Chuyển hướng thu hút FDI: Ưu đãi dựa trên hiệu quả đầu tư thay vì lợi nhuận?

Ngọc Hà 25/04/2018 13:41

Làm thế nào để doanh nghiệp FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước như kỳ vọng là câu chuyện đang còn nhiều trăn trở.

Thống kê thu ngân sách từ doanh nghiệp FDI vào năm 2016

Thu ngân sách từ doanh nghiệp FDI vào năm 2016 chiếm 14,85% tổng thu ngân sách của Việt Nam theo số liệu chưa chính thức từ Tổng Cục Thống kê.

Lý do câu chuyện đóng góp của khu vực FDI vào ngân sách chưa bao giờ hết “hot” đó là  theo Bộ Tài chính, thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 đã vượt 5,9% so với dự toán, tương đương mức vượt 71 ngàn tỷ đồng/1.283,2 ngàn tỷ đồng tổng số thu ngân sách năm 2017 và con số này chủ yếu đến từ nguồn thu nội địa, nghĩa là mức đóng góp của khối FDI vào ngân sách nhà nước còn thấp.

Khoảng cách lớn giữa thu và nộp

Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2016 các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tạo ra hơn 327.400 tỷ đồng lợi nhuận, tăng bình quân 17,3% trong giai đoạn 2010 - 2016. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp FDI này chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 250.900 tỷ đồng năm 2016.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 197.400 tỷ đồng lợi nhuận chỉ tính riêng năm 2016, nhưng bình quân 5 năm qua lại góp vào ngân sách tới 434.700 tỷ.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại đang tồn tại “tỷ lệ nghịch” lớn giữa lợi nhuận tạo ra và mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của khu vực FDI? Theo đó, một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là các doanh nghiệp FDI được ưu đãi đặc biệt là về thuế.

Nhằm được hưởng ưu đãi về thuế, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu, các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam đều đăng ký ngành nghề sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao. Ví dụ như trường hợp Samsung Thái Nguyên và Samsung Bắc Ninh, thuế thu nhập doanh nghiệp của hai đơn vị này đóng trong 30 năm đầu tiên hoạt động chỉ khoảng 10% trong đó 4 năm đầu được miễn thuế hoàn toàn, 9 năm tiếp theo chỉ phải đóng 50%...Đó là chưa kể những chính sách ưu đãi đặc thù khác tuỳ từng địa phương.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác được chỉ ra khiến cho mức chênh giữa doanh thu và đóng góp chi ngân sách Việt Nam của doanh nghiệp FDI đang có sự chênh lệch lớn đó là các hiện tượng chuyển giá, trốn thuế VAT, khai thấp lợi nhuận để trốn thuế doanh nghiệp của một bộ phận doanh nghiệp FDI cũng đã được chỉ ra.

Phải thay đổi ưu đãi đầu tư

Theo các chuyên gia quốc tế, hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào chính sách miễn thuế có thời hạn, miễn thuế có thời hạn một phần cũng như các chế độ thuế suất ưu đãi và miễn thuế nhập khẩu để thu hút đầu tư FDI.

Theo các chuyên gia, cơ chế ưu đãi này mặc dù đã tạo thuận lợi cho hoạt động “đầu tư thế hệ một”. Theo đó, nhiều nhà đầu tư FDI cho biết, chính sách ưu đãi và chi phí nhân công thấp là những lý do chính để nhà đầu tư FDI đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ chế này chưa phải là phù hợp để Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI mang tính đổi mới sang tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến, đòi hỏi lao động có tay nghề cao, có thu nhập cao hơn và thúc đẩy đổi mới và năng lực kinh doanh.

Chính vì vậy, theo khuyến nghị từ dự thảo chiến lược thu hút FDI thế hệ mới đó là cần phải thay thế chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần cần tiếp tục nghiên cứu sâu và thực hiện các phân tích chi phí - lợi ích để cải tổ hiệu quả khung chính sách ưu đãi căn cứ trên các tiêu chí chặt chẽ về bổ sung giá trị và tương xứng giữa giá trị và chi phí.

Ngoài ra, các khuyến nghị từ Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, Việt Nam nên xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại và tái thiết lập sự cân bằng giữa các chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận với ưu đãi dựa trên hiệu quả đầu tư. Theo đó cần chuyển tương ứng các quy định về ưu đãi từ Luật Đầu tư sang Luật Thuế và Luật Hải quan, với sự hỗ trợ của một hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển hướng thu hút FDI: Ưu đãi dựa trên hiệu quả đầu tư thay vì lợi nhuận?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO