Sự hiện diện “lãnh thổ di động” tại Biển Đông đồng nghĩa với việc Trung Quốc phát đi thông điệp “sẵn sàng độc quyền khai thác tài nguyên biển ở Biển Đông”.
Ngay từ ngày 18/1/2021, Đài truyền hình CGTV đưa tin Trung Quốc dự kiến kéo một giàn khai thác dầu nước sâu nửa nổi nửa chìm ra Biển Đông vào tháng 6. Đây là loại giàn khai thác dầu khí đầu tiên được đóng tại Trung Quốc và là dự án của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) - một thực thể trong danh sách đen của Mỹ với cáo buộc tiếp tay cho Bắc Kinh dọa dẫm các nước láng giềng ở Biển Đông.
Trước đó mấy ngày (14/1/2021), CNOOC đã bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thêm một loạt biện pháp trừng phạt cấm vận. Giàn khai thác này được bàn giao giữa tháng 1/2021 tại thành phố Yên Đài thuộc tỉnh Sơn Đông, sau đó trải qua chuyến hành trình dài hơn 1.600 hải lý trong 18 ngày để tới đảo Hải Nam.
Giàn khai thác này đã được đưa tới Hải Nam thành công và neo xa bờ hồi tháng 2. Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn thông tin từ CNOOC cho biết hôm 29/5 họ đã hoàn tất việc lắp đặt giàn khai thác "Biển sâu số 1" và sẽ kéo nó ra Biển Đông để khai thác khí tự nhiên đúng như các tin đã đưa trước đó.
Theo các mô tả, diện tích mặt sàn trên giàn khai thác này lớn bằng 2 sân bóng đá tiêu chuẩn, phần thân chính của nó có trọng lượng hơn 100.000 tấn, tương đương 3 tàu sân bay cỡ trung và có tuổi thọ 150 năm.
Theo Giám đốc dự án You Xuegang của CNOOC, đây là giàn khai thác biển đầu tiên trên thế giới có thể trữ tối đa 20.000 m3 dầu trong 10 ngày, cho phép các tàu có thêm thời gian vận chuyển dầu về đất liền, và hiện cũng là giàn khai thác biển nặng nhất của Trung Quốc.
CNOOC sẽ sử dụng giàn khai thác biển này để khai thác mỏ khí “Biển sâu số 1” được phát hiện vào tháng 8/2014 ở khu vực Lăng Thủy, cách đảo Hải Nam khoảng 150km (khoảng 100 hải lý) về phía đông nam, với độ sâu tối đa 1.500 mét.
Cụ thể, khu vực biển này gồm có các lô dầu khí Lăng Thủy 17-2, Lăng Thủy 25-1, Lăng Thủy 18-1 và Lăng Thủy 18-2, và dự kiến nó cung cấp hơn 3 tỷ mét khối khí tự nhiên/năm cho Quảng Đông, Hải Nam, Hong Kong.
Theo tờ China Daily, giàn khai thác "Biển sâu số 1" đại diện cho bước đột phá lớn của Trung Quốc trong việc khai thác mỏ dầu, mỏ khí nước sâu và trong việc phát triển thiết bị kỹ thuật nước sâu xa bờ.
Cần nhắc lại rằng, khu vực biển Lăng Thủy này cũng nằm trong vùng chồng lấn gây tranh cãi. Ngay từ năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 ở vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì chính ông Vương Dĩ Lâm (Wang Yilin) - Chủ tịch CNOOC đã từng úp mở nói: “Những giàn khoan biển sâu cỡ lớn là lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược của chúng tôi trong việc xúc tiến phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ xa bờ”.
Và bây giờ, sự hiện diện của “lãnh thổ di động” như vậy tại Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã phát đi thông điệp: sẵn sàng độc quyền khai thác tài nguyên biển ở Biển Đông.
Từ đó, Trung Quốc dồn dập chế tạo hàng loạt giàn khoan biển khủng và đã mập mờ cho đi “chốt” ở các vị trí biển có thể định hình “tọa độ” cho không gian “Đường chín đoạn” (Đường lưỡi bò) phi lý trên Biển Đông.
Việc triển khai các giàn khoan biển, vì thế, có vẻ như là một kịch bản Bắc Kinh sử dụng trong cách tiếp cận “Vùng xám” ở Biển Đông để ngụy tạo cho ý đồ xâm lấn chủ quyền các nước láng giềng một cách yên bình, “không tiếng súng”.
