Phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những hướng đi phù hợp, tất yếu cho ngành du lịch phát triển, đặc biệt là sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
>>> Đề xuất coi du lịch là trọng tâm ưu tiên trong gói hồi phục kinh tế
>>> Đà Nẵng tìm cách đưa du lịch trở lại
Vậy nhưng, một thực tế đang tạo thành “rào cản” vô hình về cơ chế, chính sách về đất đai hiện nay để xây dựng cơ sở lưu trú, trạm dừng chân…đối với ngành kinh tế du lịch Green farm, Rural Tourism khiến nhiều cá nhân, tổ chức khó tiếp cận.
Đầu năm 2019, dư luận không khỏi xôn xao vì chuyện một dự án khu du lịch sinh thái và trải nghiệm giáo dục Hoa Hồng, xã Nam Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật…trên diện tích đất rừng sản xuất.
Cụ thể, các hạng mục như xây nhà điều hành với diện tích 200m2, nhà Homestay 200m2, nhà trải nghiệm và giáo dục kỹ năng 400m2, khu cắm trại và vườn hoa 1.500m2, khu vực nhà hàng 200m2, bể bơi 100m2…đã được chủ đầu tư dự án này triển khai khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Nghịch lý ở chỗ, mặc dù vào ngày 24/12/2021, UBND huyện Thạch Hà chấp thuận chủ trương cho hộ gia đình ông Hà Huy Thành làm chủ được xây dựng trên diện tích 4.850m2 tại địa điểm nói trên để mục đích thực hiện “Dự án khu du lịch sinh thái và trải nghiệm giáo dục Hoa Hồng” nhưng lại vướng đất quy hoạch rừng sản xuất.
Cũng trong năm 2019, Khu du lịch sinh thái Eo Gió, tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An được xây dựng rầm rộ dưới dãy núi Đại Huệ do Công ty CP Nam Vinh Lộc làm chủ đầu tư cũng bị phản ánh vì xây dựng các hạng mục trên diện tích đất chưa được chuyển đổi, cơ quan có thẩm quyền chưa cấp giấy phép. Dự án này đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, cho thuê 3,96ha đất trong thời gian 50 năm.
Không có tư liệu đất đai để làm nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang trở thành rào cản lớn trong hành trình kích cầu ngành kinh tế không khói ở nước ta theo hướng đa dạng, phong phú
Theo tìm hiểu, phóng viên được biết, sau khi phát hiện dự án khu du lịch sinh thái Eo Gió chưa có giấy phép, huyện đã cho đình chỉ dự án, đồng thời gửi báo cáo đến UBND tỉnh Nghệ An.
Ngay sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất, Công ty CP Nam Vinh Lộc đã triển khai xây dựng một nhà hàng lớn 2 tầng phục vụ ăn uống và một quán cafe…để phục vụ khách tham quan. Và, dĩ nhiên, các hạng mục xây dựng này chưa được cấp phép xây dựng do vướng vào quy hoạch sử dụng đất đai.
Từ câu chuyện của triển khai xây dựng dự án nói trên tại Hà Tĩnh và Nghệ An có thể thấy rằng, để phát triển du lịch theo hình thức Green farm, hoặc Rural Tourism tại các vùng quê nông thôn trong thời gian qua không phải là chuyện giản đơn như mọi người từng nghĩ. Nghĩa là từ chủ trương đến việc cụ thể hoá cơ chế, chính sách để thực hiện không có điểm giao thoa khiến nhiều tổ chức, cá nhân đang loay hoay tìm giải pháp.
Giảng viên Phan Việt Đua – Trường Đại học Bạc Liêu khẳng định, trong những năm gần đây, du lịch nông thôn là xu hướng phát triển đang được nhiều nước trên thế giới đón nhận. Du lịch nông thôn với đặc tính không gian mở, hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm người, đáp ứng nhu cầu về sức khoẻ và được xem là xu hướng du lịch hậu đại dịch COVID-19.
Ông Đoàn Mạnh Cương - Vụ Văn hoá, Giáo dục - Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề liên kết du lịch và nông nghiệp nhằm phát triển du lịch nội địa sau đại dịch COVID-19 có vai trò rất quan trọng. Một trong những xu hướng hiện nay là du lịch nông thôn gắn với những chuyến đi ngắn ngày, gần nơi sinh sống của du khách.
Vậy nhưng, là đất quy hoạch phát triển nông nghiệp thì không được xây dựng nhà cửa, cơ sở kỹ thuật. Và, muốn triển khai xây dựng hạ tầng trên đất nông nghiệp thì bắt buộc phải lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng.
Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nêu thực trạng một số nhà đầu tư, hoặc hộ gia đình, cá nhân được giao đất, cho thuê đất làm trang trại nông nghiệp, nay có nhu cầu mở rộng để làm du lịch trang trại, trong đó có xây dựng các nhà lưu trú (đất dịch vụ) thì phải thông qua đấu thầu theo quy định của Luật Đất đai.
Theo quy định thì điều kiện khi xây dựng và kinh doanh các cơ sở lưu trú phải đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất cho khách du lịch. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai khi đã quy hoạch đất nông nghiệp,…thì không được xây dựng nhà (hay phục vụ lưu trú) sẽ làm giảm đi nhu cầu và mong muốn của người kinh doanh du lịch, không kêu gọi và phát huy được các nguồn lực đầu tư.
Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, nới “room” về cơ chế đặc thù cho ngành du lịch, trong đó có xu hướng phát triển du lịch vùng nông thôn, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành và chuyên gia kiến nghị Quốc hội nên xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản Luật, nhất là Luật Đất đai trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
5 yếu tố giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng trực tuyến trong du lịch
03:50, 12/01/2022
Một số nội dung về ban quản lý du lịch quốc gia chưa đảm bảo tính minh bạch
04:05, 11/01/2022
Crystal Holidays tăng tốc phát triển các sản phẩm du lịch thông minh
13:52, 10/01/2022
Doanh nghiệp du lịch mang nỗi lo "khủng hoảng nhân lực" ngày trở lại
11:59, 10/01/2022