Phân tích - Bình luận

Doanh nghiệp Mỹ rót 600 tỷ USD vào nơi kém phát triển nhất thế giới

Trương Khắc Trà 30/08/2024 04:00

Để tiếp cận nguồn khoáng sản dồi dào ở châu Phi, các doanh nghiệp Mỹ đã rót tới 600 tỷ USD vào những quốc gia kém phát triển nhất tại châu lục này.

congo0211473977010.jpg
Mỏ cobal ở Congo (Ảnh: Washington Post)

Mỹ và các đối tác đang tăng tốc đầu tư nhiều dự án hạ tầng đồ sộ ở châu Phi thông qua chiến lược “Hành lang lobito”. Các nhà phân tích cho rằng, đây là nỗ lực nhằm đối trọng lại với ảnh hưởng của Trung Quốc tại “lục địa đen”.

Chương trình này đặt mục tiêu đầu tư 600 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027 để thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới nhằm đối trọng với Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” (BRI) và đảm bảo quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.

Một nhóm các công ty của Mỹ đã giành được quyền khai thác tuyến đường sắt nối cảng Lobito của Angola với biên giới Congo và dự kiến ​​sẽ giải ngân khoản đầu tiên vào quý 1/2025.

Mục tiêu hướng tới là “vành đai đồng” ở Trung Phi với trữ lượng khổng lồ tại Zambia và Congo. Hiện tại 80% hàng hóa trên lục địa được vận chuyển bằng xe tải đến các cảng.

Các nước trong khu vực dự kiến ký một thỏa thuận với Tổng công ty Xây dựng Kỹ thuật Dân dụng Trung Quốc để công ty này tiếp quản quyền nhượng quyền tuyến đường sắt Tanzania-Zambia và thương mại hóa tuyến đường này.

Trong khi Mỹ và đối tác đã tuyên bố muốn kết nối Lobito với bờ biển Tanzania thông qua tuyến đường sắt xuyên châu Phi - điều này tạo ra cuộc cạnh tranh quyết liệt, đặt châu Phi vào tình thế phải chọn lựa.

Mục đích cuối cùng không gì khác ngoài khoáng sản đồng, chuyển những nguồn tài nguyên quý giá từ Trung Phi sang các thị trường phương Tây. Điều này rất quan trọng đối với Mỹ và châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra.

Phương Tây hạ quyết tâm tự chủ chuỗi cung ứng công nghiệp xanh. Nhưng mấu chốt lại thiếu tài nguyên, luật pháp bảo vệ môi trường rất khắt khe. Trong nhiều thập kỷ nay, phương Tây phụ thuộc nguồn cung pin lithium, tấm năng lượng mặt trời, turbin gió từ Trung Quốc.

Hai tỷ phú Bill Gates và Jeff Bezos đang đổ vốn vào công ty khai thác mỏ KoBold Metals, đã phát hiện ra mỏ đồng được coi là lớn nhất ở Zambia trong một thế kỷ, ước tính có giá trị lên tới 2 tỷ USD.

Châu Phi đang trở nên quan trọng hơn trên bản đồ kinh tế toàn cầu với trữ lượng đồng, cobal, mangal, vàng dồi dào, những kim loại không thể thiếu trong công nghệ năng lượng sạch. Lục địa này còn chiếm tới 60% địa điểm tốt nhất để sản xuất năng lượng mới.

chart.png
Tốc độ đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi (Ảnh: Reuters)

Nghiên cứu mới đây của Đại học Boston (Mỹ) cho thấy, năm ngoái Trung Quốc đã chấp thuận các khoản vay trị giá 4,61 tỷ USD cho châu Phi, đánh dấu mức tăng hàng năm đầu tiên kể từ năm 2016. Lục địa này nhận hơn 10 tỷ USD tiền vay mỗi năm từ Trung Quốc trong giai đoạn 2012-2018, thông qua BRI.

Theo nghiên cứu trên, Trung Quốc đã cho châu lục này vay tổng cộng 182,28 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2023, với phần lớn số tiền này được dành cho các lĩnh vực năng lượng, giao thông và công nghệ thông tin, truyền thông của châu Phi.

Tuy nhiên, khi một số quốc gia có dấu hiệu vỡ nợ, nhiều dự án không phát huy hiệu quả, thì các khoản vay được xem xét lại. Từ đó, Mỹ và châu Âu có cơ hội chìa ra sáng kiến mới giúp “chữa lành”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp Mỹ rót 600 tỷ USD vào nơi kém phát triển nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO