Việc xem xét có nên quy định cứng về thưởng tết trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) là vấn đề đang nhận được nhiều quan tâm, nhất là khi thời điểm cuối năm đang cận kề.
Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến đóng góp về dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012. Một trong những quy định đang được lấy ý kiến là đưa quy định tiền thưởng Tết vào Luật Lao động sửa đổi lần này. Vấn đề này đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Trong khi nhiều doanh nghiệp tỏ vẻ không đồng tình với quy định này thì các chuyên gia về lao động đều cho rằng nên đưa quy định này vào luật, tuy nhiên đi cùng với đó phải có các biện pháp kỹ thuật để hài hòa với thực tế.
Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, điều 103 Bộ luật Lao động quy định tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
“Qua việc theo dõi hằng năm, có trên 90% doanh nghiệp có thưởng Tết. Vấn đề ở đây tiền thưởng cho người lao động nhiều hay ít, trừ một số trường hợp doanh nghiệp cực kỳ khó khăn là bất khả kháng, không có thưởng Tết”, ông Quảng thông tin.
Theo ông Quảng, tiền thưởng tết lâu nay đã có và hầu như các doanh nghiệp đều thực hiện. Do đó, ông Quảng cho rằng "nên luật hóa thành một quy định cụ thể, trong quá trình hoàn thiện bộ luật chúng tôi sẽ có góp ý thêm”.
Trao đổi với Thời báo Tài chính, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, từ trước đến nay thưởng tết không phải là bắt buộc mà còn căn cứ vào kết quả kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Do đó, theo ông Lợi vấn đề thưởng tết nên đưa vào thỏa ước lao động tập thể thì sẽ hợp lý hơn. Trong thỏa ước này cần quy định nếu doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận thì phải sẵn sàng trả thưởng để tạo ra động lực làm việc cho người lao động.
Theo TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, chế độ thưởng Tết nên thành các văn bản cụ thể của ngành, của doanh nghiệp. Ông Thọ ủng hộ việc cân nhắc đưa quy định thưởng Tết vào trong luật, tuy nhiên luật thì chỉ quy định vĩ mô. Còn những quy định chi tiết nên dành cho các thông tư, chỉ thị, thậm chí là các cam kết của bên sử dụng lao động và người lao động vào những dịp đầu năm và cuối năm.
Trong khi đó, trao đổi với báo CAND, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội đưa ra các giải pháp khác về mặt kỹ thuật. TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng Tết đối với người Việt có nhiều ý nghĩa. Thời gian Tết bao giờ cũng là thời điểm nhu cầu người lao động cần nhiều hơn sau một năm làm việc. Thế nhưng người lao động hiện nay đa số không có khả năng tích lũy, trong khi đó chi phí trong những ngày đó đội lên rất nhiều. Đứng về mặt quan hệ lao động thì đây cũng là giải pháp để thúc đẩy quan hệ lao động. Bên cạnh đó, đây cũng là giải pháp để các doanh nghiệp tổ chức, chăm lo cho người lao động tốt hơn. Hiệu ứng về mặt tinh thần là rất lớn nhưng hiệu ứng về mặt kỹ thuật cũng không ảnh hưởng lắm.
“Có thể quy định theo hướng tùy chọn. Luật quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người lao động, còn trách nhiệm thế nào thì dựa vào thỏa ước lao động tập thể. Luật hiện nay phải thêm một khái niệm nữa đó là tiền lương năm. Tiền lương năm của người lao động gồm 12 tháng lương cộng với một số tháng tiền phúc lợi chẳng hạn. Vì tiền lương được luật hóa nhưng tiền thưởng không được luật hóa", TS Nguyễn Thị Lan Hương đưa giải pháp.