VNDIRECT Research vừa phát hành Báo cáo Chiến lược thị trường tháng 05/2022, trong đó đặt ra vấn đề về thời điểm giải ngân lúc nào phù hợp.
Dòng tiền bắt đáy đã quay lại thị trường?
Sau khi tăng lên mức 1524,7 điểm vào ngày 4/4, chỉ số VN-Index giảm mạnh xuống 1.310,9 điểm (giảm 12,1% so với đầu tháng, giảm 12,5% so với đầu năm), thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021. Thị trường bị bán tháo gần đây đến từ một số nguyên nhân sau: thứ nhất, tâm lí thị trường tiêu cực sau khi một số lãnh đạo tập đoàn lớn vướng vòng lao lý; thứ hai, thị trường toàn cầu điều chỉnh do lạm phát gia tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng; thứ ba, áp lực giải chấp “margin” lớn đã ảnh hướng xấu đến thị trường, bao gồm cả những cổ phiếu có cơ bản tốt.
Giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 12,0% so với tháng trước (+22,2% so với cùng kỳ) xuống 27.957 tỷ đồng (HOSE: 23.701 tỷ đồng/ngày giao dịch, -9,0% so với đầu tháng; HNX: 2.694 tỷ đồng/ngày giao dịch, -28,1% so với đầu tháng). Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay đầu mua ròng 3.439 tỷ đồng trong tháng 4 (tại ngày 25/04/2022), so với mức bán ròng 3.646 tỷ đồng trong tháng 3.
Dự báo thị trường tháng 05/2022
VNDIRECT Research nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 5, bao gồm: Thứ nhất, động lực tốc độ hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong những quý tới. VNDIRECT Research dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ (+/-0,2 điểm %) trong Quý 2/2022, cải thiện từ mức tăng trưởng 5,0% trong Quý 1/2022. Trong năm 2022, VNDIRECT Research dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ. Những yếu tố hỗ trợ chính đến từ mức nền thấp trong Quý 3/2021 khi GDP của Việt Nam giảm 6,0% so với cùng kỳ, việc mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu, bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí, các gói kích thích kinh tế mới được triển khai (giảm thuế VAT, nâng quy mô gói cấp bù lãi suất, giải ngân gói đầu tư cơ sở hạ tầng ...), dòng vốn FDI phục hồi sau khi Chính phủ cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế và hoạt động xuất khẩu tiếp tục cải thiện.
Thứ hai, động lực từ kế hoạch kinh doanh khả quan cho năm 2022 được công bố trong Đại hội cổ đông thường niên. Tại ngày 25/04/2022, 116 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2022. Theo đó, các doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 17,3% và lợi nhuận ròng tăng trưởng 19,4% cho năm 2022.
Trên sàn HNX-Index, 91 doanh nghiệp niêm yết đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2022. Theo đó, các doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 16,8% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 13,3% cho năm 2022.
Một số ngành có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2022, bao gồm bán lẻ, ngân hàng, bất động sản, thủy sản, dệt may, v.v. VNDIRECT Research tin rằng kế hoạch kinh doanh khả quan cho năm 2022 được công bố trong mùa Đại hội cổ đông thường niên sẽ giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp niêm yết.
Thứ ba, động lực từ kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1 năm 2022. Đến ngày 27/04/2021, 529 công ty đã công bố kết quả kinh doanh, tương ứng với 30,7% tổng số cổ phiếu và 20,7% tổng vốn hóa toàn thị trường. Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận của các công ty này tăng lần lượt 31,5% và 68,1% so với cùng kỳ (so với cùng kỳ) trong Quý 1/2022.
Nhóm vốn hóa lớn có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là 81,3% so với cùng kỳ trong Quý 1/2022, vượt trội so với nhóm vốn hóa trung bình và nhóm vốn hóa nhỏ, có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lần lượt là 45,4% so với cùng kỳ và 23,4% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 27 tháng 4 năm 2022, chỉ có 7 ngành có tỷ lệ doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh Quý 1/2022 cao hơn 40% (theo tỷ trọng vốn hóa) và tất cả đều có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong Quý 1/2022.
Trong số 7 ngành này, Hóa chất có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất là 500,8% so với cùng kỳ, đóng góp 20,1% vào tăng trưởng lợi nhuận ròng của thị trường trong Quý 1/2022. Các ngành khác bao gồm Điện (+105,5% so với cùng kỳ), Công nghệ (+36,6% so với cùng kỳ), Dịch vụ tài chính (+28,9% so với cùng kỳ), Đồ uống (+27,2% so với cùng kỳ), Dầu khí (+23,8% so với cùng kỳ) và Chăm sóc sức khỏe (+19,4 % so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số lo ngại về thị trường. Những lo ngại trên thị trường gần đây vẫn chưa tan biến khi căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến và việc Trung Quốc giãn cách xã hội nghiêm ngặt làm tăng thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Bên cạnh đó, FED thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự định trước đó. Cuối cùng, lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến chính sách tiền tệ thắt chặt sớm hơn dự kiến.
Siết trái phiếu doanh nghiệp "3 không" và phát hành riêng lẻ
Đã tới thời điểm giải ngân?
Tại thời điểm ngày 25/4/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 14,7 lần, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và giảm 15,2% so với mức đỉnh từ đầu năm. VNDIRECT Research kỳ vọng lợi nhuận thị trường tăng trưởng lần lượt 23% so với cùng kỳ và 19% trong năm 2022 và 2023, khiến mức P/E dự báo cho năm 2022 là 12,3 và P/E dự báo cho 2023 là 10,5 lần, thấp hơn nhiều so với P/E trung bình 3 năm gần đây là 16,2 lần. VNDIRECT Research cho rằng mức định giá thị trường là rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, những người tìm kiếm các doanh nghiệp được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao. VNDIRECT Research tin rằng những nỗ lực gần đây của các cơ quan quản lý trong việc nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán sẽ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, và đóng góp cho sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
18:00, 29/04/2022
05:00, 29/04/2022
04:30, 29/04/2022