Có nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

AN NHIÊN 01/02/2024 00:00

Việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu được nhiều người quan tâm.

>>Quỹ bình ổn xăng dầu rất... “bất ổn"

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể, Theo Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 14-10-2023 của Văn phòng Chính phủ về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ trong quý II/2024.

Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Công Thương đề nghị các Sở Công Thương rà soát, đề xuất nội dung mới nhằm xây dựng nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Bộ Công Thương yêu cầu các ý kiến gửi trước ngày 12-1 để tổng hợp, triển khai xây dựng nghị định mới.

Nhiều người lo ngại rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu có nguy cơ bị chiếm dụng bởi tài khoản đang do doanh nghiệp nắm giữ. Ảnh minh họa

Nhiều người lo ngại rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu có nguy cơ bị chiếm dụng bởi tài khoản đang do doanh nghiệp nắm giữ. Ảnh minh họa

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thu qua giá bán lẻ xăng dầu, là tiền của người dân nộp vào, nhằm mục tiêu bình ổn giá. Việc chi sử dụng được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể khẳng định, Quỹ bình ổn được lập ra với mục đích ổn định giá, kìm hãm đà tăng đột ngột, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Thế nhưng, thời gian qua, Quỹ bình ổn đã có lúc hoạt động thiếu minh bạch, trích - xả quỹ không theo công thức nào. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng Quỹ bình ổn để chiếm dụng vốn, làm phát sinh nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính.

Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo đó, có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn sai mục đích, không kết chuyển về tài khoản Quỹ bình ổn mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ với số tiền 7.927 tỷ đồng.

Trong số này có 3/7 thương nhân là đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên là Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức. 

Có 3 thương nhân đầu mối đã trích lập và chi sử dụng quỹ BOG đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách, dẫn đến trích lập Quỹ sai với số tiền gần 4,8 tỷ đồng và chi sử dụng Qũy sai với số tiền 22,5 tỷ đồng. Có 1 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập quỹ BOG thiếu khoảng 3 tỷ đồng là Xuyên Việt Oil. Có 1 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện một số bút toán điều chỉnh giảm Quỹ với số tiền hơn 10,2 tỷ đồng không phù hợp với nguyên tắc kế toán là CTCP Thương mại dầu khí Đồng Tháp.

Thực tế cho thấy, tình trạng bất ổn của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được cảnh báo từ rất lâu và cũng đã được đề xuất bỏ, nhưng các cơ quan quản lý chưa thực sự quan tâm, hay nói đúng hơn là "phớt lờ" để cho sai phạm xảy ra.

>>Lo quỹ bình ổn giá xăng dầu bị chiếm dụng

Câu hỏi đặt ra, cần dùng biện pháp nào để bảo đảm an ninh xăng dầu và bình ổn giá xăng dầu?

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, bất cập là do tiền trích Quỹ bình ổn giá của người mua xăng dầu, Quỹ lại do doanh nghiệp quản lý, cơ quan chức năng quyết định việc sử dụng.

Chính sự quản lý, vận hành quỹ không chặt chẽ mới tạo cơ hội cho doanh nghiệp rút ra sử dụng mục đích khác, chiếm dụng. Bên cạnh đó, việc xử phạt nếu phát hiện cũng không nghiêm minh. Đó là chưa nói việc quản lý quỹ khi gặp sự cố lại có sự đùn đẩy trách nhiệm mà Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra.

Bên cạnh đó, việc trích và chi sử dụng Quỹ BOG từ lâu đã được phản ánh không theo kịp biến động giá thế giới. Trích mỗi lần 300 đồng/lít, giá giảm 5%, được trích thêm, giá tăng 7% mới được phép xả quỹ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty xăng dầu Âu Hải Phát, thừa nhận việc Quỹ bình ổn giá xăng dầu bị thả nổi trong thời gian qua đã dẫn đến những hệ lụy và bất cập khi giao quyền quản lý tài khoản quỹ về cho doanh nghiệp đầu mối.

Theo ông Thắng, việc dùng xăng dầu để bình ổn sẽ giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ và ổn định giá cho thị trường, thay vì giao tiền cho một thành phần trong chuỗi cung ứng xăng dầu quản lý.

Hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng có thể can thiệp bằng công cụ thuế phí, với các thủ tục pháp lý rút gọn. Công tác dự báo cung - cầu, giá bán cũng phải chính xác hơn; và đặc biệt là tăng khả năng dự trữ xăng dầu bằng hiện vật. Nếu chúng ta có nguồn xăng dầu dự trữ chiến lược, sẽ giúp bình ổn thị trường, tránh rủi ro đứt gãy nguồn cung.

Trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần phải có biện pháp để Quỹ hoạt động minh bạch; việc trích lập Quỹ phải theo quy tắc rõ ràng, ví dụ mức biến động ngưỡng nào mới được trích lập, sử dụng Quỹ.

Bên cạnh đó, cần phải thu về một đầu mối quản lý tập trung, tránh trường hợp nhiều cơ quan tham gia quản lý, có thể dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để bảo đảm tính minh bạch, công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người tiêu dùng.

Trước tình hình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện về việc bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và thời gian tới.

Công điện nêu rõ: Thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến giá cả và nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới và trong nước.

Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống. Tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu. Đồng thời có giải pháp kịp thời không để ảnh hưởng, gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với diễn biến thị trường xăng dầu...

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Nghị định 80/2023: Cần minh bạch nguồn cung xăng dầu

    04:00, 29/01/2024

  • Đôn đốc, thu hồi nợ thuế của doanh nghiệp xăng dầu

    15:42, 23/01/2024

  • Vá “lỗ hổng” kinh doanh xăng dầu

    14:20, 23/01/2024

  • Quỹ bình ổn xăng dầu rất... “bất ổn"

    03:30, 16/01/2024

  • Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử xăng dầu

    14:52, 11/01/2024

  • BSR chủ động đảm bảo cung ứng xăng dầu dịp Tết

    13:57, 08/01/2024

  • Nghị định 80/2023 – Có ngăn được “trục lợi” Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    04:00, 24/12/2023

  • Lo quỹ bình ổn giá xăng dầu bị chiếm dụng

    00:10, 24/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Có nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO