Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: EVFTA giúp nâng cao nội lực cho kinh tế Việt Nam

ĐỖ HUYỀN 26/09/2020 04:50

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh EVFTA có thể giúp nâng tầm cho kinh tế Việt Nam và làm tăng nội lực cho Việt Nam.

EVFTA được xem là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

EVFTA được xem là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU.

EVFTA được xem là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU.

EVFTA không chỉ là xuất khẩu

Bình luận về cơ hội mà EVFTA đem lại cho Việt Nam, tại Hội thảo Hiệp định EVFTA: Những điều doanh nghiệp cần biết, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: "Thị trường EU quyết định mở cửa cho Việt Nam ở mức độ rất cao với số dòng thuế được giảm tới hơn 90%, có nghĩa là hầu hết các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU đều được giảm thuế. Tốc độ giảm thuế nhanh, thời gian giảm thuế ngày lập tức đã lớn rồi, và sau 7 năm thì tất cả các mặt hàng đều được giảm thuế. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay".

Không chỉ xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được nhập khẩu nhiều dòng máy móc, thiết bị tốt hơn. Liên mình châu Âu là nước tiên tiến nhất trên thế giới với mức độ đầu tư công nghệ cao rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam thì đang khát khao phát triển theo công nghệ 4.0. Do đó, thị trường này vừa là nguồn cũng cấp cũng như bạn hàng đầu tư lớn cho lĩnh vực này. “Nhập khẩu những sản phẩm công nghệ tiên tiến như vậy nó mới nâng được tầm của kinh tế Việt Nam lên và làm cho nền tảng kinh tế chúng ta tốt hơn, làm tăng nội lực cho Việt Nam”, bà Lan cho biết.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng đưa ra lưu ý rằng: “Chúng ta nói nhiều về chỉ tiêu xuất khẩu nhưng quên đi mất 1 mục tiêu vô cùng quan trọng là nhập khẩu. Nói cho cùng, ý nghĩa của xuất khẩu là tạo nguồn ngoại tệ để nhập về những thiết bị cần thiết để nâng khả năng sản xuất của nền kinh tế, chứ không phải nhập về để lại làm xuất khẩu ra ngoài. Điều này không giúp nâng cao nội lực của nền kinh tế”, bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cao cấp.

Nhắc lại bài học với 12 Hiệp định Thương mại tự do trước đây, bà Lan nhấn mạnh mỗi lần ký kết FTA Việt Nam đều kỳ vọng gặt hái nhiều thành công kết quả lại có nhiều hụt hẫng nhất định.

“Với các FTA trong quá khứ, ban đầu chúng ta cũng rất háo hức, rất kỳ vọng nhưng sau đó lại bị hụt hơi khiến những kỳ vọng về FTA vẫn nằm trên giấy. Trước khi tham gia WTO thì xuất khẩu của riêng khu vực FDI chỉ 50% nhưng bây giờ là 70%. Việt Nam vẫn là nước nhập siêu.

Khi chúng ta nhập khẩu quá nhiều từ nước xuất khẩu và chỉ tham gia vào khâu lắp ráp thì bản thân nước xuất khẩu lại là người được hưởng lợi nhiều hơn” bà Lan nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Hiện nay, theo bà Lan chúng ta đang rất háo hức với EVFTA về khả năng đón nhận đầu tư công nghệ, tham gia chuỗi giá trị cung ứng… “Nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị đủ tốt, không có lực, không tạo được lực cho chính mình, sẽ không tiếp nhận được những cơ hội nói trên”, bà Lan nói.

Và yêu cầu nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Theo bà Lan, để tận dụng được những cơ hội từ EVFTA thì Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối doanh nghiệp cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực tế hiện nay, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Không chỉ vậy môi trường kinh doanh, hệ thống thể chế cũng cần nhiều thay đổi để làm yên tâm các nhà đầu tư từ EU và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên để tận dụng cơ hội vượt qua thách thức trong thời gian tới. “Tôi nghĩ điều này là quan trọng lắm, vì nếu chúng ta không cải thiện được hệ thống thể chế của mình, không cải thiện được môi trường kinh doanh thì chúng ta không chỉ không nắm được cơ hội mà còn bị những thách thức dội vào nặng nề hơn”, bà Lan chia sẻ.

Bên cạnh đó cũng cần là phải nâng cao khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp cũng như giữa Việt Nam với các nước khác. Thực tế, hơn 30 năm mở cửa, chúng ta vẫn làm gia công mà không vươn lên được các vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Điều này chứng tỏ năng lực kết nối của Việt Nam còn hạn chế. Do đó, nếu không nâng cao khả năng kết nối, thì doanh nghiệp khó có thể nâng cao vị thế của mình lên. “Và khi thách thức nhiều thì người ta lợi 10, mình chỉ được lợi 1 thôi và cơ hội sẽ trôi đi, các nước khác sẽ chớp mất cơ hội này”, bà Lan cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: EVFTA giúp nâng cao nội lực cho kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO