Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đang hoàn thiện lộ trình đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất chip tại Nhật Bản, Mỹ và Đức
Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., (TSMC), ngày 26 tháng 7 cho biết công ty này đang xem xét xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên ở châu Âu tại Đức trong bối cảnh cuộc đua sản xuất chip đang nóng lên trên toàn cầu.
Chủ tịch Mark Liu của TSMC cho biết hãng đang tham gia vào các cuộc đàm phán với "nhiều khách hàng" về tính khả thi của việc xây dựng một nhà máy wafer chip tại quốc gia này. [Wafer chip là một miếng silicon mỏng chừng 30mil (0.76mm), được sử dụng với tư cách là vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp]. Chủ tịch Liu cho biết: "Chúng tôi đang trong giai đoạn xem xét sơ bộ xem có nên đến Đức hay không. Hiện vẫn còn quásớm, nhưng chúng tôi đang nghiêm túc xem xét và quyết định sẽ được đưa ra dựa trên nhu cầu của khách hàng”.
Những phát biểu nói trên của người đứng đầu TSMC được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy công ty chip giá trị nhất thế giới đang thay đổi chiến lược kinh doanh, thay vì tập trung phần lớn sản lượng chip kéo dài hàng thập kỷ của mình tại Đài Loan thì TSMC có xu hướng đa dạng hoá các công xưởng của mình trên khắp thế giới.
Không chỉ có kế hoạch xây dựng nhà máy tại lục địa già, ngay tại Châu Á, TSMC cũng đang hoàn thiện lộ trình đưa nhà máy sản xuất chip đầu tiên tại Nhật Bản vào hoạt động, bắt đầu từ năm 2023. Nhà máy dự kiến đặt tại thành phố Kumamoto tại đảo Kyushu phía Tây Nhật bản, sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn.
Khi bước vào giai đoạn sản xuất, nhà máy tại Nhật Bản này được kỳ vọng có thể sản xuất khoảng 40.000 tấm wafer mỗi tháng bằng công nghệ 28 nanomet, được sử dụng rộng rãi cho nhiều loại chip bao gồm bộ xử lý hình ảnh và bộ vi điều khiển cho các ứng dụng oto và điện tử tiêu dùng.
Được biết, nhà máy của TSMC tại Nhật Bản sẽ chủ yếu sản xuất cảm biến hình ảnh cho Sony – khách hàng Nhật Bản lớn nhất của TSMC. TSMC được cho là khá cởi mở đối với dự án hợp tác với Sony – điều này sẽ giúp hãng thuận lợi hơn trong việc vận hành nhà máy, cũng như đàm phán với chính phủ Nhật Bản.
Khoản đầu tư vào nhà máy Kumamoto có thể sẽ ít hơn nhiều so với 12 tỷ USD mà TSMC đầu tư để xây dựng một nhà máy ở bang Arizona ở Mỹ. Được biết, đối với nhà máy tại Arizona, TSMC sẽ áp dụng công nghệ 5 nanomet tiên tiến hơn trong bối cảnh thị trường Mỹ chiếm tới hơn 60% doanh thu của nhà máy trong năm 2020.
Nhà máy sản xuất chip tại Arizona sẽ là cơ sở sản xuất chip đầu tiên của TSMC tại Mỹ trong suốt hai thập kỷ qua. Nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2024, chủ yếu giải quyết nhu cầu về các chip liên quan đến cơ sở hạ tầng và an ninh quốc gia theo yêu cầu của khách hàng, thay vì sản xuất chip điện tử tiêu dùng.
Sự mở rộng toàn cầu của TSMC diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới kêu gọi đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn. Chip được xem là trái tim và linh hồn của thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh và trung tâm dữ liệu đến vệ tinh và thiết bị quân sự, và các chính phủ đang liên kết nguồn cung cấp của chúng trực tiếp với an ninh quốc gia.
Trong báo cáo đánh giá chuỗi cung ứng mới nhất của Washington, Nhà Trắng đặc biệt chỉ ra rằng việc tập trung sản xuất chip tiên tiến ở Đài Loan tạo ra lỗ hổng cho chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. TSMC hiện đang cung cấp chip cho hầu hết các nhà phát triển chip quan trọng trên toàn cầu, từ Apple, Qualcomm và Thiết bị vi điện tử nâng cao cho đến Intel, Infineon và Sony. Khách hàng Hoa Kỳ chiếm 70% doanh thu của TSMC, trong khi khách hàng từ Nhật Bản chiếm 4,72% và Châu Âu 5,24%.
Có thể bạn quan tâm