Lập lại lần này, Trung Quốc không thể che đậy được ý đồ phô trương sức mạnh, hướng tới “độc quyền khai thác tài nguyên” trước khi “độc chiếm Biển Đông” mà họ đã định vị bằng đường lưỡi bò phi lý.
Các thách thức về an ninh khu vực Biển Đông liên quan đến giàn khoan khai thác này sẽ có thể làm gia tăng căng thẳng, khiến cho tình hình Biển Đông lại một lần nữa rơi vào thế bất ổn.
Có thể nói, Trung Quốc là một nước lớn nhìn cả từ cấp độ phát triển, cả về dân số và là một cường quyền chính trị, kéo theo là nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, lương thực, thực phẩm và năng lượng,... của họ đều đứng đầu thế giới. Trong kỷ nguyên của hội nhập quốc tế với việc gia tăng sử dụng công nghệ cao thì nhu cầu về năng lượng lại ngày càng lớn.
Vì thế, Trung Quốc đã hình thành chiến lược để giải quyết vấn đề này từ rất lâu và chưa bao giờ có ý định lùi bước trước cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu kéo dài.
Thậm chí, Trung Quốc còn tận dụng các cơ hội và giải pháp thúc đẩy hơn nữa miễn sao giành được nhiều nguồn năng lượng về mình, mà giải pháp chính là tiếp cận các nguồn tài nguyên để “hợp lý hóa” tham vọng đơn phương về chủ quyền biển, đảo.
Có lẽ, Biển Đông là một mặt trận để Trung Quốc thực hiện ý đồ đó trong khuôn khổ của mục tiêu “kép”: tiếp cận tài nguyên biển và mở rộng tham vọng chủ quyền biển đảo. Cho nên, động thái tuyên bố sẽ chính thức đưa giàn khai thác "Biển Sâu số 1" đi vào hoạt động ngoài Biển Đông từ tháng 6/2021 của CNOOC lần này cũng không nằm ngoài ý đồ chiến lược bao trùm nói trên.
Trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, ông Lucio Blanco Pitlo III thuộc Tổ chức Asia Pacific Pathways to Progress Foundation (Philippines) nhận xét: “Giàn khai thác mới có thể giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên ở Biển Đông”.
Trong khi, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thì thẳng thăn cho rằng CNOOC đang "thay mặt quân đội Trung Quốc thực hiện hành động bắt nạt để dọa dẫm các nước láng giềng".
Chắc mọi người đều nhớ, trước đây các tàu hải cảnh Trung Quốc từng đi theo giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) của CNOOC xâm phạm chủ quyền Việt Nam năm 2014 và hộ tống tàu khảo sát Địa chất Hải Dương (HD-8) xâm phạm chủ quyền, thềm lục địa Việt Nam năm 2019.
Các nhà quan sát phương Tây cho rằng, việc hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” (Chinese Dream) sẽ là những “thách thức” cho các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khu vực Biển Đông, ý đồ và mục tiêu cuối cùng của giấc mơ này sẽ luôn là:“độc quyền khai thác các nguồn tài nguyên, tiến tới độc chiếm Biển Đông”.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh vẫn theo đuổi chính sách “gác lại tranh chấp và cùng nhau phát triển” tại những khu vực Trung Quốc có yêu sách chủ quyền, đồng thời thúc đẩy hợp tác hữu nghị và đôi bên cùng có lợi.
Đây là điều khiến các quốc gia láng giềng trong khu vực biển quan trọng này phải cân nhắc kỹ, tỉnh táo trước khi quyết định. Dù lặp đi lặp lại các giàn khoan khai thác lớn hoạt động ở những khu vưc khác nhau ở Biển Đông, nhưng tất cả các nước cờ trên đều phục vụ cho mục đích kép: "biến không thành có" và “tạo sự đã rồi” để cuối cùng là hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông.
Đồng thời để chứng minh khả năng quản lý thực tế không gian đường lưỡi bò phi lý này, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt hoạt động giả danh “dân sự” như nói trên, trong đó có các giàn khoan biển. Về bản chất, đây là vấn đề chủ quyền được ngụy tạo khéo léo dưới dạng các hoạt động kinh tế.
Trong thực tế, Trung Quốc đã chuẩn bị kịch bản cho một “chiến lược hướng nam” ở Biển Đông bằng các bước đi cụ thể hòng độc quyền khai thác tài nguyên, tiến tới độc chiếm khu vực biển quan trọng này như nói trên.
