Có nên “cấm cửa” phân phối bảo hiểm qua ngân hàng?

Diendandoanhnghiep.vn Trước hàng loạt các hệ lụy tiềm ẩn từ kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, đặc biệt là các lùm xùm đã xảy ra thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, không nên để ngân hàng liên kết bán bảo hiểm...

>> Tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Theo đó, sau những tiêu cực xảy ra đầu năm 2023, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn còn đó không ít vấn đề, nhất là việc liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Không ít các lùm xùm liên quan đến thị trường bảo hiểm đã xảy ra trong năm 2023 vừa qua - Ảnh minh họa: ITN

Không ít các lùm xùm liên quan đến thị trường bảo hiểm đã xảy ra trong năm 2023 vừa qua - Ảnh minh họa: ITN

Liên quan đến vấn đề đã nêu, không ít ý kiến nhìn nhận, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng rất phổ biến trên thế giới, đây cũng là hình thức mang lại lợi ích cho cả ngân hàng, bảo hiểm lẫn khách hàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua, kinh doanh bảo hiểm theo phương thức này gặp nhiều điều tiếng và gây bức xúc cho người dân, chủ yếu xuất phát từ việc ngân hàng “ép” người vay vốn phải mua bảo hiểm.

Nguyên nhân của hiện trạng này được cho xuất phát từ việc ngân hàng vẫn có vị thế cao hơn người vay. Đặc biệt ở năm 2022, nhu cầu vay vốn của người dân cao nên phát sinh việc “ép” mua bảo hiểm mới được giải ngân.

Theo bà Hồ Thị Ngọc Như - Trưởng ban Hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, hiện nay chưa có giải pháp đủ mạnh để chấm dứt những vi phạm nhức nhối trên thị trường bảo hiểm.

“Tình trạng ép mua, mập mờ trong tư vấn bảo hiểm qua kênh ngân hàng, đặc biệt là bảo hiểm liên kết đầu tư diễn ra trên diện rộng với các chiêu thức tương tự nhau khiến dư luận rất bức xúc”, bà Như chia sẻ.

>> Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh tra bảo hiểm liên kết đầu tư

Từ đó, nhiều ý kiến đề xuất nên “cấm cửa” phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - Ảnh minh họa: ITN

Từ đó, nhiều ý kiến đề xuất nên “cấm cửa” phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, đây là vấn đề vô cùng nhức nhối thời gian qua, không chỉ gây “nóng” dư luận, mà tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội vừa diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội cũng tập trung phân tích và đóng góp ý kiến về vấn đề này. Đồng thời đề xuất các giải pháp để giải quyết tình trạng nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng vay vốn, gửi tiết kiệm phải mua bảo hiểm như hiện nay.

Trong đó, không ít ý kiến đề nghị, không nên cho phép ngân hàng thương mại liên doanh, liên kết với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm.

Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%, mà hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp.

“Chỉ tính riêng một công ty bảo hiểm nhân thọ bán qua một ngân hàng thương mại đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 đến 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 - 100% trong 2 năm đầu sau với lãi suất trên hợp đồng tín dụng”, đại biểu Thịnh chia sẻ.

Theo ông Thịnh, nếu Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2 Điều 113 là ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian vừa qua.

Do đó, vị đại biểu này đề nghị, nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại không được thực hiện thì Dự thảo Luật (sửa đổi) cần bổ sung một điều giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Đồng quan điểm đã nêu, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ, không nên cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm.

Theo đại biểu Hòa, thực tế đã có nhiều hệ lụy đã xảy ra và tồn tại dai dẳng đến nay chưa thể giải quyết. Khi ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm thì ngân hàng được chi hoa hồng rất cao, mà phần hoa hồng cao như vậy thực tế do công ty bảo hiểm thu tiền của khách hàng. Mặt khác, ngân hàng khi đã liên kết với công ty bảo hiểm thường sẽ buộc nhân viên ngân hàng vận động khách hàng vay tiền hay gửi tiền mua bảo hiểm. Khi không đạt chỉ tiêu thì chính nhân viên ngân hàng cũng bị làm khó.

Còn theo đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, để bảo vệ tốt quyền lợi của khách hàng, cần nghiên cứu luật hóa để có chế tài ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Ví dụ, xử lý các hành vi tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trong thời gian vừa qua.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Có nên “cấm cửa” phân phối bảo hiểm qua ngân hàng? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714220141 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714220141 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10