Giữa cuộc đàn áp công nghệ của giới chức Bắc Kinh, TSMC đã vượt qua Tencent để trở thành công ty có giá trị nhất châu Á.
Mới đây, giới truyền thông đưa tin, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã vượt qua “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Tencent để trở thành công ty có giá trị nhất châu Á, tiếp tục cho thấy mức độ gia tăng của sự suy thoái ở các công ty công nghệ Trung Quốc, bắt nguồn từ cuộc đàn áp khoảng một năm trước.
Rõ ràng các cuộc đàn áp theo quy định của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ của nước này đã làm giảm định giá của các gã khổng lồ công nghệ, khoảng 1,5 nghìn tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi nền kinh tế Trung Quốc và ngày càng có nhiều doanh nhân Trung Quốc tụt hạng trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu.
Mới chỉ đầu năm nay, Tencent đứng trước cơ hội trở thành công ty Trung Quốc thứ hai gia nhập câu lạc bộ công ty đại chúng có vốn hóa "nghìn tỷ đô" của thế giới, sánh vai cùng Apple, Amazon, Alphabet, Microsoft, và Saudi Aramco.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng!
Tencent và Alibaba, hai “gã khổng lồ” đại diện cho nền kinh tế internet Trung Quốc đều ghi nhận những khoản lỗ đáng kể, đánh mất vị thế tài chính của họ ở thị trường châu Á và toàn cầu. Tuy nhiên, tất cả dường như chỉ mới bắt đầu.
Theo một báo cáo từ Refinitiv Eikon, TSMC, nhà cung cấp chính cho Apple, đã vượt qua Tencent vào đầu tháng 8. Nhà sản xuất chip Đài Loan hiện đang đứng đầu về giá trị vốn hóa thị trường - trong số các công ty châu Á - với hơn 538 tỷ USD. Trong khi, Tencent đứng ở vị trí thứ hai, với giá trị vốn hóa thị trường hơn 536 tỷ USD, và Alibaba ở vị trí thứ ba với khoảng 472 tỷ USD.
Chưa hết, gần đây vốn hóa thị trường của cả Tencent và Alibaba đều đã bị ảnh hưởng trở lại, mỗi công ty đã đánh rơi ít nhất hơn 20 tỷ USD sau khi cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc ban hành các quy tắc dự thảo nhằm ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh trên internet.
Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường của Trung Quốc nhấn mạnh động thái trong lĩnh vực công nghệ là một phần nỗ lực của cơ quan quản lý nước này nhằm thắt chặt các luật xung quanh chống độc quyền và cạnh tranh. Các lĩnh vực khác đang được Bắc Kinh giám sát theo quy định bao gồm công nghệ tài chính cũng như thu thập và sử dụng dữ liệu.
Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã sụt giảm mạnh khi mây đen tiếp tục bao phủ lĩnh vực này. Chỉ số Hang Seng Tech, theo dõi các công ty công nghệ lớn nhất niêm yết tại Hồng Kông bao gồm cả Tencent và Alibaba, đã giảm hơn 25% kể từ đầu năm.
Trong bối cảnh đó, Alibaba không có nhiều bình luận. Trong khi Tencent đang đưa ra dự đoán sự kéo dài của các khó khăn về quy định. Công ty cảnh báo rằng sẽ có nhiều quy định hơn đối với lĩnh vực internet ở Trung Quốc nhưng cho biết họ “tự tin có thể tuân thủ”.
Martin Lau, chủ tịch của Tencent đã từng cho rằng quy định về internet là một “xu hướng toàn cầu” nhưng Trung Quốc đi trước châu Âu và Mỹ về “việc thực thi một khuôn khổ quy định mang tính cấu trúc hơn”. Và các nhà quản lý nên tập trung vào việc sửa chữa những hành vi sai trái, nhấn mạnh trách nhiệm xã hội, để mục tiêu cuối cùng là “sự phát triển bền vững lâu dài của ngành công nghiệp internet”.
Trong bối cảnh bất ổn của Trung Quốc, TSMC đang cho thấy sự tự tin mãnh liệt. Nhà sản xuất chip Đài Loan đã cho thấy sự tăng trưởng ổn định kể từ khi bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn toàn cầu do đại dịch gây ra.
Doanh thu của TSMC đã tăng vọt khi nhu cầu lớn trên toàn cầu đối với tấm wafer của họ đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp từ ô tô đến trò chơi. Trong thời kỳ đại dịch, sự gia tăng các giao dịch mua sắm tại nhà như hệ thống trò chơi điện tử và thiết bị máy tính đã tạo ra bội thu cho các hoạt động kinh doanh trong ngành công nghiệp chip.
Công ty đã tăng gấp đôi giá cổ phiếu của mình kể từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3 năm 2020. Vị thế thị trường của TSMC, với hơn một nửa doanh thu sản xuất chip toàn cầu, đang chiếm ưu thế đến mức một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng công ty có thể trở thành một tâm điểm trong mối quan hệ xuyên eo biển giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
Cuối cùng, theo các chuyên gia phân tích nhận định, sự thiếu hụt chip trên toàn thế giới kết hợp với tốc độ gia tăng sản xuất chậm chạp, thậm chí sẽ khiến các hoạt động kinh doanh của TSMC còn tiếp tục bùng nổ trong nhiều năm nữa.
Có thể bạn quan tâm