Cổ phần hóa quá chậm do thiếu chế tài?

Đại Dương 22/08/2019 11:00

Theo Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, có 93 doanh nghiệp lọt vào danh sách.

Tuy nhiên, không ít người bày tỏ sự nghi ngại về tính nghiêm minh của công tác thực thi, vì đây không phải lần đầu một danh sách như vậy được công bố?

Đầu tháng 8/2019, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp báo chuyên đề về tình hình cổ phần hóa 6 tháng đầu năm 2019. Những kết quả đạt được cho thấy một bức tranh rất xấu. Điều ấy thể hiện thông qua con số 6 doanh nghiệp được cổ phần hóa so với 18 doanh nghiệp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hồi năm 2017.

br class=

Số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn theo kế hoạch ban đầu giai đoạn 2017-2020

Những lý do không mới về chậm cổ phần hóa

Nên nhớ rằng, tháng 7/2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 991/TTg-ĐMDN yêu cầu giai đoạn 2017-2020 phải cổ phần hóa được 127 doanh nghiệp. Ấy vậy mà cho đến hết quý 2/2019, số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa chỉ mới đạt được 35, số còn lại phải tiến hành cổ phần hóa vẫn còn 92, chiếm 72% kế hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt.

Báo cáo của Bộ Tài chính vẫn khẳng định cổ phần hóa là ”giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN”, ”kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên”.

Ấy vậy nhưng, kết quả của cổ phần hóa tính đến nay cho thấy: dù có những tác động rất tốt cho cả nền kinh tế như vậy, nhưng cổ phần hóa vẫn rất chậm chạp. Dường như có một lực cản mà không phải bất kể ai cũng dám nhìn thẳng, nhìn thật.

Bộ Tài chính khi nêu ra những “tồn tại hạn chế” vẫn đề cập tới việc một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Rồi vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

“Tồn tại, hạn chế” này được xếp hàng đầu và tương đương với nó là giải pháp “Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN” các các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ… để “tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện”.
Có lẽ, để cụ thể hóa những “hành động quyết liệt” ấy, Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 26/2019 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Chưa có cá nhân bị xử lý trách nhiệm

Nếu xem xét danh sách 93 doanh nghiệp cần phải cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng nói trên, có rất nhiều doanh nghiệp lẽ ra đã phải cổ phần hóa từ năm 2017, 2018… theo Quyết định 991/2017 mà Thủ tướng đã ban hành. Điều ấy cũng có nghĩa là, quyết định của Thủ tướng, một văn bản quy phạm pháp luật đã được các cấp, các ngành thi hành không nghiêm. Trong một cuộc họp báo năm 2018 cũng tại Bộ Tài chính về cổ phần hóa, báo chí đã đặt câu hỏi rằng: “Liệu có nên đề xuất chế tài mạnh như cách chức để đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa hay không?”. Đại diện Bộ Tài chính khi đó nói rằng: Bộ chưa tính đến đề xuất này.

Có lẽ, đó cũng là một trong những “lực cản” khiến công tác cổ phần hóa chưa diễn ra đúng kế hoạch. Thực tế là, dù không tuân thủ đúng Quyết định của Thủ tướng, nhưng dường như những người có trách nhiệm vẫn chưa… bị sao. Thủ tướng thì luôn tích cực chỉ đạo. Một khi không có những chế tài đủ mạnh thì chắc chắn những kế hoạch đã được vạch ra sẽ không thể được triển khai nghiêm túc.

Dĩ nhiên, người ta có thể viện đến nhiều lý do để… không tiến hành cổ phần hóa như Thủ tướng đã quyết định. Nào là nguyên tắc “bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước”, hay những khó khăn trong quá trình định giá doanh nghiệp, nhưng thực chất có những vấn đề nội tại mà khó ai có thể gọi tên. Lo ngại trách nhiệm là một phần, những cũng cần phải xem xét những lợi ích chi phối hoặc tác động để giá trị của doanh nghiệp đôi khi không do nguyên tắc thị trường quyết định.

Cổ phần hóa là một chủ trương đúng, nhưng khi nó không được triển khai nghiêm túc thì cần phải xem lại cách thức triển khai hoặc những “lực cản” đang cản trở tiến trình này. Chế tài nặng có thể chưa phải là giải pháp tốt nhất, nhưng ít ra nó sẽ giúp các cấp, các ngành không thể chậm trễ. Ngoài ra, vẫn cần có những sửa đổi để nguyên tắc “đảm bảo lợi ích cao nhất của nhà nước” không phải lý do để người ta vin vào đó làm cản trở tiến trình tất yếu này.

Nếu không, biết đâu sang năm Thủ tướng lại phải “cầm tay chỉ việc” bằng một quyết định cụ thể khác?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phần hóa quá chậm do thiếu chế tài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO