Cứ đến gần Tết Nguyên đán người ta lại lôi chuyện lương thưởng ra bàn tán. Nó khiến cho chuyện thưởng Tết luôn là chủ đề “nóng” vào dịp cuối năm.
>>Vui - buồn chuyện thưởng Tết cho người lao động
Sau một năm đầy biến động vì dịch, người lao động Việt Nam đang trải qua năm khó khăn nhất do COVID-19. Người dân càng mong muốn được trở về chốn bình yên, nơi có gia đình, có người thân, bởi “chim có tổ, người có tông”, để được vứt bỏ hết mọi lo toan thường nhật, nỗi lo dịch bệnh, đón một năm mới với bình an và hy vọng.
Với truyền thống của người dân Việt Nam, Tết là dịp để nhà nhà, người người đoàn viên, sum họp. Cũng như tâm lý chung từ xưa đến nay, làm việc quần quật cả năm thì cũng mong cuối năm có được một khoản để mua sắm Tết. Đó là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng của người dân.
Có thể thấy, thưởng Tết như là một điều kiện tất yếu để động viên người lao động và giữ chân họ gắn bó lâu dài, giúp người lao động tích cực, hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, với việc dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, năm nay thưởng Tết chắc chắn sẽ khó khăn hơn so với các năm trước.
Chẳng hạn, theo kết quả khảo sát lương thưởng của Sở LĐ-TB&XH TPHCM đối với 1.012 doanh nghiệp đang sử dụng 174.882 lao động cũng cho thấy, tiền thưởng bình quân dịp Tết Dương lịch của người lao động là hơn 4 triệu đồng/người, cao hơn 20 % so với năm ngoái. Tiền thưởng bình quân Tết Nguyên đán Nhâm Dần là 8,8 triệu đồng/ người, cao hơn 0,8% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Tất nhiên, mức bình quân nói trên vẫn chưa phải là đại chúng. Vẫn có những ngành nghề, những doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nên người lao động thuộc nhóm này không mong có thưởng Tết.
Để khách quan hơn, xin dẫn ra một con số thống kê mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố, mọi chỉ số về lao động và thu nhập đều giảm. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm gần 792 nghìn người so với năm trước. Số lao động có việc làm phi chính thức và chính thức giảm gần 1,1 triệu người. Hơn 1,4 triệu người thiếu việc làm trong năm 2021, tăng 371 nghìn người so với năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2021 là 5,7 triệu đồng. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,6 triệu đồng, và của lao động nữ 4,7 triệu đồng. Thu nhập giảm đồng loạt 20% - 30% do COVID-19. Số tiền có thể mang về biếu bố mẹ sẽ hụt đi. Chưa kể, hơn 1,4 triệu người thất nghiệp thì sao?
>>Đà Nẵng: Doanh nghiệp trăn trở chuyện thưởng Tết
Câu chuyện không mấy vui ở đây đó là: Với bức tranh việc làm khó khăn, trừ một số ngành hưởng lợi do đại dịch, năm nay, mỗi người về quê ăn Tết có mang được nhiều tiền về cho bố mẹ hay không? Có tiền sắm Tết hay không?
Để trả lời cho câu hỏi đó, có lẽ chúng ta cũng thự ngẫm một chút là, thời điểm khó khăn này, cố gắng duy trì việc làm, có tiền trả lương cho mọi nhân viên đã là cố gắng của các công ty, doanh nghiệp. Do đó, người lao động cũng cần có sự chia sẻ với khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải lúc này.
Nói cách khác, giữa thời buổi mất việc, thất nghiệp, mất nguồn thu do COVID-19, nhiều người chỉ mong dịch bệnh đừng bùng phát trở lại để an tâm làm việc. Để tìm được việc mới và có thu nhập hàng tháng đã là điều may mắn chứ không dám mong tới thưởng Tết cuối năm nay.
Thế mới nói, ở vào hoàn cảnh nào thì thích nghi hoàn cảnh đó, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nếu đợi “sống bằng lương, giàu bằng thưởng” thì chắc xã hội này khối người bỏ nghề bỏ việc rồi.
Và thưởng Tết không phải là thước đo duy nhất, quan trọng là doanh nghiệp đối xử với người lao động thế nào trong quá trình làm việc. Có những doanh nghiệp, suốt thời gian giãn cách xã hội, không hoạt động nhưng vẫn có những khoản phụ cấp hỗ trợ người lao động vượt qua mùa dịch.
Hãy nhớ, Tết này, bạn có biếu ông bà, bố mẹ năm trăm ngàn hay một triệu cũng là rất quý, đủ để họ thấy con cháu mình đã phương trưởng, và đang đứng vững trong đại dịch.
Ấy cũng là một phần thưởng vậy!
Có thể bạn quan tâm
05:00, 22/12/2021
11:28, 13/12/2021
05:00, 02/01/2021