Đang đứng trước độ tuổi "chín" của sự nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn (Saigon Books) quyết định... khởi nghiệp ngành sách khi bước sang tuổi 44.
Những tưởng tài năng, kinh nghiệm sau nhiều năm bôn ba trên thương trường sẽ giúp doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh nhanh chóng thành công với doanh nghiệp của riêng mình, nhưng không phải vậy. Đã có lúc, ông dốc lòng rằng: “Tôi gặp rất nhiều khó khăn, chật vật, thậm chí đứng trước bờ vực khủng hoảng khi điều hành một doanh nghiệp nhỏ do mình khởi nghiệp".
Vượt qua nỗi sợ
Không phải là “người lạ” đối với ngành xuất bản sách nhưng Saigon Books là câu chuyện khởi nghiệp đích thực của doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh.
“Suốt 25 năm tham gia vào thị trường, đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản, vàng, ngoại hối (forex) và cũng đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, tâm thế khi tham gia việc đầu tư trước đây là "mua để bán", kiếm lợi nhuận là chính. Nhưng với Saigon Books, đây có lẽ là dự án tôi dồn gần như trọn vẹn tâm huyết”, ông Quỳnh giãi bày.
Mặc bậc đàn anh can ngăn, ông như “con thiêu thân” đi thắp lửa đam mê.
Nhưng câu chuyện thực tế khi điều hành Saigon Books khác xa với trải nghiệm trước đó cũng như suy nghĩ của ông. Saigon Books bắt đầu từ con số 0, trong khi kinh nghiệm và thành tích mà ông có được là phát triển, nâng tầm doanh nghiệp có sẵn.
Một vấn đề khác so với thời còn làm tướng ở những công ty lớn là việc điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp thực sự đau đầu và khó. Khi nguồn lực bị giới hạn, người chủ như ông phải làm tất cả các khâu từ bán hàng, chiến lược, tiếp thị…, trong khi các công ty lớn hầu như đã có từng bộ phận chuyên trách.
Tháng 10/2016, Saigon Books xuất bản cuốn sách đầu tiên. Sau đó là ra sách liên tục và trở thành hiện tượng trong ngành xuất bản Việt Nam. Mạnh dạn đầu tư, năm 2017, ông Quỳnh ồ ạt tuyển người, làm đủ thể loại sách, sẵn sàng rộng tay với tác giả và bản quyền. Thế nhưng, tiền chi ra như núi nhưng thu vào lại không đáng kể.
Đầu năm 2018, Saigon Books thực sự rơi vào khủng hoảng. Đầu tiên là khủng hoảng, thiếu vốn, bắt đầu đi vay ngân hàng, hàng bán chậm và tồn kho, công ty bắt đầu lỗ. Tiến bán sách 3-6 tháng mới về đến công ty, lợi nhuận không thấy đâu, tiền vốn khó khăn.
Nội bộ công ty cũng dấy lên làn sóng khủng hoảng về niềm tin. Nhân viên công ty bắt đầu thấy lo lắng về tương lai và năng lực của ông. Có quyền quyết định tất cả mọi thứ trong Công ty nhưng không phải là người giỏi mọi thứ. Khi đó, hào quang quá khứ làm ông tự tin thái quá, dẫn đến nhiều quyết định sai lầm.
"Nhiều người xin nghỉ việc, kế hoach sản xuất trì trệ, tôi đã hết sức hoang mang. Trước mắt tôi là những thứ tôi chưa phải đối mặt bao giờ. Mình sẽ thất bại ư? tôi thấy thực sự sợ hãi khi nghĩ như vậy””, ông Quỳnh kể.
Trong vực thẳm khó khăn, ông nhận ra, trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của Saigon Books chính là bản thân. Dành thời gian nhìn lại chính mình, ông quyết định không ôm đồm nữa!
Quyết định đầu tiên đó là mời một đồng nghiệp cũ giỏi điều hành kinh doanh sách về làm CEO cho Saigon Books để xử lý hai việc quan trọng: quản lý dòng tiền và kiểm soát chi phí.
Thay vì một mình quyết định mọi thứ như trước đây, ông thành lập Hội đồng Quản trị và tất cả lộ trình, đường hướng của Công ty đều được đưa ra để các thành viên cùng đánh giá, lựa chọn những giải pháp tối ưu.
Saigon Books xây dựng xong hệ thống KPI, để vừa quản trị tốt nhân sự, vừa quản lý tài chính minh bạch rõ ràng. Thậm chí, cha đẻ của Saigon Books còn sẵn sàng cắt giảm những vị trí nếu thấy không hiệu quả hoặc công việc dư thừa, đồng thời yêu cầu đội ngũ của mình nâng cao tính chủ động, tăng cường ý thức làm việc.
“Thật may mắn, Sau 3 tháng, dòng tiền đã ổn định trở lại. Hoạt động của Công ty đã vào guồng, quy trình kinh doanh từ mua bản quyền, dịch thuật, biên tập, in ấn, marketing, bán hàng... đều đã hoàn thiện. Doanh thu bắt đầu tăng. Saigon Books đã xuất bản được nhiều cuốn sách hay, được bạn đọc đón nhận. Quan trọng nhất, tinh thần làm việc được cải thiện. Tôi tuân thủ những nguyên tắc quản trị do mình đề ra, nhờ vậy, trên dưới một lòng”, Chủ tịch Saigon Books chia sẻ.
Khi dần đi qua khỏi cơn bão tố, ông Quỳnh cũng đã chiêm nghiệm được nhiều điều. Bằng giải pháp của mình, ông Quỳnh thể hiện rõ quyết tâm từng bước thay đổi để trở thành một vị “sếp” điều hành doanh nghiệp hiệu quả. “Tôi nhận ra rằng nếu được có một danh hiệu nào đó thì tôi nên phấn đấu để trở thành một người sếp hiệu quả… chứ sếp tốt mà không mang lại hiệu quả thì doanh nghiệp không thể nào phát triển được”.
