Sự thay đổi nhận thức của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng về sử dụng bao bì thân thiện với môi trường đang tạo cơ hội rộng mở cho ngành bao bì phát triển.
>>“Xanh hóa" ngành sản xuất bao bì
Theo các chuyên gia kinh tế, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, cộng với những tác động tiêu cực của xung đột vũ trang, biến động thị trường thế giới, lạm phát kéo dài,… nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu mua hàng hoá tiêu dùng tăng trở lại cũng sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng tốt cho ngành bao bì trong thời gian tới.
Theo công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có ba yếu tố chính cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành này. Đó là lợi thế chủ động nguyên liệu đầu vào, tự cung ứng phần lớn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bao bì của doanh nghiệp; công nghệ sản xuất bao bì từ hạt nhựa PP tái sinh - tái chế có nguồn cung trong nước dồi dào, chi phí nguyên liệu ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá hạt nhựa trên thị trường thế giới; Nhiều doanh nghiệp có chiến lược quản trị tốt, nhập khẩu với số lượng lớn nên chi phí nhập khẩu tương đối tốt.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP… được ký kết và đi vào hiệu lực sẽ tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu cho các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì như nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến. Nhu cầu về bao bì chất lượng cao trên thế giới rất lớn như giấy bao bì cao cấp cũng mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành bao bì của Việt Nam.
Ông Bùi Quang Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thuận Đức cho rằng, bao bì thân thiện với môi trường sẽ “lên ngôi” cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lối sống “xanh”. Trước tác động của biến đổi khí hậu, người tiêu dùng đang đặt nhiều quan tâm tới yếu tố bảo vệ môi trường trong sản phẩm của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng quan tâm nhiều hơn đến bao bì giấy, các chất liệu có thể tái chế và an toàn với môi trường xung quanh khi phân huỷ. Do đó, doanh thu của doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại đều ở mức dương so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về triển vọng ngành trong những tháng cuối năm 2022, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp tỏ ra rất lạc quan. Thêm vào đó, với đà phục hồi tích cực và tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, năm 2022 dự kiến đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu của Chính phủ đề ra (6 - 6,5%); CPI bình quân cả năm ước khoảng 4%; Mặt bằng giá trong nước nhìn chung được kiểm soát; Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả là điều kiện tốt để công nghiệp bao bì phục hồi phát triển.
Khảo sát mới nhất của Vietnam Report cho thấy, gần 60% số doanh nghiệp trong ngành bao bì đã đạt doanh thu trên 80% mức trước đại dịch, trong đó có gần 30% doanh nghiệp đã vượt mức trước đại dịch. Tăng trưởng bình quân của ngành bao bì được dự báo trên 13%/năm, trong đó bao bì đóng gói cho ngành thực phẩm luôn đạt mức tăng trưởng bình quân 15-20%; riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%.
Thị trường bao bì giấy Việt Nam dự kiến đạt sẽ đạt trên 3,1 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ CAGR là 7,5% giai đoạn 2021-2027.
>>>Ngành bao bì được “hưởng lợi” từ thương mại điện tử
>>>Ý tưởng tạo ra bao bì xanh từ phở ăn liền
Ngoài ra, mua sắm trực tuyến gia tăng cũng đang tạo ra và mở rộng các hướng đi mới về nhu cầu đóng gói, đặc biệt là đối với bao bì bảo vệ và vận chuyển bền vững. Thương mại điện tử sẽ thay đổi cách thiết kế bao bì cho phù hợp với từng sản phẩm để đạt hiệu quả trong chuỗi cung ứng và để mở hộp tại nhà, thay vì để xuất hiện trên các kệ bán lẻ.
Trong vài năm tới, bao bì đóng gói sẵn sàng cho tàu biển có thể sẽ trở thành bắt buộc đối với các nhãn hàng để quản lý áp lực chi phí và tính bền vững. Đồng thời, ngành công nghiệp bao bì đang áp dụng các giải pháp thông minh, hướng tới thân thiện hơn với người tiêu dùng, như: internet bao bì, bao bì phân hủy sinh học, bao bì in kỹ thuật số, bao bì tự động hóa đóng gói, bao bì hoạt hóa, bao bì theo yêu cầu, bao bì có thể tái chế, bao bì ăn được, bao bì in 3D, bao bì công nghệ nano...
Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực là một lực đẩy quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành thực phẩm chuyển sang sử dụng bao bì giấy. Bởi lẽ, từ năm nay, các nhà sản xuất và nhập khẩu sản phẩm/hàng hóa sẽ có trách nhiệm đóng góp tài chính vào quỹ Bảo vệ môi trường nhằm mục đích để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Do đó, để có thể tận dụng các cơ hội trước mắt, thiết nghĩ doanh nghiệp bao bì cần nhanh chóng đẩy nhanh đổi mới sáng tạo, số hóa, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ ở nhiều phân khúc bao bì thuận lợi. Đồng thời, có phương án phù hợp cho từng giai đoạn phát triển, đảm bảo các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và mẫu mã của bao bì, bảo quản tốt, tiện lợi, thông minh hơn và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường theo mục tiêu chung của Chính phủ đề ra tại COP27.
Có thể bạn quan tâm
Tập đoàn TCP đặt mục tiêu sản xuất bao bì tái chế 100% trước năm 2024
10:00, 25/11/2022
“Xanh hóa" ngành sản xuất bao bì
03:45, 16/11/2022
ProPak Vietnam 2022: Công nghệ chế biến, đóng gói bao bì phục vụ ngành công nghiệp tại Việt Nam
08:00, 31/10/2022
ProPak Việt Nam 2022 - Nền tảng giao thương B2B dành riêng cho doanh nghiệp trong ngành công nghệ chế biến và bao bì
09:00, 20/10/2022
Ý tưởng tạo ra bao bì xanh từ phở ăn liền
04:05, 27/09/2022