Nhiều khu chung cư cũ xuống cấp đang trở thành nỗi "ám ảnh" cuộc sống người dân.
Theo thống kê, TP. Hà Nội hiện có trên 1.500 chung cư cũ, có quy mô từ 2 - 5 tầng, đa số được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980. Số lượng chung cư cũ tập trung nhiều nhất tại các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân…
“Cuộc sống mòn”
Do đều được xây dựng cách đây vài chục năm nên các chung cư này hiện đã hết niên hạn sử dụng, nguy cơ xảy ra sự cố rất lớn. Đặc biệt, ở hầu hết các khu chung cư cũ, nhiều hộ dân tiến hành sửa chữa, cải tạo, cơi nới, khiến tình trạng xuống cấp diễn ra nhanh hơn.
Với thời gian, chung cư cũ ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan đô thị và rất nguy hiểm cho người dân khi sinh sống tại các khu được gọi là “ổ chuột” giữa lòng đô thị.
Bà Trịnh Thị Vân (73 tuổi), một cán bộ nghỉ hưu của Nhà máy in - cư dân sinh sống tại khu tập thể 3 tầng Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình bà chuyển về đây sinh sống từ cuối những năm 70. Thời điểm chuyển đến các con của bà còn nhỏ tuổi. Nay nhà chỉ còn 2 ông bà sinh sống bởi lần lượt cả 3 người con đã lập ra đình và ra ở riêng.
Theo quan sát của phóng viên, các dãy nhà 3 tầng nơi đây đã đồng loạt xuống cấp. Tường và trần nhà đang bong tróc từng mảng, hành lang ẩm thấp, dây điện, đường ống nước và đường ống nước thải do các gia đình tự lắp đặt chằng chịt như mạng nhện.
Có thể bạn quan tâm
00:07, 19/10/2018
06:00, 04/11/2018
06:00, 19/08/2017
17:38, 23/04/2018
Nhà chật chội, không được cơi nới hoặc xây mới nên mùa hè thì nóng nực, mùa mưa thì ẩm thấp, nhơm nhớp. Đặc biệt, sau nhiều lần làm và nâng cấp đường nên bề mặt đường khu vực này đã cao hơn nền nhà, mỗi khi mưa lớn nước từ cống rãnh đã trào ngược qua bể phốt tràn ra nền nhà khiến gia đình bà Vân cùng các hộ dân nơi đây hết sức khổ sở.
“Không biết tới khi nào khu nhà chúng tôi ở mới được cải tạo xây mới, thôi thì cứ khắc phục và chờ đợi chứ biết làm sao!” - bà Vân nói.
Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Nói về “sức khỏe” các khu tập thể cũ, TS Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế đã cho rằng: “Nếu như nói cấp 3 là cao nhất thì đa số chung cư cũ đều ở tình trạng cấp 2 và khoảng 1/3 chung cư cũ đã ở mức cấp 3 và có thể sẽ đổ sập bất kỳ lúc nào. Như hiện tượng sụp nhà đột ngột tại phố cổ đã xảy ra là vô cùng nguy hiểm. Còn nếu như chung cư đổ sập thì chắc chắn rằng con số thương vong sẽ rất lớn và còn nhiều thiệt hại hơn nữa”.
Chưa nói đến chuyện đổ nhà, gần đây nhất, ngày 4/12 vừa qua một vụ hỏa hoạn xảy ra tại một căn hộ tập thể cũ nằm trên tầng 3 khu tập thể A12 Tôn Thất Tùng (Đống Đa, Hà Nội), đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng.
Theo thông tin từ công an phòng cháy chữa cháy thì hệ thống điện xuống cấp là nguyên nhân gây ra vụ chập cháy nghiêm trọng trên. Do đây là khu tập thể cũ 5 tầng, địa điểm xảy ra cháy là phần cơi nới chứa nhiều vật liệu dễ cháy nổ nên ngọn lửa bùng lên nhanh chóng. Đặc biệt, có nhiều "chuồng cọp" tương tự nên khi xảy ra cháy, khói đậm đặc lan nhanh theo cầu thang bộ lên các tầng trên.
Sau khi vụ cháy xảy ra, anh Hải Anh - cư dân sinh sống gần khu tập thể trên cho biết, rất may là cháy ở căn hộ phía ngoài mặt đường và thời điểm cháy là ban ngày nên dễ dàng xử lý. “Nếu không may, cháy ở bên trong có lẽ sẽ cháy hết cả khu vì đường đi đã bị các gia đình lấn chiếm bày bán quần áo hàng thùng. Đi bộ còn khó huống chi là xe cứu hỏa”, anh Hải Anh nói.
Khi tốc độ đô thị hóa đang từng ngày diễn ra với những con đường mới, những tòa cao ốc hiện đại mọc lên ở khắp nơi góp phần làm thay đổi bộ mặt thủ đô. Thế nhưng, vẫn còn đâu đó trên những con phố của Hà Nội là bóng dáng những khu tập thể, chung cư cũ, ẩn trong đó là cuộc sống của hàng ngàn hộ gia đình.
Bức tranh đô thị sẽ đẹp hơn, hoàn hảo hơn nếu như hình ảnh nhếch nhác, xập xệ cùng tâm trạng “nơm nớp” lo âu của người dân sẽ sớm được thay thế bằng những gam màu mới - những khu đô thị mới.