Đó là quan điểm của các chuyên gia và doanh nghiệp tại Hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?"
>>>Phương án tài chính để chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Văn Sử - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, nên ứng xử với nó như thế nào, phạm vi ở đâu, chiến lược phát triển như thế nào cho phù hợp là câu hỏi của nhiều quốc gia.
Theo ông Đỗ Văn Sử, trong khi chúng ta vẫn phải ăn, mặc, tiêu dùng hàng ngày, vậy xanh hóa bằng cách nào để giảm khí thải nhưng không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Trong kế hoạch quốc gia về hành động hướng tới tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã công bố đã đưa ra 4 nhóm mục tiêu. Thứ nhất là giảm phát thải của toàn bộ nền kinh tế; thứ hai là xanh hóa các ngành; thứ ba là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; thứ tư là xanh hóa quá trình chuyển đổi.
"Trong quá trình thực hiện hướng tới tăng trưởng xanh, có hai chủ thể chính là Nhà nước và các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất. Nhà nước gặp thách thức gì, cần làm gì? Bản thân các doanh nghiệp gặp thách thức khó khăn gì? Việt Nam đã đưa ra bộ chỉ tiêu về đánh giá của tăng trưởng xanh khiến các đối tác quốc tế khá ngạc nhiên do không phải là quốc gia đi đầu nhưng rất tích cực trong quá trình triển khai”, ông Đỗ Văn Sử nhấn mạnh.
TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là từ khóa. Xanh là giấy thông hành để vào thị trường thế giới nên không phải là vấn đề bàn cãi. Xanh không phải là sự lựa chọn mà là vấn đề sống còn. Không xanh là chết.
Tuy nhiên, ông cho rằng, quá trình xanh hóa không thể ngay lập tức, ngủ một đêm dậy hôm sau là xanh ngay. Quan trọng nhất là sự lựa chọn lộ trình thực hiện phù hợp. Nếu lộ trình sai thì mục tiêu tốt đẹp nhưng cũng không đạt được.
Chẳng hạn, việc đàm phán của chúng ta trong các Hiệp định thương mại tự do là để các nước đang phát triển có lộ trình áp dụng các quy chuẩn, chứ không phải áp ngay các tiêu chuẩn của nước phát triển. Vì vậy, lộ trình phát triển xanh phải nằm trong chiến lược phát triển bền vững, cân đối hài hòa với việc sử dụng tài nguyên và giảm phát thải, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
“Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có sự phối hợp liên ngành. Các bộ ngành phối hợp xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển xanh phù hợp, phân loại xanh, tiêu chuẩn định mức đi theo là gì để các địa phương ghi nhận đầu tư, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng theo chuẩn quốc gia đó để thúc đẩy và giám sát đầu tư. Đặc biệt, phải quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh”, TS. Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho biết, đang có một số thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam: Thứ nhất, chuyển từ công nghệ thấp sang công nghệ cao thì phải định hướng chọn công nghệ cao, do các tập đoàn hàng đầu dẫn dắt. Chính sách hiện nay có lối mở nhưng khi thu hút công nghệ cao vào thì lại đặt ra những thách thức về thể chế.
Thứ hai là vốn, vốn đâu để chuyển đổi? Chúng ta đang theo hướng tiếp cận với các quỹ đầu tư, quỹ tài chính lớn trên thế giới, đó là cách giải quyết hiệu quả nhưng không hề dễ dàng.
Thứ ba cũng là thách thức chính từ nội tại - đó là doanh nghiệp Việt quá nhỏ, muốn chuyển đổi rất khó về cả tiềm lực và năng lực. Ngoài ra, hạ tầng, nguồn đất tại các địa phương cũng đang vô cùng hạn hẹp, không còn dư địa cho phát triển mới các khu công nghiệp công nghệ cao.
Về mặt thể chế, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, tiêu chuẩn, tiêu chí là quan trọng hàng đầu. Phải có hệ thống quy chuẩn, tiêu chí thì tăng trưởng xanh mới vận hành được, nếu không Nhà nước sẽ dễ thỏa hiệp hoặc gây rủi ro cho những doanh nghiệp đi trước.
“Chính sách phải rõ ràng, khác thường, không chỉ khuyến khích theo kiểu truyền thống. Đây là thời đại "đi trước ăn to", chúng ta phải khuyến khích làm sao để người ta chấp nhận một chút rủi ro mà sẵn sàng hành động. Rủi ro về mặt hành chính tác động vào thị trường rất cao", TS. Trần Đình Thiên khuyến cáo. Đồng thời, ông cũng khẳng định, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường phải đi.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ cho rằng, câu chuyện kiểm soát phát triển xanh phải là sự phối hợp của 3 đơn vị: Nhà quản lý, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và nhà đầu tư sản xuất trong KCN.
Theo bà, từ lợi thế địa phương, cơ quan quản lý xác định phát triển ngành nghề gì, kêu gọi ngành nghề gì từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải. Nhà đầu tư phát triển KCN là cánh tay nối dài của nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các nhà đầu tư vào sản xuất trong KCN tuân thủ, cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Có thể bạn quan tâm
Phương án tài chính để chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
12:03, 03/12/2023
Thấy gì từ Diễn đàn chuyển đổi xanh của Việt Nam bên lề COP28?
15:04, 02/12/2023
5 cơ hội phát triển của HTX nông nghiệp khi chuyển đổi xanh
00:30, 26/11/2023
Đà Nẵng cần có chiến lược đầu tư cho chuyển đổi xanh
14:22, 23/11/2023
Vai trò dẫn dắt của ngân hàng trong công cuộc chuyển đổi xanh
05:20, 23/11/2023