Mặc dù chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh có thể phần nào trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc về sự cạnh tranh của họ, nhưng vẫn còn những lo ngại trong dài hạn.
>>Vì sao Trung Quốc ít kỳ vọng vào chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?
Trong chuyến công du hai ngày của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Quốc, hai bên đã nhất trí tổ chức nhiều cuộc đàm phán cấp cao hơn nhằm ngăn chặn mối quan hệ đi xuống- điều đã khiến nhiều quốc gia rơi vào thế khó trong việc lựa chọn giữa hai quốc gia.
Ông Yan Xuetong, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, cho biết việc tăng cường các cuộc đàm phán Mỹ- Trung sẽ được các nước trong khu vực hoan nghênh. “Lo lắng lớn nhất đối với các nước láng giềng là cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng. Miễn là không có cuộc đụng độ nào bùng nổ giữa họ, những quốc gia này sẽ cảm thấy rằng họ có thể tìm được cách cân bằng quan hệ song phương”, ông Yan đánh giá.
Từ góc độ quan hệ công chúng, các cuộc đàm phán gần đây giữa lãnh đạo 2 nước có vẻ tích cực. Trên thực tế, ông Blinken và các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã gặp nhau lâu hơn dự kiến. Đây là tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa 2 nước đang được khôi phục.
Ông Chen Xiangmiao, Trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam, cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn tỏ ra sẵn sàng lắng nghe mối quan tâm của các nước khác hơn là tiếp tục đối đầu. “Cả hai bên đều muốn xoa dịu sự lo lắng của các quốc gia ở châu Á và thậm chí cả ở châu Âu, vì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ đã nổi lên như một thách thức gai góc trong quan hệ song phương của họ với nhiều quốc gia khác nhau”, ông Chen nói.
Với các nước tại châu Á, chuyến đi của ông Blinken mang tới nhiều hy vọng hơn. Trong khi Bắc Kinh và Washington đã cam kết giữ cho sự cạnh tranh của họ không biến thành một cuộc xung đột thực sự, thì một cuộc đối đầu tiềm ẩn có thể gây nguy hiểm cho các quốc gia như Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang căng thẳng vì lịch sử thời chiến và tranh chấp lãnh thổ, nhưng Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật Bản. Trong bối cảnh này, Nhật Bản rất hoan nghênh chuyến đi của ông Blinken tới Bắc Kinh. Bởi điều này có thể rất quan trọng để tránh một cuộc khủng hoảng trong tương lai.
>>Mỹ “ngáng chân” Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, các cuộc đàm phán Mỹ- Trung đã không làm dịu đi những lo ngại về các vấn đề như chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, không có bước đột phá nào trong các vấn đề gây tranh cãi như sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan hay những biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ mà Mỹ đang áp lên Trung Quốc.
Theo ông Li Mingjiang, Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, chuyến đi của ông Blinken có thể chỉ dẫn đến “một chút ổn định” trong quan hệ Mỹ-Trung, và tăng cường hợp tác trong một số các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng.
“Các nhà lãnh đạo ở các quốc gia trong khu vực cần hiểu rằng quan hệ Mỹ-Trung vẫn rất mong manh và họ sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực phải đứng về phía nào", ông Li lưu ý.
Còn với các đồng minh của Mỹ tại châu Á, chuyến đi Trung Quốc của ông Blinken có thể khiến họ rơi vào tình thế bấp bênh. Phân tích về vấn đề này, ông Lee Seong-hyon, chuyên gia cấp cao về quan hệ Mỹ-Trung nhận định, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã thực hiện chiến lược lấy liên minh làm trung tâm để chống lại Trung Quốc.
“Washington đã không ngừng thuyết phục các nước đồng minh đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi các đồng minh của họ đồng ý tham gia vào chiến dịch đối phó với Trung Quốc, Mỹ đã đột ngột thể hiện những nỗ lực muốn củng cố quan hệ, khiến họ rơi vào tình thế bấp bênh”, ông Lee nhấn mạnh.
Trên thực tế, chuyến thăm của ông Blinken đang là bước khỏi đầu cho rất nhiều nỗ lực của Mỹ trong tương lai. Ông Lee cho biết, để thúc đẩy hai quốc gia cải thiện quan hệ, bên cạnh nỗ lực từ phía Washington và Bắc Kinh, EU và một vài nước khác như Ấn Độ có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình này.
Có thể bạn quan tâm
Lý do Ngoại trưởng Mỹ chưa "hàn gắn" được quan hệ Mỹ - Trung
14:34, 20/06/2023
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?
04:00, 20/06/2023
Mỹ - Trung "bắt tay" nhau trong lĩnh vực AI quân sự
11:01, 15/06/2023
Quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ "ấm" dần
03:30, 13/06/2023
Tín hiệu mới trong quan hệ Mỹ - Trung
03:30, 09/06/2023