Cơ hội cho Việt Nam vào trung tâm chuỗi giá trị khu vực

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 16/03/2023 12:30

Một trong những mục tiêu của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn tới là thiết lập chuỗi giá trị khu vực, trong đó Việt Nam đóng vai trò trung tâm.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm tròn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ Việt - Nhật

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm tròn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ Việt - Nhật

>> "Chìa khoá" cải thiện vị thế doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu

Phát biểu tại Hội thảo kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm tròn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ Việt - Nhật, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Nhật Bản giúp Việt Nam trở thành trung tâm chuỗi giá trị khu vực.

Từ kinh nghiệm Nhật Bản

Chuỗi giá trị là khái niệm được nhắc lại với tần suất rất dày trong vài năm gần đây. Chuỗi giá trị được hiểu là một tập hợp các hoạt động gắn liền với quy trình tạo ra sản phẩm/dịch vụ bắt đầu từ việc thu thập, tiếp nhận nguyên liệu đầu vào cho tới trở thành thành phẩm, phân phối vào thị trường.

Chẳng hạn, với ngành công nghiệp điện tử hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tham gia một vài khâu đơn giản, như bao bì, đóng gói, kiểm định. Trung tâm chuỗi giá trị của lĩnh vực này phải là sản xuất chip nhớ, nghiên cứu và phát triển mẫu mã, sản xuất phần mềm,…

Nhật Bản là nền kinh tế công nghiệp “kỳ cựu”, từng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử, điện lạnh, ô tô, “giá trị mềm” thương hiệu. Đây là kinh nghiệm quý giá có thể giúp Việt Nam định hình chiến lược tham gia chuỗi giá trị. Vậy kinh nghiệm đó có thể chia sẻ như thế nào?

Nhật Bản là “ông trùm” đứng sau ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, với thiết bị chế tạo quang khắc EUV chỉ có hai công ty làm được, trong đó có TEL của Nhật Bản - nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip bán dẫn lớn thứ 3 thế giới. Đối với công nghệ kiểm tra lỗi mà “một mẻ” chip được làm ra thì trên thế giới hiện chỉ có một công ty của Nhật Bản là Lasertec.

p/Tổng kim ngạch XNK hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Nguồn: TK; Tổng cục Hải quan, TTX

Tính chất hợp tác sâu rộng Việt - Nhật cho phép nhân lực Việt Nam tiếp cận gần hơn với công nghệ bán dẫn thông qua các chương trình đào tạo, cấp học bổng, chuyển giao công nghệ. Sự có mặt của các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản tại Việt Nam cũng tạo ra “lợi thế cạnh tranh” cho hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Made in Jappan” đã là hệ giá trị khẳng định đẳng cấp toàn cầu, trong đó “giá trị Việt” hoàn toàn có thể song hành thông qua hoạt động cung ứng nhiều hơn để hoàn thiện sản phẩm cụ thể. Điều này giúp Việt Nam nâng cao vai trò của mình trong chuỗi giá trị khu vực.

>> Kết nối doanh nghiệp Việt với chuỗi cung ứng toàn cầu

Hoàn thiện chính mình

Để tiếp thu công nghệ hiện đại, quy trình kinh tế mới, Việt Nam cần nâng cấp năng lực nội tại. Những yếu tố được nói đến rất nhiều là chính sách, hạ tầng khung thu hút đầu tư. Tuy vậy, chừng đó là chưa đủ.

Sự có mặt của doanh nghiệp Nhật mới là điều kiện cần. Phía Việt Nam cần chủ động tiếp cận, học hỏi và sáng tạo dựa trên công nghệ đã công khai. Đơn cử trường hợp Trung Quốc, sau 20 năm tiếp xúc với công nghệ lõi, hàng nghìn doanh nghiệp nước này có thể sản xuất sản phẩm tương tự.

Vấn đề then chốt là nhân lực chất lượng cao. Có thể lấy bài học của Ấn Độ, trong nhiều thập kỷ trước, Chính phủ nước này đã gửi hàng vạn học sinh, sinh viên sang Mỹ, châu Âu học về công nghệ thông tin, lập trình. Sau đó, họ xây công viên phần mềm Bangalore, dùng chính sách ưu đãi tốt nhất để triệu hồi kỹ sư đã kinh qua môi trường đẳng cấp như Google, Microsoft, Facebook,…

Nhiều chuyên gia cho rằng, để trở thành trung tâm chuỗi giá trị, Việt Nam cần xác định tập trung vào những phân khúc quan trọng trong cấu thành sản phẩm. Vai trò nhà cung ứng tỷ lệ thuận với tính phức tạp của sản phẩm cung ứng. Bài toán vĩ mô đặt ra ở đây là gì?

“Đó là tái cấu trúc tính chất nền kinh tế theo hướng giảm bớt gia công đơn giản; không chỉ cung ứng lao động phổ thông, giá rẻ; đừng quá say mê với con số thống kê kim ngạch xuất khẩu hàng năm, chú trọng giá trị thặng dư mang lại… Bởi vì hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam nằm trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó tập trung bán buôn, bán lẻ và sửa chữa nhỏ, giá trị gia tăng rất thấp”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Biểu hiện của trung tâm chuỗi cung ứng là hệ thống doanh nghiệp lớn, “siêu lớn” hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất, làm chủ không gian thị trường với dung lượng đủ lớn. Do đó, cần hình thành trung tâm R&D để đáp ứng yêu cầu này.

Đến nay, Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

  • “Hộ chiếu xanh” để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

    “Hộ chiếu xanh” để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

    14:40, 22/12/2022

  • CEO trẻ xây dựng chuỗi giá trị mới cho cây dừa vùng ngập mặn

    CEO trẻ xây dựng chuỗi giá trị mới cho cây dừa vùng ngập mặn

    04:20, 10/01/2023

  • Hợp tác kinh tế Việt - Hàn trong chuỗi giá trị toàn cầu

    Hợp tác kinh tế Việt - Hàn trong chuỗi giá trị toàn cầu

    01:18, 17/12/2022

  • Tối đa hóa chuỗi giá trị trong lĩnh vực dầu khí

    Tối đa hóa chuỗi giá trị trong lĩnh vực dầu khí

    01:00, 02/12/2022

  • Liên kết hình thành chuỗi giá trị xanh thực hiện ESG

    Liên kết hình thành chuỗi giá trị xanh thực hiện ESG

    15:28, 29/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội cho Việt Nam vào trung tâm chuỗi giá trị khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO