Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, thói quen mua sắm của người tiêu dùng dần chuyển từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến.
Khi ấy, doanh nghiệp bán lẻ bắt đầu chú ý và tập trung nhân lực nhiều hơn vào thương mại điện tử. Trong quá trình chuyển đổi này, trải nghiệm khách hàng là một trong các yếu tố quan trọng nhất.
Khi mua sắm tại cửa hàng, khách hàng sẽ được trao đổi trực tiếp với nhân viên tư vấn, được sờ tận tay, thấy tận mắt các kiểu dáng, mẫu mã, loại hình hàng hóa, từ đó giúp quá trình mua hàng diễn ra thuận lợi và chính xác hơn. Làm thế nào để giữ nguyên những trải nghiệm mua sắm này khi chuyển đổi từ kinh doanh trực tiếp sang thương mại điện tử? Đó là thách thức đặt ra dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các thương hiệu cao cấp và xa xỉ.
Ngược lại, với những nhà bán lẻ đại trà, làm thế nào để chuyển đổi lượng khách hàng thực tế khổng lồ sang trực tuyến mà vẫn giữ được nhu cầu mua sắm chính là bài toán khó.
Không chỉ đòi hỏi giữ lại các trải nghiệm này, giờ đây người tiêu dùng còn mong muốn mua hàng một cách thuận lợi, phù hợp với bản thân và chứa đựng giá trị thực tế. Điều đó càng thôi thúc các nhà bán lẻ chuyển đổi mô hình kinh doanh và đầu tư vào công nghệ để thực hiện những chuyển đổi này.
Trong hoàn cảnh ấy, các doanh nghiệp startup công nghệ ra đời với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề trong quá trình chuyển đổi từ kinh doanh trực tiếp sang thương mại điện tử. Và đây là 4 cái tên tiêu biểu:
Stylyze
Stlyze là nền tảng dịch vụ mua sắm đặc thù cho các ngành chăm sóc da, làm đẹp, thời trang và gia dụng. Nền tảng này tái tạo tất cả ưu điểm của mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, từ đó thúc đẩy doanh số cho các khách hàng doanh nghiệp. Dịch vụ nổi bật của Stylyze bao gồm Neiman Marcus, Target, và Home Depot.
Trong giai đoạn giữa của kỳ cách ly COVID-19 đầu tiên, Stylyze cho ra mắt ứng dụng Neiman Marcus Connect, giúp mang lại doanh số 60 triệu USD trong 90 ngày đầu cho doanh nghiệp khách hàng, góp phần giúp doanh nghiệp thoát khỏi bờ vực phá sản.
Vậy trong Neiman Marcus Connect có gì? Ứng dụng này cung cấp dữ liệu và các bộ công cụ kỹ thuật số để nhà tạo mẫu và các cửa hàng kết nối với khách hàng, đưa ra những trải nghiệm mua sắm, những lời tư vấn chi tiết cho khách hàng trực tuyến lẫn trực tiếp tại các cửa hàng.
Gần đây, startup này bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực làm đẹp với ứng dụng Target, cho phép đưa ra các gợi ý về sản phẩm và mua sắm vừa đáp ứng xu hướng mua hàng chung vừa phù hợp với sở thích và đặc điểm của từng cá nhân khách hàng.
Nextatlas
“Bắt trend” là một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp bán lẻ, bởi vì nhiều khi bắt đầu chạy theo xu hướng, thì xu hướng lại trở nên lỗi thời. Khi ấy, bên nào nắm bắt thị trường tốt hơn, đoán được xu hướng tốt hơn sẽ trở thành người chiến thắng. Và đây là mục đích mà Nextatlas nhắm tới: giúp các doanh nghiệp “bắt trend”.
Nextatlas thành lập năm 2012 bởi hai anh em Allesio Monera và Luca Morena, trụ sở tại Turin, Ý. Công ty này đã hỗ trợ các doanh nghiệp như Heineken, Lavazza và Nestle trong việc đưa ra những cải tiến trong chiến lược và sản phẩm, với công nghệ theo dõi hơn 400.000 người nổi tiếng, người tạo xu hướng trên toàn cầu và sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích điều gì sẽ thành xu hướng trong tương lai.
Dynamic Yield
Lĩnh vực ẩm thực cũng đang bắt đầu lao vào cuộc chiến công nghệ. Năm ngoái, McDonald’s đã mua lại công ty công nghệ Dynamic Yield với giá 300 triệu USD. Công nghệ của Dynamic Yield cho phép McDonald’s cung cấp những thực đơn kỹ thuật số tại khu drive-thru (mua hàng không cần rời khỏi xe), trong đó đưa ra những gợi ý món ăn dựa vào sở thích khách hàng, thời điểm trong ngày và những món phổ biến.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích các dữ liệu như thời tiết, thời điểm trong ngày, các món xu hướng trong menu để đưa ra các gợi ý phù hợp. Ngoài ra, cửa hàng cũng có thể ngay lập tức thêm vào các món gợi ý mua thêm dựa theo đơn đặt hàng hiện tại của khách hàng.
Công nghệ này nhanh chóng phủ sóng khắp Hoa Kỳ với hơn 9.500 khu drive-thru tích hợp vào tháng 10 năm nay. Ngoài ra, McDonald’s còn lên kế hoạch triển khai ứng dụng điện thoại.
Invertex
Với các nhà bán lẻ, một ứng dụng có thể chụp và phân tích các đặc điểm giải phẫu của khách hàng ở dạng 3D cực kỳ có giá trị, vì họ có thể từ những dữ liệu này để điều chỉnh sản phẩm hiện có, tạo nên những dòng sản phẩm hoàn toàn mới và “đo ni đóng giày” cho khách hàng.
Năm 2018, Nike đã mua lại công ty Invertex (Israel) chuyên về giải pháp công nghệ quét và dựng hình ảnh cho thương mại điện tử. Theo Nike, thương vụ này giúp họ cải thiện các công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt trong thị giác máy tính (computer vision) và trí tuệ nhân tạo, từ đó hỗ trợ tạo nên trải nghiệm người dùng phù hợp ở mọi điểm chạm.
Invertex sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ dựng hình 3D để phân tích bàn chân khách hàng, từ đó đưa ra gợi ý các mẫu giày, kích cỡ giày phù hợp nhất. Nike đã triển khai công nghệ này tại các cửa hàng. Ngoài ra, công nghệ này cũng khả dụng trong mua sắm trực tuyến. Khi ấy, khách hàng sẽ dùng điện thoại thông minh để quét bàn chân thông qua ứng dụng điện thoại, sau đó nhận lại các gợi ý sản phẩm phù hợp.
Có thể bạn quan tâm