Để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao mà dù nới room tín dụng vẫn không đáp ứng đủ cho doanh nghiệp, đồng thời giảm bớt sự lệ thuộc tín dụng, doanh nghiệp cần có chiến lược huy động vốn từ kênh khác.
>>Ngân hàng phân bổ vốn ra sao sau nới room tín dụng?
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, một số ngân hàng phản ánh tình trạng hết room tín dụng, là do đã tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm 2022.
Về bản chất, cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động mới là hoạt động chính của ngân hàng, nhưng một số ngân hàng lại chủ yếu cho vay trung - dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản nên thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, NHNN nhìn nhận, tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào bất động sản sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống các ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung; do nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản thường có thời gian vay vốn dài, trong khi nguồn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường, vì vậy các ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản.
Các chuyên gia lý giải, những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 13-14%/năm, trong khi số dư huy động chỉ tăng 6-7%/năm, đây được xem là mức chênh lệch khá cao nên nhìn chung hệ thống ngân hàng vẫn thiếu vốn.
Mới đây, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và gửi thông báo cho các đơn vị này. Việc điều chỉnh “room” tín dụng dựa vào việc đánh giá tình hình hoạt động của TCTD và còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ... Thực chất, việc nới room lần này là NHNN phân lại hạn mức tăng trưởng tín dụng trong tỉ lệ còn lại của mục tiêu 14% của năm nay.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng viện Chiến lược (NHNN) đánh giá, nới room tín dụng thời điểm này là thích hợp nhất, với các lý do chính đó là lạm phát của Việt Nam rất thấp, chủ yếu do chi phí đẩy. Theo đó, không nên áp dụng giải pháp thắt chặt tiền tệ, mà phải sử dụng chính sách tài khoá, giảm thuế, phí để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
>>Xây dựng Chiến lược huy động vốn: Đa dạng các nguồn vốn cho doanh nghiệp
Thay đổi chiến lược huy động vốn
Tuy nhiên, ngay cả khi hạn mức tín dụng còn lại đã được bổ sung, thì nhu cầu vốn của doanh nghiệp và khả năng tiếp cận vốn vẫn đang là bài toán lớn.
Phát biểu tại Diễn đàn về Chiến lược huy động vốn cho doanh nghiệp do DĐDN tổ chức mới đây, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc CTCP tư vấn đầu tư FIDT nhận xét, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Từ khi room tín dụng ngân hàng ngừng từ tháng 4/2022, đã có nhiều doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tư vấn tái cấu trúc nguồn vốn. Nhưng khi hỏi doanh nghiệp có gì thì sổ sách đưa ra cho thấy doanh nghiệp lỗ nhẹ, dẫn đến không có căn cứ cho vay vốn.
“Do đó, các doanh nghiệp phải quan tâm quản trị tài chính, phải tính tới những sự kiện “thiên nga đen” như COVID-19 và những bất ổn 2 năm qua, khi không có thặng dư tài chính mới cuống cuồng huy động vốn. Doanh nghiệp cần có “profile” bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn khác, ví dụ như từ các quỹ, gồm quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư mạo hiểm, REIT... Các nguồn tài trợ thay thế này được nhìn nhận là có vai trò đặc biệt quan trọng trong cấu trúc vốn doanh nghiệp. Riêng với nhóm quỹ đầu tư mạo hiểm, nguồn còn có tính đòn bẩy cho tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Hiện theo ghi nhận từ thị trường, số lượng quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam khá nhiều, gồm các quỹ đầu tư chủ yếu vào cổ phần tư nhân; quỹ đầu tư công nghệ cao và đầu tư mạo hiểm (Dragon Capital, IDGVV-IDG Venture Vietnam, VinaCapital, FPT Venture...); quỹ đầu tư vào bất động sản; quỹ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, các công ty cổ phần...
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai phía các tổ chức quỹ và doanh nghiệp có thể “bắt sóng” nhau kịp thời, thì vẫn cần không gian pháp lý phù hợp và có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước. Theo các chuyên gia từ nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Bưu chính viễn thông và Viện nghiên cứu phát triển BIDV, có một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng một cơ sở pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho các hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Cơ sở pháp lý cần hệ thống và làm rõ các khái niệm, tiêu chuẩn và điều kiện về hoạt động đầu tư mạo hiểm cũng như Quỹ đầu tư mạo hiểm. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần ban hành các văn bản hướng dẫn tập trung và thống nhất cho hoạt động này, từ điều kiện thành lập, điều lệ hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan và mô hình quản lý hoạt động của quỹ.
Thứ hai, các cơ quan chức năng nên cân nhắc nghiên cứu, thực hiện và ban hành các chính sách ưu đãi riêng cho hoạt động của các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Đặc trưng của hoạt động đầu tư mạo hiểm vào quá trình đổi mới sáng tạo thường tiềm ẩn nhiều rủi ro và có tỷ lệ thành công thấp. Vì thế, Chính phủ cần khuyến khích phát triển hình thức đầu tư này thông qua các chính sách ưu đãi rõ ràng về thuế hay lãi suất.
Thứ ba, các quy định và hướng dẫn thực hiện dành riêng cho hệ thống các ngân hàng thương mại với vai trò là trung gian tài chính của Quỹ đầu tư mạo hiểm và ý tưởng đổi mới sáng tạo cũng cần được xem xét. Nguồn lực từ phía các ngân hàng thương mại là rõ ràng.
Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nắm rõ tình hình tài chính của thị trường, dự đoán được các xu hướng phát triển và là một trong những bộ phận tích cực nhất trong việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Những kinh nghiệm trong quản lý hoạt động của các ngân hàng thương mại như một tổ chức tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành những quy định về quản lý hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Với vai trò trung gian tài chính, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam có thể mang tới 2 sự trợ giúp quan trọng gồm: Một là hệ thống ngân hàng thương mại sẽ đóng vai trò trung gian tài chính, tiếp nhận nguồn vốn từ các Quỹ và chuyển tới trực tiếp các doanh nghiệp. Dòng tiền đầu tư mạo hiểm hầu hết sẽ chảy qua các ngân hàng thương mại, thông qua các tài khoản thanh toán hoặc ngoại tệ của các doanh nghiệp. Hai là với việc có thông tin về dòng tiền của dự án, hệ thống ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể hỗ trợ các Quỹ đầu tư mạo hiểm trong việc theo dõi, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp. Vai trò của hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam trong mối quan hệ giữa Quỹ đầu tư mạo hiểm và ý tưởng kinh doanh là trung gian, vừa hỗ trợ, thúc đẩy và kiểm soát hoạt động của dự án.
Thứ tư, các doanh nghiệp cần trang bị và luôn cập nhật những kiến thức mới về cả tài chính và khoa học công nghệ, thu hút và huy động vốn, quản trị nguồn vốn để sẵn sàng tiếp nhận nguồn vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm.
Bản thân doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược kinh doanh khả thi, một ý tưởng đổi mới sáng tạo đột phá nhưng hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực, khía cạnh thu hút sự chú ý của nhà đầu tư để có thể đón nhận nguồn vốn từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm.
Có thể bạn quan tâm
05:15, 09/09/2022
09:00, 29/08/2022
10:00, 02/09/2022
13:22, 30/08/2022
03:20, 29/08/2022
03:52, 26/08/2022