Nguyên nhân tạo ra kết dư và nới rộng khoảng cách tồn quỹ là do mức thu và chi từ quỹ bảo hiểm vẫn như cũ, trong khi mức lương của người lao động đã thay đổi.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bình luận về tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết năm 2020 ước đạt trên 935.100 tỷ đồng.
Việc này cần phải được xem lại, liệu mức đóng quỹ đã đảm bảo hay chưa, có phù hợp với tổng số lương mà người lao động phải đóng góp hay không.
“Đơn cử, trước đây tiền lương bình quân của người lao động khoảng 5 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm ví dụ là 10%. Tuy nhiên, bình quân mức lương người lao động hiện nay có thể được nâng lên 15 triệu đồng/tháng, nhưng bảo hiểm vẫn thu 10% thì người lao động sẽ phải đóng nhiều hơn, trong khi mức chi trả vẫn như cũ thì người lao động lại được hưởng ít hơn. Đây là nguyên nhân tạo ra kết dư và nới rộng khoảng cách tồn quỹ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Bên cạnh đó là tỉ lệ chi trả bảo hiểm. Như Quỹ Ốm đau, thai sản, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, Quỹ Hưu trí, tử tuất... mức chi trả đã hợp lý và chính đáng hay chưa. Ví dụ, trong các loại bảo hiểm, chi trả kém nhất là bảo hiểm xe máy.
Trước đây phải đóng mấy trăm nghìn nhưng người dùng không mua, thì nay ngoài vỉa hè lại sẵn sàng bán với giá 20.000 đồng/năm. Vì người mua có tâm lý thứ nhất là giá rẻ, thứ hai để đối phó với cảnh sát giao thông. Nhưng nếu xảy ra tai nạn mà mong được hưởng bảo hiểm thì khó ngang “lên trời”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc đặt ra câu hỏi về kết dư lớn là rất chính xác, vì qua đây sẽ buộc cơ quan bảo hiểm phải thường xuyên xem xét và tính toán lại mức đóng góp cho từng loại bảo hiểm phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh của người dân, cũng như mức mà người lao động được hưởng nếu không may xảy ra khó khăn hay gặp rủi ro.
Theo quan điểm của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, ngành bảo hiểm cần có những chuyên đề nghiên cứu thật sâu sắc về vấn đề này. Với đóng góp trong bảo hiểm xã hội, hiện vẫn chưa đủ ở mức bình quân như các nước có thu nhập trung bình của thế giới.
Nhưng chi tiêu của các quỹ bảo hiểm hiện nay còn quá ít so với đóng góp mà người lao động bỏ ra. Ngoài việc thủ tục chặt chẽ thì mức thụ hưởng vẫn còn thấp, chưa tương xứng với mức đóng của người lao động.
Ngoài ra, điều chúng ta hay nhắc đến nhiều là việc chi cho đào tạo lại lao động. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bảo hiểm thất nghiệp, vì muốn cho người lao động không bị thất nghiệp thì điều cần nhất là người lao động phải luôn được đào tạo, nâng cao tay nghề để đáp ứng cho yêu cầu đổi mới sản xuất cũng như dây chuyền công nghệ mới tại doanh nghiệp.
Nhưng khi người lao động bị mất việc thì việc chú ý đến khâu đào tạo lại thấp, do đó số người được hỗ trợ đào tạo lại tay nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, vị trí công tác rất ít. Đây là điểm yếu của bảo hiểm thất nghiệp.
Dù vậy, cũng phải ghi nhận là về mặt chính sách, từ ngày 15/5/2021, khi Quyết định 17/2021/QĐ-TTg chính thức có hiệu lực, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã tăng. Vấn đề theo đó nằm ở việc chi trả hỗ trợ học nghề cho người lao động từ bảo hiểm thất nghiệp trong thực tế.
Còn với bảo hiểm hưu trí, chuyên gia cho rằng cũng có những lo lắng, nếu không có cải cách phù hợp thì trong thời gian tới quỹ lương hưu này sẽ ngày càng ‘teo tóp” đi và khó có thể đảm bảo việc trả lương cho người lao động khi nghỉ hưu.
Đánh giá về vấn đề này, theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), kết dư lớn có thể do cách xử lý của bên bảo hiểm quá chặt chẽ. Ví dụ, xử lý bảo hiểm cho ô tô khi bị tai nạn nhưng do nghi ngờ những việc liên quan đến vụ tai nạn còn nhiều điều bất hợp lý, không đúng theo tiêu chuẩn của bảo hiểm dẫn đến không thể làm thủ tục thanh toán bảo hiểm nên từ đó tạo ra số dư.
Như vậy, nguyên nhân kết dư lớn không phải do mức đóng bảo hiểm cao, mà nằm ở khâu chi trả bảo hiểm. Việc kết dư bảo hiểm lớn, trong khi những vấn đề trong xã hội vẫn tồn tại và xảy ra rất nhiều và hiện hữu, như thất nghiệp, ốm đau, tai nạn... cần sự hỗ trợ của bảo hiểm nhưng lại không chi trả được cho những trường hợp này, đang gây ra những bất cập làm giảm giá trị thực sự của bảo hiểm đối với công tác an sinh xã hội.
“Nguyên tắc bảo hiểm là phòng ngừa rủi ro, nhưng khi người đóng gặp rủi ro thì bảo hiểm lại chưa căn cứ đúng chế độ chi trả, bù đắp cho người đóng bảo hiểm mà lại để kết dư lớn. Vấn đề này phải được quy trách nhiệm, có chế tài xử lý nghiêm”, PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ.
Không đồng tình với đề xuất dùng số kết dư để chi cho một số mục đích, ví dụ mua vaccine phòng COVID-19, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, quỹ vaccine hiện nay đã có và tương đối đầy đủ. Còn số dư trong bảo hiểm là đề phòng ngừa bất trắc có thể xảy ra, do đó số tiền này phải được chi trả đúng mục đích cho người đóng bảo hiểm.
“Thời điểm này ngoài vaccine còn có cả vấn đề an sinh xã hội, như thu nhập của người lao động giảm sút, mất công ăn việc làm, tai nạn nghề nghiệp... thì quỹ bảo hiểm phải dùng để chi cho những việc đó”, PGS.TS NgôTrí Long nhấn mạnh
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định không thể dùng quỹ này chi cho mục đích khác ngoài mục đích quỹ như có kiến nghị vừa qua. Vì người lao động đóng để hưởng lương hưu thì phải đảm bảo cho đến khi hết khả năng lao động cho đến khi qua đời vẫn được hưởng lương hưu đó. Hay với bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đóng để phòng khi rủi ro mất việc thì không thể dùng để chi trả cho những người không đóng.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp đến nay ước đạt trên 935.100 tỷ đồng; trong đó ba quỹ thành phần kết dư chuyển sang năm 2021 lần lượt là: Quỹ Ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng; Quỹ Hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỷ đồng. Riêng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hơn 89.100 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm