Cơ hội cho Việt Nam từ châu Phi

Thuỵ Vân 26/05/2018 07:08

Thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước châu Phi và Khu mậu dịch tự do châu Phi (AFCFTA) sẽ giúp Việt Nam giảm bớt tác động bất lợi từ những điều chỉnh chính sách bất ngờ của các đối tác như Mỹ hay EU

Mới đây, 44 trong số 55 thành viên của Liên minh châu Phi (AU) đã ký thỏa thuận thành lập AFCFTA. Khu mậu dịch này tạo ra một thị trường châu Phi 1,2 tỷ người với GDP 2,5 nghìn tỷ USD.

p/44 trong 55 thành viên của Liên minh châu Phi đã ký thỏa thuận thành lập Khu mậu dịch tự do châu Phi (AFCFTA). Ảnh: Africa Union Commission.

44 trong 55 thành viên của Liên minh châu Phi đã ký thỏa thuận thành lập Khu mậu dịch tự do châu Phi (AFCFTA). Ảnh: Africa Union Commission.

Hình thành thị trường chung châu Phi

Với sự ra đời của AU, các nước châu Phi thậm chí còn theo đuổi cả mục tiêu nhất thể hoá châu lục này. Nhưng kết quả đạt được cho tới nay vẫn còn ít ỏi. AFCFTA ra đời trong bối cảnh đó và là nỗ lực mới của các nước châu Phi hướng tới mục tiêu hình thành thị trường chung như EU.

Hiện nay, các nước châu Phi trao đổi hàng hoá với các đối tác bên ngoài châu lục còn nhiều hơn là trao đổi với nhau (chỉ khoảng 18%). Sở dĩ như vậy là do thuế quan cao, trở ngại thương mại nhiều, thủ tục hành chính rườm rà, chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, mức độ tin cậy lẫn nhau rất hạn chế.

  Theo giới chuyên gia, chỉ cần huỷ bỏ thuế nhập khẩu có thể giúp các nước châu Phi tăng thêm ít nhất 1/3 khối lượng trao đổi thương mại hiện có với nhau và giúp tăng GDP của châu Phi thêm ít nhất 1%.

Với việc hình thành thị trường chung và khu vực mậu dịch tự do, các nước châu Phi đang tìm cách khắc phục tình trạng nói trên. Theo Uỷ ban kinh tế của Liên Hợp Quốc về châu Phi, gỡ bỏ mọi thuế quan như mục tiêu của AFCFTA sẽ giúp trao đổi thương mại giữa các nước châu Phi với nhau tăng 52% đến năm 2022 (so với năm 2010). Theo AFCFTA, các nước thành viên cam kết cắt giảm dần thuế quan và rào cản thương mại đối với 94% dòng sản phẩm hiện tại.

AFCFTA có thành công hay không là câu hỏi mà thời gian sẽ trả lời. Nhưng rõ ràng, đây là sự lựa chọn đúng đắn và thức thời của các nước châu Phi và thể hiện cách tiếp cận rất thực tiễn là nên tập trung trước hết vào thúc đẩy trao đổi nội khối trong AU. Đó cũng là một trong những bài học thành công của EU. Vấn đề còn lại chỉ là các nước thành viên của AFCFTA có quyết tâm thực hiện ý tưởng thành công hay không.

Chiến lược của Việt Nam

Việc hình thành khu vực mậu dịch tự do rộng lớn và đầy tiềm năng như vậy ở châu Phi sẽ đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường mạnh mẽ và thực chất hơn nữa các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước châu Phi.

Cho tới nay, Việt Nam đã có thoả thuận về mậu dịch tự do song phương cũng như đa phương với nhiều đối tác nhưng chưa có thoả thuận nào với quốc gia nào ở châu Phi. Quan hệ hợp tác của Việt Nam với châu Phi gần như dựa vào các thoả thuận hợp tác song phương. Doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều khó khăn và không ít rủi ro trong hợp tác kinh doanh ở nhiều quốc gia châu Phi. Nếu Việt Nam có được thoả thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với các nước châu Phi và về lâu dài cả với AFCFTA thì những khó khăn và rủi ro này sẽ được giảm thiểu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường châu Phi không "khó tính" như thị trường Mỹ hay EU, nên doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng để đáp ứng mọi tiêu chí và điều kiện ở thị trường châu Phi.

EU vẫn chưa phê chuẩn thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do song phương với Việt Nam. Phía Mỹ thực thi chính sách áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, thậm chí đối với cả sản phẩm của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Trung Quốc. Bởi vậy, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước châu Phi và với AFCFTA sẽ vừa bổ sung cho quan hệ hợp tác của Việt Nam với các đối tác quan trọng như Mỹ hay EU, vừa giúp Việt Nam giảm bớt tác động bất lợi từ những điều chỉnh chính sách tiêu cực bất ngờ của các đối tác lớn như Mỹ hay EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội cho Việt Nam từ châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO