Từ 18h tối ngày hôm đó, tất cả mọi đồ đạc, thiết bị, xe cộ trở nên không còn quan trọng, mấy xóm nhà ở rìa làng í ới tiếng "cứu với...cứu với...!"
Suốt 2 ngày 16 và 17/10, bản đồ mây vệ tinh thể hiện một “cục” đỏ lừ như huyết, đó là tầng mây dày hàng cây số, mang lượng mưa khổng lồ vắt qua trên bầu trời Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Mưa đổ xuống từng hạt nặng trĩu như hàng triệu triệu mũi lên xán chan chát xuống mặt đường, mái ngói, rặng re lì lợm qua bom đạn chiến tranh cũng trở nên rũ rượi tan tác.
Từng nhóm vịt lạc bầy kêu nháo nhác dạt dào theo dòng nước, tiếng gà mẹ quang quác kêu con, bọn côn trùng hoảng hốt tìm nơi cao ráo thoát thân. Một quang cảnh 21 năm rồi mới xuất hiện!
Sáng ngày 17, mưa càng mạnh thêm như ông Trời oán hận ai dưới trần gian, phía thượng nguồn cách đó vài chục cây số những đập nước bắt đầu xả cửa, dòng nước đỏ ngầu xâm nhập mọi ngóc ngách, thấm đẫm đến tâm can.
Giữa trưa cùng ngày, bà con cấp tập dọn dẹp, kê cao đồ đạc thêm vài chục cm, tưởng chừng như thế đã an toàn, nhưng tất cả đã bất lực sau đó ít giờ đồng hồ…
Từ 18h tối ngày hôm đó, tất cả mọi đồ đạc, thiết bị, xe cộ trở nên không còn quan trọng, mấy xóm nhà ở rìa làng í ới tiếng kêu cứu, có gia đình 4 người đang bám song cửa sổ, có nơi 5 người mắc kẹt trong nhà vì đường ngập quá sâu, điện thoại rung lên bần bật liên hồi trong khi điện đã cắt!
Nơi này có ca chuyển dạ cần cano, xuồng máy, chỗ kia cần phương tiện đưa người thân đi chạy thận,…những dòng trạng thái ngắn, gấp bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội, ứa nước mắt, nước lũ lạnh dưới chân nhưng trong lòng nóng như lửa đốt.
Lấy hết sức bình sinh, tôi đánh vài cuộc điện thoại đến người có chức trách, chuông đổ hai hồi, màn hình hiện lên dòng chữ lạnh lùng “máy bận”, chuyển sang nhắn tin, từng dòng “…” dập dìu như nước như nước lũ, cứ chậm rãi, chậm rãi, chờ hồi âm, “tôi đang chỉ đạo”, “lực lượng đang tới nơi…”.
Nhưng mãi không thấy, cuối cùng người ta mới chịu thừa nhận “cả huyện chỉ có hai chiếc cano của công an”. Toang rồi, hàng mấy trăm nghìn con người sao chỉ chừng ấy phương tiện!?
Trong làng nọ, một nhóm thanh niên tự mượn xuồng, huy động nhân lực đi cứu nạn, biết nguy hiểm, không nghiệp vụ, không phương tiện bảo hộ, họ dùng sức người để vật lộn với nước dữ đến tận gần sáng, thế nhưng vẫn phải làm vì khó có thể làm ngơ nhìn đồng bào chết đuối. Và ở “phía bên kia” những người có chức trách vẫn đang “xin chỉ đạo” từ đâu đó rất xa xôi!
Cứu người là gấp hay phải tuân cái lệnh hành chính rất cứng cỏi sắt đá để gọi là giữ gìn trật tự trị an? Xin hãy để câu hỏi này cho dư luận được phán xét.
Và nhóm người cứu nạn bất đắc dĩ ấy có khi đã mạnh dạn “xé rào”, họ cự lại mệnh lệnh, họ bức xúc, họ đau đớn vì từ trước tới nay chính họ và gia đình đã tin tưởng giành lá phiếu cho những người mà họ đặt niềm tin yêu. Nhưng có lẽ, cơn lũ này đã xô đổ tất cả rồi! Chẳng biết nên buồn hay vui?
Những người thoát chết trong gang tấc, họ thật khó để kìm chế cảm xúc, họ chẳng hề phải xấu hổ khi đứng giữa đường “khai báo” hết mọi thứ. Ai phải xấu hổ? Chắc biết rồi.
Tính đến 7h sáng ngày 20/10, theo báo cáo nhanh của Ban phòng chống thiên tai, cứu nạn tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có 49 người chết, 8 người mất tích và 25 người bị thương.
Trong số các huyện, thị, xã Gio Mai, huyện Gio Linh là địa phương hiếm hoi không có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra mặc dù đây là vùng ngập rất nặng. Tôi đã đặt ngược vấn đề, sẽ thế nào nếu không có nhóm cứu hộ do dân tự lập? Họ đã làm gì sai, nếu không phải “cái sai” đó là do họ quá nhân đạo?
Họ trách cứ chính quyền, là sai? Tôi không cho rằng đó là điều gì quá ghê gớm. Hãy một lần suýt chết để thấy được giá trị của sự sống, và đương nhiên, trước hết chính quyền phải là chiếc “phao cứu sinh” để dân chúng vịn vào khi hoạn nạn.
Có người đã hỏi tôi rằng, quỹ phòng chống lụt bão, thiên tai năm nào cũng đóng đều đặn, tại sao không mua sắm phương tiện dự trữ để phòng những lúc nguy khốn như thế này? Tiền ấy sử dụng vào việc gì, dân có quyền được biết hay không? Một lần nữa, các cấp chính quyền hãy cho dân được biết.
Một giám đốc doanh nghiệp lớn ở Quảng Trị than thở, đi làm từ thiện mà phải thuê thuyền chở hàng hóa 600.000đ/lượt; xe máy qua đoạn đường ngập lụt phải trả 20.000đ/chiếc để về nhà. Tại sao như thế?
Bạn tôi, trong lúc nguy khốn đã vận động 68 triệu đồng để đóng khẩn một chiếc xuồng chỉ để đi vào vùng lũ tiếp tế nhu yếu phẩm cho bà con, và khắp nơi từ miền Nam, miền Bắc, các hội nhóm chơi thuyền đã động lòng vận chuyển “đồ chơi” của họ đến cứu miền Trung.
Tôi vẫn biết, những ngày này một vài đơn vị như công an, bộ đội đã dầm mình vì dân, đây cũng không phải là lúc ngồi xuống để trách móc nhau. Nhưng không nói lúc này thì đợi đến khi nào?
Có thể bạn quan tâm
Lũ lụt tại Quảng Trị: Nhiều người mất tích, thiệt hại kinh tế lớn
14:56, 08/10/2020
Lũ vượt đỉnh lịch sử năm 1999, Quảng Trị chìm trong biển nước
09:58, 18/10/2020
Quảng trị: Sạt lở núi, nhiều chiến sĩ Sư đoàn 337 bị vùi lấp
07:20, 18/10/2020
Cận cảnh xoáy nước, nước lũ đùn lên ở Quảng Trị
10:51, 18/10/2020
Khẩn cấp: Lũ ở Quảng Trị phá đỉnh và đang lên nhanh
14:16, 17/10/2020