Bắc Kinh đã đơn phương thực hiện các bước đi chiến lược, có thể tóm gọn, như: “Pháp lý hóa Biển Đông” bằng cách công bố “đường lưỡi bò” phi lý ra Liên hiệp quốc (2009); “Hành chính hóa/Dân sự hóa” Biển Đông bằng việc công bố cái gọi là “thành phố Tam Sa” (2012), và yêu sách “Tứ Sa” (2017); “Quân sự hóa” (2016) Biển Đông trên nền tảng các đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên các bãi cạn rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Phục vụ triển khai các bước đi chiến lược đó, Trung Quốc đã chuẩn bị rất tốt các giải pháp công nghệ tương ứng, và thực tế họ đã dùng công nghệ can thiệp xử lý kỹ thuật thành công đối với các trường hợp mà trước đây dự báo là không dễ dàng...
Như một hậu quả tất yếu, Biển Đông đang rơi vào xu thế bị “Quốc tế hóa” với sự can dự ngày càng sâu của Mỹ và đồng minh. Biển Đông hôm nay cũng trở thành nút giao gặp gỡ và là nơi thử nghiệm của các sáng kiến chiến lược toàn cầu như: Sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc và Sáng kiến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do” của Mỹ.
Kéo theo, đối đầu giữa các cường quyền chính trị nước lớn ở Biển Đông cũng gia tăng rõ rệt, chủ yếu là giữa Trung Quốc và Mỹ, trong khi lợi ích tử khu vực biển này “đan xen” phức tạp.
Dĩ nhiên, các bước đi chiến lược nói trên của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các quốc gia trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam và cả các quốc gia liên quan ngoài khu vực.
Vì cùng với bán đảo Đông Dương, Biển Đông chiếm vi trí chiến lược “đắc địa”, có lợi thế địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Không có quốc gia nào chấp nhận trước những điều vô lý, trái với thông lệ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS-1982), và cũng không có quốc gia nào nhượng bộ về chủ quyền quốc gia, dân tộc. Dù luôn theo đuổi các giải pháp hòa bình, nhưng không ai bỏ mất các quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia mình.
Hơn lúc nào hết, các quốc gia trong khu vực phải duy trì nhận thức chung, đặc biệt là các cường quyền chính trị nước lớn phải kiềm chế, thể hiện thiện chí, trách nhiệm và biết tôn trọng các quốc gia khác, tôn trọng luật pháp quốc tế để cùng nhau xây dựng lòng tin chiến lược.
Lúc này cần sự đoàn kết giữa các nước trong khu vực, nhất là trong ASEAN để khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, bao gồm Biển Đông. Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động có những đóng góp quan trọng trong giải quyết các thách thức trong khu vực Biển Đông, trong đó có những thách thức an ninh.
Chúng ta cũng đã chứng minh được với bạn bè quốc tế về cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình và giải quyết nhiều vấn đề trên biển cả ở cấp độ đa phương và song phương.
Việt Nam có quyền tự hào về những đóng góp của mình cho nền hòa bình khu vực, cho sự thịnh vượng của đất nước và cho cuộc sống yên bình của nhân dân, đặc biệt trong chống lại đại dịch COVID-19, bảo đảm mục tiêu kép.
Việt Nam xác định lợi ích quốc gia, dân tộc luôn là điều tối thượng. Trước sau như một, người Việt luôn thủy chung với bạn bè, hữu nghị với láng giềng; kiên trì, kiên định và tin tưởng vào đường lối đối ngoại và tiếp cận giải quyết hòa bình các vấn đề trên biển liên quan, nhưng kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tự cường dân tộc, độc lập tự chủ, đa phương hóa quan hệ ngoại giao, khôn khéo, linh hoạt trong từng trường hợp sẽ vẫn là những bài học giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức. Lần này cũng sẽ vậy.
(*) PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) viết riêng cho Diễn đàn Doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam đề nghị sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
13:05, 16/06/2021
Mỹ và đồng minh tăng cường kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông
07:00, 13/06/2021
Trung Quốc kéo giàn khai thác khổng lồ ra Biển Đông: Các nước trong khu vực cần làm gì?
05:00, 10/06/2021
Trung Quốc “thị uy quân sự” với nước láng giềng trên Biển Đông
10:37, 09/06/2021
COVID-19 và Biển Đông làm nóng Hội nghị ASEAN - Trung Quốc
06:00, 09/06/2021