Diễn biến hiện nay và triển vọng thời gian tới, cộng với lịch sử thống kê cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 11 thường kém tích cực.
TTCK Việt Nam đã bất ngờ tăng mạnh từ 940 điểm sau khi tỷ trọng cổ phiếu của Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets 100 Index dự kiến tăng từ 12,5% ở thời điểm hiện tại lên mức 27,86%, do TTCK Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nhóm cổ phiếu có tỷ trọng cao trong rổ chỉ số Frontier Markets 100 đều đồng loạt tăng giá, bao gồm VIC tăng 6,6%, VHM tăng 3,3%, HPG tăng 6,2%, VNM tăng 2,4%,…, giúp VN-Index tiếp cận 970 điểm. Tuy nhiên sau đó, VN-Index đã điều chỉnh trở lại.
Trong ngắn hạn, thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư (NĐT) sử dụng đòn bẩy cao. Dòng tiền margin đến cuối quý 3/2020 khoảng 66.000 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay nên khi thị trường càng điều chỉnh sâu thì mối nguy này càng lớn hơn.
Ngoài ra, các NĐT nên nhớ rằng thế giới đang phải gồng mình với làn sóng COVID-19 khi số ca lây nhiễm đang gia tăng kỷ lục. Điều này chắc chắn đã và đang ảnh hưởng lớn đến sự hồi phục kinh tế thế giới trong giai đoạn tới. Trong khi đó, thị trường nguyên vật liệu cũng đã vào xu hướng tăng mạnh, đây sẽ là rủi ro với không ít doanh nghiệp sản xuất...
Trong khi đó, tháng 11 hiếm khi là tháng tốt lành với TTCK Việt Nam theo thống kê nhiều năm trở lại đây. Đây cũng là giai đoạn mà khối ngoại bán ròng mạnh cho đến nửa cuối tháng 12 hoặc sang tháng 1/2021. Hiện khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng trên HOSE với giá trị 2,46 nghìn tỷ đồng trong tuần 19- 23/10, trong đó gần 2 nghìn tỷ đồng được thực hiện qua kênh khớp lệnh.
Đáng chú ý, giá nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh nên mức độ hấp dẫn theo định giá không còn nhiều. Nếu tâm lý NĐT xấu đi, xu hướng chốt lời gia tăng thì những NĐT ôm nhiều cổ phiếu sẽ gặp áp lực lớn. Theo đó, VN-Index có thể sẽ quay về vùng giá 880- 900 điểm.
Có thể bạn quan tâm