Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi thảo luận về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, chiều 12/10.
Đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả khá nổi bật trong thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với 17/22 mục tiêu hoàn thành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu không gặp phải những có khăn đầu nhiệm kỳ như sự cố môi trường Fomosa, thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn cũng như đại dịch COVID-19 vào cuối nhiệm kỳ thì kết quả 5 năm qua còn tốt hơn nhiều.
Nền tảng vĩ mô giữ được ổn định, cơ cấu lại nợ xấu, nợ công làm được cao hơn cả mong muốn. Chất lượng, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế cải thiện rõ rệt. Lần đầu tiên áp dụng khung khổ đầu tư công trung hạn góp phần khắc phục cơ bản đầu tư manh mún, dàn trải. Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ qua nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát điều kiện kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.
Dẫn câu chuyện các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông không thu xếp được tín dụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị quan tâm phân tích thị trường vốn còn hạn chế, bởi “trước đây ta nói vay trong khả năng trả nợ, nhưng nay nói vay trong khả năng huy động và khả năng trả nợ, tức có khi muốn vay mà không được”. Bên cạnh đó thị trường khoa học công nghệ cũng chưa tương xứng.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng có trở ngại mà theo Chủ tịch Quốc hội thể hiện bằng chứng là có tiền mà không tiêu được. Tín dụng tăng chậm, có nguy cơ chảy vào khu vực có rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản. Giải ngân vốn đầu tư công rất chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa tốt.
“Tính tự chủ nền kinh tế, năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và bệnh tật còn hạn chế. Trận lũ năm ngoái ở miền Trung làm cho thành quả xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới một số nơi gần như quay lại điểm xuất phát”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian tới cần phân tích bối cảnh để có xác định phù hợp, nhất là dịch bệnh khó đoán định, là yếu tố tác động đến kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới đây.
Kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, bị phân hoá và phụ thuộc vào mức độ và tiến độ bao phủ vaccine cũng như quy mô chính sách hỗ trợ, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng còn hiện hữu. Và do đó cũng có rủi ro nhất định về lỡ nhịp với kinh tế thế giới.
Đề cập giải pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh kế hoạch tái cơ cấu kinh tế cần gắn với chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế và tăng tính tự chủ của nền kinh tế. Cơ cấu theo hướng xanh hơn, số hoá và đổi mới sáng tạo. Quyết tâm có giải pháp tổng thể phù hợp để giải quyết dứt điểm các dự án yếu kém thua lỗ, ngân hàng bị mua lại bắt buộc.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan để có đột phá khắc phục hạn chế và giải quyết các vấn đề mới phát sinh đặt ra.
“Do tác động của đại dịch trong 2 năm qua không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khi năm 2020 đạt 2,91%. Dự báo năm 2021 có đạt được 3% hay không cũng rất khó. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến 2021 và kéo sang năm 2022. Do đó xác định mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình, kế hoạch cần logic, khả thi, đảm bảo bền vững”, ông Trần Thanh Mẫn phân tích, đồng thời nhấn mạnh khác biệt giữa các quốc gia tăng trưởng trước đại dịch hay tụt hậu là do sự chuẩn bị và lựa chọn chính sách tương ứng.
Nêu thực trạng hơn 1 triệu người rời khỏi các thành phố lớn chỉ trong thời gian ngắn qua sẽ khiến bức tranh thị trường lao động, việc làm thể hiện nhiều đứt gãy, biến động, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ hơn. Hơn thế, cần biện pháp quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tái cơ cấu nền kinh tế.
Báo cáo giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết điểm mới lần này trước hết là nói đến kinh tế số, kinh tế đô thị bên cạnh yếu tố con người, giá trị văn hoá, truyền thống. Đột phá của kế hoạch tập trung vào thể chế, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp, giải quyết vướng mắc về đất đai, đầu tư kinh doanh, nợ xấu, phát triển các loại thị trường và liên kết vùng.
Cho rằng chỉ tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp là vấn đề rất khó bởi nhiệm kỳ trước cũng không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “5 năm tới phụ thuộc nhiều vào chính sách, môi trường để huy động nguồn lực còn rất lớn trong dân. Làm sao để họ yên tâm bỏ tiền đầu tư kinh doanh là một vấn đề, do đó cần giải quyết điểm điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực này bên cạnh sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, vốn nước ngoài”.
Có thể bạn quan tâm