Cà phê châu Phi âm thầm chinh phục thị trường Trung Quốc, từng có thời điểm vượt mặt cà phê Việt Nam tại thị trường này.
Các quốc gia trồng cà phê lớn nhất châu Phi như Rwanda, Uganda, Ethiopia, Kenya và Tanzania đang mở rộng thương mại hóa sản phẩm của họ sang thị trường Trung Quốc. Cách tiếp thị của các công ty đến từ “lục địa đen” cũng rất mới lạ.
Đại sứ Rwanda tại Trung Quốc đã livestream trên nền tảng Taobao để giới thiệu cà phê của quê hương ông đến với người tiêu dùng Trung Quốc; 1,5 tấn cà phê đã được bán trong một phiên trực tuyến.
Đại sứ Ethiopia tại Trung Quốc sử dụng trang thương mại điện tử Tmall ra mắt một thương hiệu cà phê đến từ châu Phi. Người ta gọi đó là “những người châu Phi đến chậm” đang ấp ủ chiến lược tấn công nhanh thị trường tiềm năng hàng đầu thế giới.
Những nông trại cà phê châu Phi đã mạnh dạn mở công ty phân phối tại Thâm Quyến, ký hợp đồng với các nền tảng thương mại trực tuyến hàng đầu Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đã chi ra 165 triệu USD nhập khẩu cà phê từ châu Phi - trong tổng nhu cầu mặt hàng này quy thành tiền hơn 37 tỷ USD.
Quan hệ thương mại và đầu tư Trung Quốc - châu Phi đang thăng tiến nhanh chóng. Bắc Kinh đã cấp “luồng xanh” cho nhiều sản phẩm đến từ châu lục này. Nhờ đó, rút ngắn tối đa thời gian giao hàng.
Hơn nữa, các kênh phân phối của Trung Quốc đã “ra tay” thu mua từ nông trại, vận chuyển khép kín, góp phần tạo ra cuộc cách mạng thu nhập cho người trồng cà phê ở những khu vực được xem là “thế giới thứ 3”.
Tại Ethiopia, được coi là nơi sản sinh ra cà phê, loại cây này chủ yếu được trồng nhỏ lẻ, xen kẽ và tự nhiên. Ngày càng nhiều doanh nghiệp phân phối lấy lợi thế “organic” làm điểm nhấn cho sản phẩm của mình, chính vì vậy cà phê châu Phi rất được ưa chuộng.
Dù canh tác nhỏ lẻ nhưng khâu chế biến rất tập trung bởi các hợp tác xã. Bằng cách này, cà phê có nhiều khả năng truy xuất nguồn gốc ở cấp độ nông trại và dễ dàng đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính.
Cà phê Việt Nam có mặt tại Trung Quốc từ lâu. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê đạt trên 109,85 nghìn tấn, trị giá 490 triệu USD, tăng 155,1% về lượng và tăng 104,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số 10 quốc gia xuất khẩu cà phê vào Trung Quốc nhiều nhất, có 4 nhà xuất khẩu đến từ châu Phi, đây là hiện tượng khá mới mẻ. Từng có giai đoạn, điển hình như khoảng thời gian 2017 - 2022, cà phê Việt Nam thất thế tại thị trường lớn nhất thế giới.
Ví dụ, năm 2022 Trung Quốc nhập khẩu cà phê Ethiopia tăng tới 209,2% so với năm 2021. Ngược lại, trong cùng năm này Trung Quốc giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, với mức giảm 11,1% so với cùng thời điểm trên.
Thế mạnh của cà phê châu Phi không phải là sản lượng lớn, nhưng khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cà phê Arabica, Robusta thô, chất lượng cao cho thị trường thế giới.