Nhận được sự trưởng thành của mình, dù hơi muộn, ở tuổi 46 nhưng trong thách thức, ông Quỳnh phát hiện ra được điểm yếu chết người của mình như bốc đồng, bao đồng, thiếu kiên quyết và thiếu tập trung.
Nhắn gửi tới những người đang khởi nghiệp, chủ tịch Saigon Books cho rằng trong quá trình vận hành bộ máy, người đứng đầu cần phải hiểu rõ bản thân mình, phải nhận ra mình có những điểm yếu nào. Nếu điểm yếu đó gây ảnh hưởng xấu đến công ty trong khi bản thân lãnh đạo lại không thể thay đổi được thì hãy chọn người có thể hỗ trợ phù hợp trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Thật may, kết quả kinh doanh thực sự tốt lên của Saigon Books đã giúp ông vượt qua nỗi sợ thất bại của một người đang trên đỉnh của thành công. Bởi theo ông, với những người trẻ, thời gian còn nhiều thì có độ liều lĩnh hơn, vẫn còn thời gian sửa chữa va vấp, còn ở tuổi của ông, cơ hội sẽ không còn nhiều.
"Tâm tư" với giới trẻ
Khởi nghiệp ở tuổi 44 với Saigon Books, ông tự nhận vào mình sứ mệnh mang đến nhiều cuốn sách giá trị cho giới trẻ.
Saigon Books hiện có 5 dòng sách chính: sách khởi nghiệp, sách kỹ năng, sách quản trị, sách tinh thần và sách văn học. Trong 2 năm vừa qua, Saigon Books đã rất thành công với dòng sách tinh thần và sách khởi nghiệp. Tín hiệu đáng mừng là các bạn khởi nghiệp hiện nay rất chịu khó học và đọc sách.
Ông Quỳnh còn khiến nhiều người ngạc nhiên bởi bản lĩnh khác biệt khi quyết định chuyển hướng đào tạo và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ và startup. Xuất phát từ tâm niệm "Thành công còn ở phía trước. Tôi chỉ muốn dành thời gian cho công việc mà tôi cho là tạo ra nhiều giá trị nhất không chỉ cho bản thân mà còn cho mọi người", Nguyễn Tuấn Quỳnh vẫn đang tiếp tục sải bước khi mang những giá trị lớn lao cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những người khởi nghiệp.
Đầu tiên là ông tham gia vào giảng dạy, chia sẻ cho các bạn trẻ, các khoá đào tạo khởi nghiệp ở một số câu lạc bộ, các lớp khởi nghiệp do những trường đại học tổ chức… Ông cũng tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nhân trẻ ở các tỉnh như: Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Nghệ An, TP HCM...
Bên cạnh đó, ông Quỳnh thường tham gia vào các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp như làm ban giám khảo các cuộc thi, cố vấn trực tiếp cho các bạn trẻ, đặc biệt là góp vốn vào một số dự án khởi nghiệp về nông nghiệp để giúp các bạn có thêm nguồn tài chính thực hiện giấc mơ của mình.
Luôn cho rằng mình đã nhận được nhiều ưu ái của xã hội, ông Quỳnh mong muốn được cống hiến trở lại cho cộng đồng. Ông thích bản thân trở thành một người có giá trị, có ích cho xã hội hơn là một người giàu có đơn thuần về mặt vật chất. Vì vậy, trong lịch làm việc của mình, ông luôn dành thời gian ưu tiên cho việc chia sẻ khởi nghiệp, các hoạt động xã hội, viết sách… "Đó là cách mà tôi nghĩ rằng mình có thể đóng góp và cống hiến", ông nói.
Theo ông Quỳnh, hiện tại và tương lai của nền kinh tế này đang rất cần một thế hệ trẻ có tinh thần khởi nghiệp, đầy nhiệt huyết, có trí tuệ, có tinh thần sống phù hợp và chính họ sẽ góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Và tương lai đang trông chờ vào sự thành công của đội ngũ khởi nghiệp thành công.
Đánh giá về các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay so với thế hệ trước, ông Quỳnh phân tích một trong những ưu điểm nổi bật là thái độ dám dấn thân, dám trải nghiệm. Đó là tinh thần mà trước đây các thế hệ trước rất ít người có được. Hơn nữa, thời gian gần đây khởi nghiệp nổi lên như một phong trào nhưng đó là phong trào khá bền vững.
Chẳng hạn, trước đây đa phần các dự án khởi nghiệp lập ra là để dự thi chứ ít ai can đảm áp dụng nó vào trong thực tế. Còn hiện nay, các bạn trẻ luôn đầu tư hết tâm huyết cũng như tiền bạc của mình vào dự án khởi nghiệp để phát triển thành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cái yếu của họ hiện nay là quá non về quản trị công ty, đặc biệt thiếu kiến thức về quản lý dòng tiền và không chuẩn bị đủ tài chính. Do đó, khi nguồn vốn bị thiếu hụt, trong khi không thể vay được ngân hàng, nhiều bạn trẻ rơi vào khó khăn.
Cuộc đời ông cũng chính là một cuốn sách sống đầy cảm hứng về con đường tự học để trưởng thành, sẵn sàng chấp nhận thách thức, trải nghiệm, làm những việc nhỏ với tình yêu lớn, phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình để theo đuổi những ước mơ, và trên hết, ông là người hành động.
Có thể bạn quan tâm
16:31, 10/05/2020
11:00, 03/05/2020
07:20, 30/04/2020
06:00, 28/04/2020
11:30, 18/04/2020
11:00, 18/04/2020