Đưa ra khuyến nghị cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt, chuyên gia cho rằng, chuyển từ hệ thống thuế tính theo tỷ lệ % sang hệ thống thuế hỗn hợp là hướng đi phù hợp với xu hướng thế giới...
>> Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá: Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia
Theo thống kê, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ở Việt Nam được áp dụng trên 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ, gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia; xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên… Cách thức đánh thuế TTĐB ở Việt Nam được thực hiện áp theo tỷ lệ % và mỗi hàng hóa, dịch vụ trong diện đánh thuế TTĐB được quy định mức thuế suất khác nhau trong tính thuế TTĐB phải nộp.
Chính sách thuế TTĐB thời gian qua dù được đánh giá đã có nhiều thay đổi với những kết quả tích cực trong việc định hướng sản xuất tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, chính sách thuế TTĐB hiện hành còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, thị trường.
Theo đó, Chính phủ đã đưa ra định hướng cải cách thuế TTĐB từ hệ thống thuế tính theo tỷ lệ % sang hệ thống thuế hỗn hợp (bao gồm thuế tính theo tỷ lệ % và thuế tuyệt đối).
Đặc biệt, trong nhóm ngành đang chịu thuế TTĐB thì ngành thuốc lá được quan tâm nhiều nhất vì đây là ngành không thực hiện theo nguyên tắc tận thu mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã tham gia các cam kết.
Báo cáo mới nhất được công bố bởi Công ty TNHH kiểm toán PwC Việt Nam: “Nghiên cứu về hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)” cho thấy, việc cải cách thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam là cần thiết. Đối với thuốc lá, việc nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) và thuế suất tuyệt đối (tính chung là thuế hỗn hợp) đối với thuốc lá cũng là định hướng mà Chính phủ đã đưa ra trong chiến lược và kế hoạch cải cách hệ thống thuế Việt Nam, phù hợp với xu hướng thế giới đang áp dụng.
>> Hiến kế cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn PwC Việt Nam, trong 3 phương thức đánh thuế TTĐB hiện phổ biến trên thế giới, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối nhiều nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỷ lệ phần trăm (47 quốc gia) xét tại thời điểm năm 2018.
Với cơ cấu thuế tuyệt đối, khoảng cách giá giữa các sản phẩm cao cấp và giá thấp hơn sẽ được thu hẹp hơn, từ đó tạo động lực giảm sử dụng các sản phẩm chất lượng thấp hơn với giá rẻ. Xu hướng này có thể thấy ở 21 quốc gia EU áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp (chi phối bởi thành phần thuế tuyệt đối).
Từ đó, đại diện PwC Việt Nam nêu một số phương án cải cách cơ cấu thuế TTĐB cùng với lộ trình thực hiện trong thời gian ngắn hạn và định hướng dài hạn.
Theo đó, phương án 1 là chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc; phương án 2 là chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đa bậc (ví dụ: 4 bậc). Sau đó thu hẹp dần số bậc để trở thành hệ thống tuyệt đối đơn bậc.
Mỗi phương án nêu trên đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng nhìn chung, đại diện PwC Việt Nam cho rằng, phương án 1 là phương án hợp lý hơn cho Việt Nam. Phương án này cũng phù hợp với định hướng cải cách của Bộ Tài chính và điểm khác biệt chính là thay vì tăng thuế một cách đột ngột, mức tăng thuế được thực hiện dần theo lộ trình để doanh nghiệp và thị trường thích ứng dần dần.
Về lâu dài, đại diện của PwC Việt Nam đề xuất, Việt Nam tiến dần đến một hệ thống thuế tuyệt đối sau 10 hoặc 15 năm. Bởi cơ cấu thuế tuyệt đối là một cơ cấu thuế ưu việt hơn so với cơ cấu thuế hỗn hợp hoặc cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm, vì việc thu thuế sẽ dựa trên sản lượng thuốc lá tiêu thụ. Cơ cấu thuế tuyệt đối cũng giúp tránh được vấn đề chênh lệch giá lớn giữa giá xuất xưởng và giá bán lẻ.
“Trong bối cảnh chung của Việt Nam hiện nay, cần tăng thuế có lộ trình, minh bạch, mức tăng nên cao hơn tỷ lệ lạm phát. Đặc biệt, tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá cần được thực hiện từng bước, với mức độ vừa phải; kế hoạch tăng thuế TTĐB cần phải có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn nhằm đạt được một cách hài hòa mục tiêu Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng, nhưng cũng giúp đảm bảo sự ổn định trong thu ngân sách Nhà nước, hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu, từ đó hỗ trợ chuyển đổi ngành thuốc lá chuyển đổi sang cơ cấu sản phẩm có chất lượng tốt hơn, ít độc hại hơn”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân đề xuất.
Được biết, Chính phủ đã có những chiến lược, mục tiêu tổng thể và kế hoạch đặt ra đối với ngành thuốc lá, được quy định tại Quyết định 508/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/4/2023 về “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” và Quyết định 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính “Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025, cũng như cam kết của Việt Nam thông qua Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Có thể bạn quan tâm
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá: Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia
11:10, 21/12/2022
Cân nhắc miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
03:00, 28/09/2022
Ổn định giá xăng dầu: Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT
04:00, 24/09/2022
Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần lộ trình phù hợp
14:58, 22/09/2022
Hiến kế cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
15:16, 17/08/2022