chỉ tăng 114.000 trong tháng, giảm so với mức 179.000 việc làm đã được điều chỉnh giảm trong tháng 6 và thấp hơn nhiều so với mức ước tính của Dow Jones là 185.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021.
Ông Brian Bethune, Giáo sư kinh tế tại Đại học Boston cho rằng: “Nếu số liệu việc làm của Mỹ được công bố sớm hơn, thì các quan chức FED có lẽ đã quyết định cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 31/7 vừa qua”. Bởi vì, tỷ lệ thất nghiệp cho thấy kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái theo Quy tắc Sahm.
Trước nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ, giới chuyên gia đồng loạt dự báo FED sẽ hành động quyết liệt hơn trong việc nới lỏng tiền tệ, có thể sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất từ tháng 9, thay vì 2 như dự kiến, thậm chí FED cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản, thay vì 25 điểm lãi suất cơ bản như dự kiến.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất từ 4,5% xuống 4,25% và đây cũng là hành động giảm lãi suất của ngân hàng này lần đầu tiên sau 8 năm. Một loạt các ngân hàng trung ương có tầm ảnh hưởng khác ở Thụy Sĩ, Canada, Thụy Điển,… cũng đã “bắt trend” hạ lãi suất.
Theo một dự báo hàng quý của Bloomberg, trong số 23 ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới được hãng tin này theo dõi, chỉ có Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là sẽ không hạ lãi suất trong 18 tháng tới. Điều này phát đi tín hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu sắp bước vào giai đoạn lãi suất thấp, dòng vốn rẻ dồi dào, hỗ trợ tích cực cho giai đoạn phục hồi kinh tế.
Cả thế giới lo sợ bao nhiêu khi FED tăng lãi suất thì cũng nhẹ nhõm bấy nhiêu khi cơ quan này bắt đầu cắt giảm lãi suất. Bởi vì, điều này giúp khối nợ khổng lồ bằng đồng USD được giảm áp lực trả lãi, gốc, qua đó giảm nguy cơ khủng hoảng nợ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển đã chi gần 450 tỷ USD để trả nợ gốc và lãi nước ngoài trong năm 2022.
Ngoài ra, lãi suất đồng đô la Mỹ “hạ nhiệt” giúp tỷ giá ở nhiều quốc gia giảm bớt áp lực, nhiều “ngòi nổ” được tháo gỡ. Trước đó, dấu hiệu khủng hoảng tiền tệ xuất hiện khắp nơi, rất nhiều ngân hàng trung ương ứng phó bằng cách tăng lãi suất phi mã lên hai con số, chẳng hạn lãi suất cơ bản tại Thổ Nhĩ Kỳ là 50%, tại Argentina 40%, tại Nga là 16%, tại Mexico là 11%,…
Chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Tom Orlik của Bloomberg Economics nhận định: “Khi FED cắt giảm lãi suất, những đồng tiền mất giá sâu có cơ hội quay đầu phục hồi, qua đó sẽ ổn định cán cân thương mại; đồng thời làm giảm áp lực lạm phát.
Đơn cử như VND, việc FED duy trì lãi suất quá cao khiến VND mất giá mạnh. Tỷ giá USD/VND có thời điểm lên tới trên 25.400 VND, thậm chí tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do có thời điểm đã lên tới 26.000 VND.
Nhiều chuyên gia nhận định, cho dù mức cắt giảm lãi suất của FED chỉ là 25 điểm cơ bản, nhưng cũng đủ để tạo cơ hội cho VND tăng giá so với đồng USD. Trong bối cảnh thương mại Việt - Mỹ sôi động như hiện nay, về lý thuyết VND tăng giá thì xuất khẩu sẽ giảm sức cạnh tranh. Nhưng điều đó không đáng ngại, vì được nhiều hơn mất. Điểm tích cực là một khi FED phát tín hiệu giảm lãi suất, định giá của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng như các TTCK cận biên sẽ trở nên hấp dẫn, dòng tiền khối ngoại có thể sẽ quay trở lại.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định: “Việc FED giảm lãi suất chỉ có thể phát huy tác động cụ thể đến nền kinh tế từ năm 2025 do thường có độ trễ. Ví như trường hợp FED giảm lãi suất trong tháng 9 thì phải đến năm sau mới tác động dần vào nền kinh tế toàn cầu”.n