Mặc dù, đã có nhiều chính sách được coi là ưu việt đối với người lao động nữ, tuy nhiên lại gây khó khăn cho hoạt động quản lý và là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Đó là nhận định của bà Trần Thị Lan Anh- Phó tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Giám đốc Văn phòng Giới Sử dụng Lao động tại Hội thảo “Thúc đẩy Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi”, được tổ chức mới đây.
Được biết, hội thảo là một trong những chương trình hành động cụ thể nằm trong Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới” do VCCI, phối hợp với Tổ chức Oxfam/CARE thực hiện với sự hỗ trợ của Investing Women.
Tạo cơ hội việc làm bình đẳng
Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, cập nhật những kiến thức về bình đẳng giới và những điểm mới trong Dự thảo Luật Lao động sửa đổi.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Bộ Luật Lao động năm 2012 đã là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ lao động. Theo đó, đã đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, phát huy năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, chia sẻ về những điểm mới của Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, Mai Đức Thiện – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết: “Các quy định liên quan đến bình đẳng giới tại nơi làm việc trong Dự thảo phải kế thừa quy định hiện hành và tính thực tiễn do được người lao động và doanh nghiệp đồng thuận”.
Theo đó, nên sửa đổi, bổ sung những quy định bất cập, cứng nhắc như tuổi nghỉ hưu nam và nữ chênh nhau 5 tuổi. Hay những danh mục công việc cấm nữ làm việc quy định tại Điều 160 của dự thảo.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh: “Chúng ta cần hiểu rằng, bình đẳng giới là đảm bảo cho cả lao động nam và nữ có cơ hội làm việc như nhau, nâng cao thu nhập, chứ không phải là tạo điều kiện làm việc ưu ái hơn dành cho lao động nữ”.
Bình đẳng giới tại nơi làm việc có vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng việc làm, cũng như mở rộng cơ hội làm việc cho nam và nữ. Đây cũng chính là chìa khoá nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào một loạt các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
14:03, 11/12/2018
13:55, 12/12/2018
20:13, 10/12/2018
10:39, 10/12/2018
Tư duy theo hướng mới
Có cùng quan điểm với bà Trần Thị Lan Anh, bà Phạm Nguyên Cường - Chuyên gia tư vấn về lao động và bình đẳng giới cũng cho rằng: “Người sử dụng lao động và người lao động cần phải thay đổi tư duy về bình đẳng giới ở cả nam và nữ”.
Lấy dẫn chứng cụ thể, vị này chia sẻ, tại một công ty dệt may có sử dụng một số máy móc yêu cầu người lao động phải cao trên 1.55m mới làm việc được, tuy nhiên, với tư duy thay đổi của Lãnh đạo nhà máy đã đưa ra sáng kiến thiết kế bục cao thêm 20 – 30 cm để lao động nữ có chiều cao khiêm tốn cũng có thể đáp ứng được công việc này.
Cùng có chung nhận định, trước tiên thay đổi phải đến từ nhận thức lãnh đạo của doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thuý Hương – Thành viên HĐQT Công ty Viettronics, cho hay: “Bình đẳng giới không phải là tạo những điều kiện tốt nhất cho lao động nữ, mà là tạo điều kiện lao động bình đẳng với cả hai giới. Theo đó, tại Viettronics,100 % lao động nam được hưởng chế độ nghỉ cho con ốm và nghỉ thai sản”.
“Đảm bảo bình đẳng giới tại nơi làm việc chính là đảm bảo Quyền và nghĩa vụ chính đáng của người lao động”, bà Đỗ Thị Thuý Hương khẳng định.
Theo đó, nhiều chuyên gia doanh nghiệp cùng chung một thông điệp rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là làm từ thiện mà chính là tạo điều kiện làm việc bình đẳng, và nguồn lực con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Chỉ khi lao động được bình đẳng thì khi đó doanh nghiệp mới tạo ra được giá trị gia tăng.