Để không lãng phí tiềm năng rất lớn về điện mặt trời áp mái, Bộ Công Thương nên nghiên cứu để có giải pháp, cơ chế “mở”, hợp lý hơn trong việc “thu mua” điện
Không chỉ tạo ra sự bất hợp lý, thiếu khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời áp mái, đề xuất cho phép đấu nối, phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không được thanh toán còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến sự lãng phí lớn cho tiềm năng phát triển loại hình năng lượng này.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600MW.
Thế nhưng, tại Dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến mới đây, loại hình điện này có thể đấu nối hoặc không với lưới điện quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác. Quy mô phát triển loại này đến 2030 khoảng 2.600MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Trường hợp nguồn này đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán. Tức, người dân, doanh nghiệp có thể bán điện dư thừa, nhưng giá 0 đồng. Đề xuất này được cho giữ nguyên so với Dự thảo trước đó mà Bộ Công Thương đã đưa ra lấy ý kiến vào cuối năm 2023.
Cơ chế mới được Bộ Công Thương đưa ra được cho không mang tính khuyến khích đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà, không thể thu hút người dân, cũng như doanh nghiệp hưởng ứng. Bởi, theo các chuyên gia, đặc thù điện mặt trời là phát điện vào ban ngày và thay đổi bức xạ theo từng thời điểm, điều này dẫn đến việc thừa, thiếu điện trong quá trình sử dụng năng lượng mặt trời. Việc không thể bán điện dư thừa, hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời.
Chưa kể, đối với các doanh nghiệp sản xuất, để xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia như EU đòi hỏi phải sử dụng năng lượng sạch với tỷ lệ nhất định, song, trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng, năng lực đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, nên cần có đối tác thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thế nhưng, Dự thảo Nghị định hiện không cho phép phát sinh quan hệ thương mại trong việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, gây nhiều khó khăn cho việc phát triển loại hình năng lượng này, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, vốn là những khu vực có phụ tải lớn, hoạt động liên tục. Trong khi tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái ở nước ta rất lớn, và theo tính toán, hiện nay nhu cầu phụ tải đỉnh vào buổi trưa có thể lên đến 42GW.
Nếu hệ thống điện Việt Nam đủ mạnh như một số nước, hệ thống điện toàn quốc có thể hấp thụ điện lên tới 80% công suất đỉnh trưa, tức là hệ thống có thể hấp thụ thêm gần 20GW điện mặt trời tại các khu công nghiệp. Lợi ích này sẽ góp phần giảm đáng kể tiền điện trong tổng chi phí sản xuất…
Do vậy, để không lãng phí tiềm năng rất lớn về điện mặt trời áp mái, Bộ Công Thương nên nghiên cứu để có giải pháp, cơ chế “mở”, hợp lý hơn trong việc “thu mua” điện thay vì 0 đồng như đã đề xuất.
Có thể bạn quan tâm