Khởi nghiệp

Chuyên gia lưu ý các vấn đề startup cần “thuộc lòng”

Tuấn Vỹ 26/04/2025 2:25

Khi bắt đầu bước vào hành trình, các chủ thể, doanh nghiệp khởi nghiệp cần “thuộc lòng” những vấn đề mấu chốt nhằm tránh việc “tiêu hoang” chi phí.

Có thể thấy, hiện nay câu chuyện khởi nghiệp đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong xã hội ở mọi tầng lớp. Tuy nhiên, khởi nghiệp chưa bao giờ là một con đường bằng phẳng, dễ dàng và phần lớn các startup đều đã trải qua các thất bại.

Nguyên nhân dẫn đến việc thất bại đến từ mọi phía, từ kiến thức, kinh nghiệm, kinh phí,... hoặc môi trường khởi nghiệp. Vì vậy, trước khi bước vào hành trình khởi nghiệp các startup cần “thuộc lòng” các vấn đề chính về kỹ năng để có thể đứng vững trên thị trường.

2f99085d6b03d95d8012.jpg
Để sản phẩm khởi nghiệp đứng vững trên thị trường là cả một quá trình đầy gian nan.

Nói về vấn đề này, ông Lê Hùng Anh – Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation Group cho rằng hầu hết vào giai đoạn đầu các chủ thể, doanh nghiệp khởi nghiệp đều sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Vị vày nhấn mạnh rằng, thanh niên khởi nghiệp đừng trông chờ vào tiền “trên trời” rơi xuống mà muốn tồn tại được phải biết lấy ngắn nuôi dài.

“Đặc biệt là khởi nghiệp ở nông thôn luôn khó khăn hơn ở thành thị. Tiếp đến, các startup cần nhấn mạnh vào thế mạnh của sản phẩm, tránh trùng lặp, tạo sự khác biệt so với các sản phẩm tương tự bởi lẽ dù các ý tưởng vừa hình thành trong đầu nhưng ngoài kia cũng đã có sản phẩm triển khai trước”, ông Lê Hùng Anh nói.

Ngoài ra, vị này cũng đề cập đến vấn đề các startup cũng cần phải biết bản thân phù hợp với cái gì, nếu không sẽ tiêu tiền phung phí. Vì vậy, phải có kiến thức để bước vững trên hành trình khởi nghiệp.

“Hiện nay câu chuyện AI đang phát triển rất mạnh, các startup cần tận dụng tốt lĩnh vực này và tích hợp AI vào sản phẩm, từ đó mới có thể phát triển sản phẩm khởi nghiệp. Nếu đã có bước đệm rồi thì chủ thể khởi nghiệp nên bình tĩnh, cần thận trọng cho sản phẩm thứ 2 bởi làm khởi nghiệp thì phải chắc vào 1 sản phẩm và trong túi có bao nhiêu thì làm tới đó. Để làm khởi nghiệp sáng tạo hiện rất khó, đặc biệt là vấn đề về chi phí, do vậy các startup nên cẩn trọng trong hành trình khởi nghiệp”, ông Lê Hùng Anh đưa ra lời khuyên.

Để sản phẩm khởi nghiệp mở rộng được thị trường, Th.S Phạm Trần Hồng Diễm – CEO dự án giáo dục TheCây lưu ý các startup khi phát triển sản phẩm cần chú trọng vào khâu marketing. Cụ thể, cần phối hợp đa kênh giữa truyền thống và hiện đại, đặc biệt là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào việc quảng bá sản phẩm.

Theo Th.S Diễm, dù là doanh nghiệp nhỏ thì cũng cần tiếp thị đa kênh, xây dựng gian hàng trực tuyến, phải tương tác, giao tiếp với khách hàng để có thể mở rộng thị trường cho sản phẩm. Với câu chuyện công nghệ phát triển như hiện nay, chủ thể khởi nghiệp cũng không cần phải đầu tư cửa hàng thực tế, khi sản xuất sản xong có thể bán trực tuyến (online), hiện nay lĩnh vực này đang là thế mạnh.

“Đặc biệt, với câu chuyện tiếp thị các startup phải chấp nhận tốn chi phí, nếu không rất khó tiếp cận đến khách hàng. Để bán hàng được trên nền tảng số, sản phẩm khởi nghiệp cần hội đủ các yếu tố về Nhận biết – Tương tác – Tác động - Ủng hộ. Và với việc AI phát triển mạnh như hiện nay, nếu startup biết cách tận dụng thì AI sẽ là công cụ đắc lực giúp tối ưu công việc”, Th.S Diễm nói thêm.

img_4231.jpg
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, sản phẩm khởi nghiệp cần gắn với hàm lượng tri thức để tạo sự khác biệt, đột phá.

Một vấn đề khác, TS. Trần Vũ Lê – Giám đốc điều hành Công ty Lê Trần cho lời khuyên rằng trước khi các startup bắt đầu kinh doanh thì cần tính toán đến phương án sản xuất, chiến lược kinh doanh và tính toán về giá. Đầu tiên, vị này đề xuất startup cần phải đảm bảo về nguồn vốn.

Tiếp đến, TS. Trần Vũ Lê cho rằng trong bối cảnh hiện nay sản phẩm khởi nghiệp cần được chú trọng yếu tố công nghệ. Và trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường, các startup cần triển khai “công thức thương mại” để tăng độ nhận diện.

“Sau đó mới bắt đầu hành trình khởi nghiệp, khi sản phẩm đưa ra thị trường thì đã được nhận diện, đã có khách hàng. Hơn nữa, chiến lược khởi nghiệp là phải nắm bắt được lợi thế của sản phẩm, nếu không rõ thì rất dễ dẫn đến thất bại”, TS. Lê nói.

Từ đây, vị này đưa ra lời khuyên rằng các startup cần có sự am hiểu nhất định về doanh thu, đầu vào, sản xuất, đầu ra,... Nếu không vững, các sản phẩm khởi nghiệp sẽ rất khó đứng vững trên thị trường.

“Đặc biệt, bản thân người khởi nghiệp cũng phải nắm rõ kiến thức về quản trị dòng tiền và chuyên môn để tránh tình trạng “tức vốn”, nghĩa là sẽ sụp đổ đột ngột”, TS. Trần Vũ Lê nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyên gia lưu ý các vấn đề startup cần “thuộc lòng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO