Nhiều đại biểu lấy ví dụ về cú lừa của Địa ốc Alibaba và đặt vấn đề có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của cán bộ công quyền cho các dự án ma tồn tại trong thời gian dài.
Đề cập tới vụ việc của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho biết một số địa phương trong cả nước xảy ra nhiều vụ sai phạm tại các công trình xây dựng, các dự án lớn liên quan đến đất đai.
Cụ thể như dự án chưa được cấp phép, chưa được phê duyệt, nhưng chủ đầu tư vẫn hợp đồng mua bán với người dân công khai, Đại biểu ví dụ về vụ "lừa đảo" của Công ty địa ốc Alibaba.
“Cử tri đặt vấn đề có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của cán bộ công quyền cho các dự án ma, dự án xây dựng đồ sộ, trái pháp luật tồn tại trong thời gian quá dài?”, Đại biểu Thủy nói.
Có cùng băn khoăn về vấn đề này, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho rằng địa ốc Alibaba lừa dân nhiều năm với hàng nghìn nạn nhân.
"Địa ốc Alibaba bán bất động sản ảo, diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn, số thiệt hại rất lớn, mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn "ngơ ngác" như chưa hề có chuyện gì nghiêm trọng cho đến khi người dân và dư luận lên tiếng", Đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Đại biểu Quốc cho rằng những điểm tối đang làm xấu đi bức tranh sáng sủa của những thành tựu tích cực mà Chính phủ cùng người dân dày công phấn đấu.
Do đó, Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách hiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm ở địa phương.
Theo thống kê, tính đến hết ngày 25/9, tại Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM đã có gần 1000 nạn nhân của Alibaba đến nộp đơn tố cáo Alibaba “ẵm” hơn 500 tỷ đồng. Còn tại tỉnh Đồng Nai, hơn 260 khách hàng của công ty này cũng đã nộp đơn đến Công an.
Có thể bạn quan tâm
09:05, 30/09/2019
21:48, 22/09/2019
05:03, 22/09/2019
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cũng cho biết, Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh đứng ra lập Alibaba và các công ty thành viên với tổng quy mô 2.600 nhân viên.
Alibaba cho thu gom mua số lượng rất lớn đất nông nghiệp (trong đó có một số rất ít đất ở tại nông thôn) với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, nhưng lại giao cho các cá nhân (Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và người thân khác) đứng tên.
Sau đó, Alibaba vẽ ra 40 dự án ảo tại Đồng Nai (29 dự án) Bà Rịa - Vũng Tàu (9 dự án) và Bình Thuận (2 dự án). Các dự án chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án…, nhưng lại được Alibaba tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) rồi giao cho các công ty con bán cho khách hàng.
Theo cơ quan điều tra, tất cả các dự án do Alibaba vẽ ra không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở như các đối tượng quảng cáo, tức không có sản phẩm giao cho khách hàng như nội dung hợp đồng đã ký.
Cơ quan điều tra nhận định, Alibaba hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, núp bóng dưới dạng hoạt động kinh doanh bất động sản, nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp.
Tính đến ngày 30/6/2019, Alibaba đã ký hợp đồng bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỷ đồng. Tính tới hết 24/9, cơ quan chức năng đã tiếp nhận đơn của hơn 900 cá nhân tố giác Alibaba chiếm đoạt lên đến khoảng 500 tỷ đồng. |