Trong bối cảnh khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, thì ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng tín dụng thương mại để ứng vốn cho đối tác nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.
>>>Bảo hiểm tín dụng thương mại giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu
Chưa có thống kê chính thức về tín dụng thương mại, nhưng quan hệ mua bán chịu hàng hóa, bán trước trả sau… đã và đang được các doanh nghiệp tận dụng trong các quan hệ đối tác kinh doanh trên thị trường.
Theo thống kê của Atradius, trong những tháng đầu năm 2022, thanh toán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) của Việt Nam ghi nhận hơn 58% tổng giá trị giao dịch được thực hiện bằng hình thức bán hàng trả chậm, và có tới 48% các giao dịch này là hóa đơn quá hạn. Thêm vào đó, mức độ xoá nợ là 6% (con số này là 9% cho ngành thép/kim loại).
Bà Vũ Thị Đức Hạnh, Giám đốc quốc gia Việt Nam của Atradius cho biết thêm: Mặc dù thực tiễn bán hàng trả chậm đóng vai trò quan trọng tại thị trường Việt Nam, nhưng hoạt động này cũng đồng nghĩa với Thời hạn Thu hồi Tiền hàng Tồn đọng (DSO) xấu đi, một phần do thời hạn thanh toán được cấp dài hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện một loạt các hành động để giảm độ dài của DSO, giúp cải thiện dòng tiền, bao gồm đàm phán các điều khoản thanh toán ngắn hơn với khách hàng, cung cấp chiết khấu để thanh toán hóa đơn nhanh hơn.
Số liệu thống kê của Atradius là gợi ý mở cho các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng hình thức thanh toán B2B một cách hợp lý trong bối cảnh dòng tiền có sự hạn chế nhất định từ việc vốn tín dụng hẹp lại, đặc biệt các ngân hàng thương mại đã gần cạn room tín dụng, trong khi nhu cầu thanh toán những tháng cuối năm lại rất lớn.
>>>NHNN sẽ “nới tay” trong điều chỉnh room tín dụng
Một số liệu khác có thể tham cứu thêm, đó là xem xét trên các khoản phải thu của các doanh nghiệp thực hiện báo cáo tài chính đầy đủ, định kỳ. Trước đại dịch, nghiên cứu của ThS Trần Thị Diệu Hường và TS Đỗ Hồng Nhung ghi nhận từ các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các công ty phi tài chính niêm yết cho thấy, các doanh nghiệp có quy mô lớn, mức tín nhiệm cao, mức cấp tín dụng thương mại thấp, đồng thời quy mô doanh nghiệp và tín dụng thương mại ròng của các ngành là đồng biến. Trung bình tỷ lệ khoản phải thu khách hàng trên tổng tài sản của các doanh nghiệp chiếm một tỷ lệ không nhỏ là 18,68%, nhưng thấp hơn so với nhiều quốc gia và tỷ lệ này khá cao ở các doanh nghiệp công nghệ.
Với bức tranh sơ thảo như vậy, tận dụng ra sao để quan hệ tín dụng giữa các nhà sản xuất – kinh doanh được thực hiện dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa giúp các bên đều win-win là một bài toán khó. Bởi trên thực tế, tín dụng thương mại có thể giữ mạch thông suốt hàng hóa, quan hệ B2B nương tựa, ràng buộc lẫn nhau. Tuy nhiên, tín dụng thương mại có thể khiến nhiều doanh nghiệp lâm rào rủi ro cao, khi đối tác mất khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, tín nhiệm để thực hiện tín dụng thương mại vẫn chủ yếu do chính các B2B trong quan hệ kinh doanh, đối tác tự đánh giá với nhau. Chỉ cần lơ là và thiếu kinh nghiệm xác thực của các cơ sở đánh giá tín nhiệm với các đối tác lạ, doanh nghiệp có thể “lãnh đủ” như trường hợp các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang Italy.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, ở trong nước, các quan hệ tín dụng thương mại thông thường phát sinh trên cơ sở doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với nhau lâu năm, hiểu biết rõ về nhau, quan hệ tiền hàng có vòng quay vốn tín dụng thanh toán ngắn hạn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ ít nhiều hạn chế được rủi ro.
Bà Vũ Thị Đức Hạnh cho biết, khi đi ra làm ăn trên thị trường quốc tế, quan hệ tín dụng cũng được các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu thiết lập. Thuận lợi của các doanh nghiệp là Việt Nam đã gia nhập các FTAs, có thị trường rộng, có kinh nghiệm nhất trên thị trường, nhưng lúc nào cũng có nguy cơ, rủi ro là không được các nhà nhập khẩu thanh toán. Trong bối cảnh biến động của vĩ mô toàn cầu như hiện nay, thì các tác động dẫn đến rủi ro càng nhiều hơn.
“Cho dù đó là một khoản thanh toán trễ, mất khả năng thanh toán của người mua, không thanh toán vì lý do chính trị hoặc thậm chí gian lận, các nhà xuất khẩu rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, bà Hạnh nói và nhấn mạnh, để đảm bảo hạn chế rủi ro tối đa, tránh đứt gãy tài chính dẫn đến đổ vỡ doanh nghiệp nếu không được thanh toán các đơn hàng (nhất là đơn hàng lớn), việc chọn các đơn vị bảo hiểm tín dụng thương mại uy tín, có năng lực toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm và có “hậu thuẫn” kinh doanh an toàn hơn.
Ông Lê Anh Vân, chủ một doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng chia sẻ thêm rằng, khi doanh nghiệp gặp áp lực thanh khoản, thì họ sẽ gia tăng chiếm dụng vốn từ nhà cung cấp. Ngược lại, doanh nghiệp có tài chính tốt thì thường sẽ cho ứng vốn, mua chịu. “Kinh nghiệm cho doanh nghiệp cần rất cân nhắc khi cấp tín dụng thương mại cho đối tác. Tất nhiên, doanh nghiệp trong cùng chuỗi phải “nuôi” lợi ích của nhau, “nuôi” đối tác, nhưng cũng phải chú trọng đến thanh khoản của chính doanh nghiệp mình, cân nhắc khi cấp hạn mức cấp tín dụng thương mại cho khách hàng và có những biện pháp thu hồi tiền hàng phù hợp”.
Có thể bạn quan tâm
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho hộ kinh doanh
14:30, 29/09/2022
Sẽ không có đợt nới room tín dụng tiếp theo?
15:00, 22/09/2022
Sacombank hướng đến phục vụ hàng triệu chủ thẻ tín dụng
10:18, 29/09/2022
Nới room tín dụng vẫn khó đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp
11:00, 10/09/2022
Nới hạn mức tín dụng cho ngân hàng: Khơi thông các dòng vốn
12:00, 11/09/2022